Hai tháng nay, cả TP Hà Nội xôn xao vì nạn ăn cắp biển số xe máy. Dù bị mất ở bất cứ đâu, chiếc biển số đều "vòng về" chợ Trời, đợi "khổ chủ" của nó mang từ dăm bảy trăm đến vài ba triệu đồng đến "chuộc lại".
Chợ trời nóng bỏng. Các cơ quan cấp phường đã vào cuộc, và họ đã làm nên những chuyện "động trời" thật khó tin... Song điều băn khoăn lớn nhất của họ vẫn là nếu Hà Nội còn duy trì biện pháp cấm đăng ký xe máy, thì nạn mất cắp biển số xe, hậu quả của biện pháp này lại có nguy cơ bùng phát.
"Tiếng dữ đồn xa..."
Bí thư Đảng ủy phường phố Huế, ông Ngô Văn Lũy dáng người to lớn hiền hậu, tác phong giản dị như một người bán phụ tùng xe máy cũ ở chợ Trời. Ông tâm sự rất thật: Chợ Trời nóng lên bắt đầu từ tháng 10. Khi đó đồng chí trưởng CA phường báo cáo lên, tôi còn bất ngờ, và thú thực là không thể hình dung nổi có người lại nghĩ ra cái trò này. Trong báo cáo, đồng chí Trưởng CA viết tắt là bắt được vụ trộm cắp "BS" xe máy, dịch mãi tôi mới hiểu ra là "Biển số" xe máy. Lợi dụng đúng vào lúc Hà Nội cấm đăng ký xe máy, người ta phải đi đăng ký thuê, dẫn đến tình trạng nhiều xe không phải là chính chủ, chúng mới sờ đến biển số, là thứ mà khi bị mất, phải chính chủ mới xin cấp lại được...
Ban đầu, bọn trộm cắp thường đem đến các điểm và khu vực dọc Phố Huế và chợ Hòa Bình để tiêu thụ. Một số người mất biển số xe máy đã đến các nơi để tìm và mua lại. Nắm được nhu cầu của người mua và người bán, một số người buôn bán phụ tùng xe máy, lái xe ôm, bán hàng nước, bán xe đạp rong, bán hàng đồ cũ đã vào cuộc. Họ mua lại hoặc dắt mối nơi bán cho đối tượng trộm cắp, nhận lời tìm biển số để bán lại cho người bị mất. Và cũng từ thông tin truyền miệng, thông tin trên báo chí, chợ Hòa Bình trở thành địa chỉ mà người mất cũng như đối tượng trộm cắp biển số xe máy tìm đến để mua, bán.
Lộ diện các "siêu trộm"
Thủ đoạn của bọn buôn bán biển số xe ăn cắp là vừa công khai lại vừa tinh vi xảo quyệt. Rất dễ dàng "giao dịch" với chúng, nhưng để bắt được quả tang chúng tàng trữ của gian là cực kỳ khó, vì chúng thường xuyên hẹn lần lữa qua điện thoại, thay đổi địa điểm... nên công an phải "đóng giả" người cần mua rất mất công.
Nắm được thông tin rằng hầu hết bọn họ đều là những chủ kinh doanh phụ tùng xe máy, qua một thời gian theo dõi, lần lượt 5 chủ hộ kinh doanh đều bị bắt quả tang. Đó là Đỗ Thu Hằng; Nguyễn Thị Thảo; Nguyễn Thị Thoa; Lê Mai Hoa; Lương Hoàng Giang.
Ngoài ra, Công an còn mai phục tóm được một số đối tượng lang bạt, lái xe ôm, chuyên lấy cắp hoặc mang đến để bán cho dân chợ Trời. Đó là lái xe ôm Nguyễn Ngọc Quang (SN 1968); Lê Anh Tuấn (SN 1978) và Đào Thanh Huyền (SN 1968).
Các đối tượng trên hầu hết chỉ bị phạt hành chính, vì chúng chỉ mang theo 1- 2 biển số, chưa đủ để bị xử lý hình sự. Đó mới chỉ là những "con cá nhỏ". Phải qua rất nhiều phen "mất ăn mất ngủ", CA phường phố Huế mới khám phá được đường dây trộm cắp biển sổ xe máy tại quận Hoàn Kiếm, Đống Đa đem đến chợ Trời tiêu thụ. Các đối tượng trong đường dây này gồm Bùi Tiến Cường, sinh năm 1982 ở A5, E7 Tập thể Phương Mai; Trần Phương Nam, sinh năm 1973 ở E7 tập thể Phương Mai; Trần Trung Hiếu ở 113 tổ 16 Ngọc Hà. Vì tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm mới này, CA phường đã chuyển đối tượng cho cơ quan điều tra công an các quận thụ lý giải quyết.
Ngoài ra, công an còn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Hùng (213 Phố Huế) 2 lần tiêu thụ của gian. Đối tượng này đang bị CA Quận tạm giữ xử lý.
Càng dừng đăng ký xe máy, càng khó cho công an!
17/119 người kinh doanh phụ tùng xe máy là đã có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, tiêu thụ tài sản bị xử lý pháp luật. 24 người có nghi vấn biểu hiện hoạt động tiêu thụ tài sản trộm cắp. 7 quán nước có biểu hiện liên hệ, giao dịch tài sản trộm cắp, kể cả tiêu thụ biển số xe máy. (Nguồn: CA phường phố Huế)
|
Trong bảy vụ trộm cắp, tiêu thụ biển số xe máy thì chỉ phát hiện một biển số là đăng ký chính chủ, còn lại là mua suất đăng ký của người ngoại thành, ngoại tỉnh hoặc xe chưa sang tên đổi chủ.
Bọn đạo chích cũng tiết lộ rằng các biển đăng ký mới đây như: 29R..., 29P..., 29S..., 29T..., 29U... được "săn sóc" đặc biệt vì 90% xe mang biển này là mua suất đăng ký của người khác.
Từ thực tế này, CA phường phố Huế cũng chính thức "góp thêm" vào bản kiến nghị thành phố về việc "Không hạn chế người dân ở một số quận đăng ký xe máy". Theo phân tích của trung tá Hà Xuân Bình Trưởng CA phường phố Huế, vì nhu cầu của người dân cần sử dụng, nên họ mua xe và mua tên người khác ở khu vực được đăng ký hoặc đăng ký tại các tỉnh khác đem về Hà Nội sử dụng, do vậy khi bị mất xe máy hoặc biển số, công an tìm ra qua các vụ án, xác minh chủ sử dụng rất khó. Thực tế có nhiều vụ công an phường tìm không ra chủ sở hữu và chủ sử dụng xe máy.
Đó chính là một bất cập nữa của chủ trương ngừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành Hà Nội!
|