Hỏi: Ðề nghị báo cho biết quy định của Nhà nước về việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nâng ngạch. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính như thế nào?
Trả lời: Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10-8-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nâng ngạch như sau:
a) Trường hợp khi nâng ngạch mà chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ (ngạch đang giữ trước khi nâng ngạch), thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ chuyển xếp vào hệ số lương bằng, hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch được bổ nhiệm (khi nâng ngạch).
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch được bổ nhiệm tính như sau:
Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (riêng trường hợp có ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ trước ngày 1-10-2004 mà tại thời điểm ngày 1-10-2004 có hệ số lương cũ ở ngạch cũ thấp hơn hệ số lương cũ ở ngạch được bổ nhiệm, khi tính chuyển xếp sang lương mới có hệ số lương mới ở ngạch cũ cao hơn hệ số lương mới ở ngạch được bổ nhiệm, thì thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch được bổ nhiệm được tính kể từ ngày 1-10-2004).
b) Trường hợp khi nâng ngạch mà đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch cũ chuyển xếp vào hệ số lương bằng, hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch được bổ nhiệm.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch được bổ nhiệm được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm so với hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gần nhất (theo mức % phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng) ở ngạch cũ.
Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm theo quy định tại điểm b này, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm thấp hơn so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ, thì kể từ ngày bổ nhiệm vào ngạch được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm hoặc được nâng ngạch khác cao hơn.
Phạm Báu (Bộ Nội vụ)
------------
Về hành vi trốn thuế của doanh nghiệp
Hỏi: Ðề nghị Tòa soạn cho biết thế nào là doanh nghiệp có hành vi trốn thuế và thủ tục xử phạt chậm nộp tiền thuế?
Trả lời: Ðối với trường hợp các tổ chức, cá nhân trong quá trình kê khai, quyết toán thuế có hành vi kê khai, xác định không đúng căn cứ tính thuế theo quy định của từng sắc thuế, làm giảm số thuế phải nộp; làm tăng số thuế được hoàn, miễn, giảm, nhưng số liệu về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đã phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán, trên báo cáo tài chính đơn vị gửi cơ quan thuế theo đúng quy định thì chưa đủ căn cứ để kết luận là hành vi trốn thuế. Vì vậy, theo quy định, cơ quan thuế sẽ truy thu đủ số thuế còn thiếu theo quy định. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt trong lĩnh vực kế toán theo Nghị định 185/2004/NÐ-CP của Chính phủ.
Hành vi trốn thuế chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm như trên, nhưng tái phạm với hành vi tương tự, trong thời gian chưa chấp hành xong việc truy thu thuế và quyết định xử phạt (trong lĩnh vực kế toán hoặc hóa đơn, chứng từ) hoặc chưa quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong việc truy thu thuế, xử phạt.
Việc không xác định là hành vi trốn thuế còn được xem xét đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ghi sổ sách kế toán không đúng chế độ kế toán; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ rồi lập hóa đơn ghi giá trị thấp hơn từ 20% trở lên so với giá bán trung bình cùng loại trên thị trường (trường hợp này cơ quan thuế chỉ truy thu đủ các loại thuế theo giá bán thực tế).
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt là cơ quan thuế xác định số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp và tỷ lệ phạt nộp chậm để thông báo cho đối tượng nộp thuế thực hiện, không phải lập biên bản hành chính.
Ðức Long (Bộ Tài chính)
|