Công khai, minh bạch là khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng
Các Website khác - 03/01/2006
Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6-2006. Để đưa các quy định của Luật này vào cuộc sống và để việc chống tham nhũng có hiệu quả, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho rằng, công khai, minh bạch là khâu đột phá.
* Theo ông thì đâu là nguyên nhân cơ bản và "đất sống" của tham nhũng?

- Thực tế cho thấy những nơi nào mà tính công khai minh bạch kém thì dễ phát sinh nạn tham nhũng. Nói cách khác, sự thiếu công khai, minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Những "địa chỉ" mà ẩn chứa nhiều khả năng tham nhũng cũng cần được chúng ta phân tích và bóc tách rõ ràng. Lâu nay chúng ta đã nói nhiều đến việc tham nhũng trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư, trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị...

* Quy định nào trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà ông cho là bước đột phá để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay?

- Theo tôi, giải mã được vấn đề công khai, minh bạch chính là giải pháp quan trọng nhất, đó sẽ là khâu đột phá để phòng, chống tham nhũng.

* Công khai, minh bạch đã được quy định trong Luật nhưng để thực hiện trong thực tế thì trách nhiệm đó thuộc về ai?

- Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định khá rõ các hoạt động trên nhiều lĩnh vực bắt buộc phải công khai, minh bạch. Cụ thể là trong phòng ngừa tham nhũng. Luật quy định các nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực mà hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch.

Trách nhiệm là một nội dung rất quan trọng để bảo đảm các quy định về công khai, minh bạch được thực thi và phải chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm trong việc công khai, minh bạch. Chịu trách nhiệm về vấn đề này, không ai khác hơn là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, phải làm rõ trách nhiệm trong hai trường hợp. Nếu lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không đưa ra thực hiện các quy định công khai, minh bạch thì trách nhiệm đó thuộc về lãnh đạo. Nếu lãnh đạo đã đưa ra và chỉ đạo thực hiện việc công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức mình mà cán bộ cấp dưới không thực hiện thì cán bộ cấp dưới phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh vấn đề trách nhiệm, để việc công khai, minh bạch được bảo đảm thực thi, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

* Cải cách hành chính ở nước ta hiện nay có đưa ra nhiều quy định về công khai, minh bạch nhưng chưa đưa ra chế tài đủ mạnh... Luật Phòng, chống tham nhũng có dẫn chiếu đến những chế tài mạnh hơn để bảo đảm thực thi các quy định về công khai, minh bạch trong Luật này, thưa ông?

- Chế tài là rất cần thiết và phải có. Hiện nay, nhiều chế tài bảo đảm thực thi quy định về công khai, minh bạch được nằm trong các văn bản pháp luật khác. Về sau, khi các nghị định hướng dẫn thi hành luật này có thể sẽ có những hướng dẫn, đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nữa.

* Một vấn đề rất được quan tâm đó là minh bạch về tài sản, thu nhập. Thực hiện các quy định về kê khai tài sản trong Luật Phòng, chống tham nhũng liệu có khó khăn gì không, thưa ông?

- Có một thực tế là nền kinh tế của chúng ta phát triển không đồng nhất, các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, tính chất pháp lý của việc làm ăn, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nhiều khi còn chưa được minh định. Điều này thể hiện xuất phát điểm để đánh giá việc kê khai tài sản chưa được rõ nét, nhìn nhận về việc kê khai tài sản có thể sẽ khác nhau. Thí dụ, có những cán bộ, công chức ngoài thời gian làm việc trong các cơ quan nhà nước, họ có thể tham gia làm thêm một số công việc hợp pháp khác, từ đó có được thu nhập.

Có người dành dụm hoặc vay mượn được ít tiền, mua được một mảnh đất, sau đó giá đất bên họ bán và kiếm lời chẳng hạn. Tài sản mà họ có được này là hợp pháp, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường và cũng là phục vụ nhu cầu chi tiêu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của công dân trước thực tế là đồng lương hiện nay không đủ sống. Từ thí dụ này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá thế nào cho đúng về các khoản thu nhập, tài sản đó?

* Vậy ông có đánh giá như thế nào?

- Theo tôi, chúng ta phải có được cách đánh giá minh bạch, sòng phẳng đối với những tài sản mà cán bộ, công chức có được từ thu nhập hợp pháp bên ngoài. Tránh hiện tượng khi thấy cán bộ, công chức kê khai có tài sản, đặc biệt là tài sản có giá trị lớn là thấy cần phải truy tìm nguồn gốc tài sản. Ở đây phải hiểu đúng là việc kê khai tài sản nhầm kiểm soát tài sản và các biến động về tài sản trong quá trình cán bộ, công chức được Nhà nước giao nhiệm vụ.

Nếu chúng ta hiểu và thực thi chưa đúng việc kê khai tài sản sẽ dẫn đến hệ quả là kê khai không trung thực; kê khai có tính chất đối phó, dè dặt, thậm chí còn "vận dụng linh hoạt" trong việc kê khai tài sản hơn là kê khai tự nguyện, trung thực.

Tôi cho rằng, các văn bản hướng dẫn luật sau này cũng cần phải minh định và cụ thể hoá hơn nữa việc kê khai tài sản. Ngoài ra, cần phải tăng cường giám sát quá trình tự kê khai tài sản của cán bộ, công chức và giám sát diễn biến tài sản sau kê khai; xử lý thông tin liên quan đến việc kê khai tài sản...

* Trong trường hợp người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản mà kê khai không đúng thì họ có bị xử lý hay không?

- Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rồi. Điều 44 quy định: người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Điều 52 ghi rõ: Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn, vào chức vụ đã dự kiến.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Pháp luật Việt Nam