Cuộc chiến không mệt mỏi với ma túy vùng Tây Bắc
Các Website khác - 03/07/2008
Cả bản chỉ toàn là những ngôi nhà phên nứa nằm chênh vênh bên triền đồi
Kỳ 1: LANG THANG BẢN ĐÓI, BẢN NGHIỆN

Ma túy vùng biên chưa bao giờ thôi nhức nhối, nhất là tại hai vùng Tây Bắc và Tây Thanh - Nghệ. Hàng giờ hàng ngày, thuốc phiện, heroin vẫn được tuồn về xuôi qua mặt các cơ quan chức năng... Bao giờ vùng biên trở lại yên bình, bao giờ những nương anh túc còn khuất nẻo đâu đó ở núi rừng được chặt phá tận gốc?

MỘT NĂM HƠN... 10 THÁNG ĐÓI!
Thấy người lạ vào bản, như có một tín hiệu ngầm được thống nhất từ trước, những cái đầu trong nhà thò ra ngoài và những tấm phên nứa thay cửa nhà đóng lại. Chỉ trong vài phút, bản Nậm Củm (xã Bum Na, Mường Tè, Lai Châu) như một vùng đất hoang, vắng người. Nếu không có trưởng bản Lò Y Van thì chúng tôi không thể biết đến những chiếc bàn đèn trong bản vẫn ngày đêm nhả khói.

Chiều ở bản Nậm Củm buồn cô quạnh, chỉ nghe tiếng giun, dế kêu và tiếng suối Nậm Củm ào ào chảy. Nhìn quanh bản hầu hết những ngôi nhà sàn bốn bề tre nứa. Lác đác mới thấy những ngôi nhà tường bằng đất. Cả bản không có lấy một cây to, một khoanh đất trồng rau nào. Đường trong bản lầy lội, bốc lên một mùi hôi tanh, lợm lợm sau trận mưa đêm qua.

Nhà Lò Thị Búm tan hoang, mái nhà lợp được một nửa tôn, phần còn lại lợp tranh, nhìn từ trong nhà ra trống hoác. Thấy chúng tôi ở cửa, đang nằm co, Búm vội vùng dậy chạy ra cầm củ sắn, nạo nhanh để chuẩn bị cho bữa tối. Nhà Búm có sáu nhân khẩu nhưng bữa chiều nay chỉ có bốn người ăn. Chồng Búm đang lúi húi nướng sắn ở góc nhà, đứa con lớn vừa đi nương về, trên vai gùi mấy củ sắn và mớ rau rừng. Đứa con nhỏ 7 tuổi thấy anh về vội lao ra lấy một củ sắn to, bẻ làm đôi rồi bóc vỏ ăn sống sồn sột.

Tháng 1-2008, theo chương trình hỗ trợ gạo của Nhà nước cho đồng bào dân tộc ít người đặc biệt khó khăn với mục đích giữ rừng, bà con trong bản mỗi khẩu được nhận 10kg gạo/tháng, cho nên ba tháng đầu năm bà con trong bản bớt đói.

Nhưng để việc cấp gạo cho công bằng, dành cho những gia đình nghèo đói thực sự và không có người nghiện thuốc phiện nên UBND tỉnh tạm dừng việc cấp gạo để kiểm tra lại cho đúng đối tượng. Vì vậy, mấy tháng nay bà con trong bản vẫn ngày ngày lên nương sắn đào lại xem còn sót lại củ nào để làm bữa no cho cả gia đình.

Nhà trưởng bản Lò Y Van được coi khá giả nhất bản. Vì là trưởng bản nên Y Van phải chăm làm để làm gương cho bà con. Nhà Van có năm nhân khẩu, cộng với một đứa cháu ngoại vừa mới sinh hơn một tháng, sống trong ngôi nhà rộng chừng 15m2, ở góc bếp có mấy chiếc nồi đen ngòm, bên cạnh là mấy củ sắn và một chiếc mẹt, bên trong có chừng 2kg gạo đen chưa bóc vỏ.

Y Van nói: “Nhà làm ba sào ruộng, mỗi vụ cũng thu hoạch được khoảng sáu bao thóc, chỉ đủ ăn khoảng ba tháng, đấy là cũng đã ăn độn với sắn rồi. Ít thóc cuối cùng để làm giống, nhưng cả nhà đói quá, lại vừa có cháu nhỏ nên phải giã nốt dành cho cô con gái mới sinh ăn lấy sữa cho con bú”. Lúc này anh con rể trưởng bản Lò A Chinh, hộc tốc chạy từ ngoài suối về, tay cầm mấy con cá, toét miệng cười khoe: “Hôm nay có khách đến chơi, nhà không còn gì tiếp đãi, may mà ra suối bắt được mấy con cá...”.

Vừa nói A Chinh vừa thả con cá vào nồi nước, bỏ một nắm muối vào rồi chất củi nhóm lửa. Bữa tối đó chúng tôi được trưởng bản đãi món canh cá, sắn luộc và rau sắn luộc. Bữa cơm tối dọn ra nhưng chỉ 10 phút sau, A Chinh đã xách từ đâu về một can 5 lít rượu.

Chiều, bản Nậm Củm buồn hiu hắt, những ngôi nhà sàn đóng cửa im lìm. Những năm trước, diện tích đất canh tác còn nhiều, bà con lại chăm chỉ nên không có hộ nào đói, suối Nậm Củm còn nhiều tôm cá cung cấp một phần thực phẩm cho bà con.

Theo thầy giáo Vàng Văn Ước, người đã có thâm niên năm năm cắm bản, nhiều người ở đây đói nghèo cũng do suốt ngày nằm co bên bàn đèn, không chịu làm nên mỗi năm có tới 10 tháng đói. Ước bảo: “Tội nhất là các em học sinh, nhiều hôm đến lớp đói lả đi, thầy cô giáo lại phải mang mì tôm dự trữ của mình ra nấu cho các em ăn. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tỷ lệ người nghiện trong bản ngày càng tăng. Các em còn nhỏ mà ngày ngày phải ngửi khói thuốc phiện”.

Lo ngại hơn là hiện nay các em học sinh trong bản ngoài giờ lên lớp chỉ quanh quẩn ở nhà, khói thuốc phiện bay suốt ngày đêm. Có trường hợp trẻ con ốm đau, gia đình không đưa ra trạm y tế xã mà cho dùng thuốc phiện. Chúng tôi cũng đã bắt gặp một em học sinh lớp 5 đang giờ học đau bụng chạy về bố mẹ cho hút thuốc phiện...

“VÒNG KIM CÔ” CỦA ĐÓI VÀ NGHIỆN
Lò Thị Púm đang chuẩn bị bàn đèn và hút thuốc phiện
Nhà Lò Thị Púm nằm kề điểm trường bản, hướng trông ra suối Nậm Củm. Trước đây nhà Púm là nguồn cung cấp “hàng đen” phục vụ toàn bộ người nghiện trong bản và một số đối tượng dưới trung tâm thị trấn lên vào mỗi buổi chiều. Nhà Púm có năm nhân khẩu, chồng Púm chết cách đây gần 10 năm cũng bởi đói thuốc.

Hiện nay Púm đang sống với người chồng hờ cũng đã có thâm niên 14 năm nghiện thuốc phiện và hai đứa con lên 7 và lên 10. Cô con gái lớn vốn là một con buôn, chuyên vận chuyển “hàng” từ Trung Quốc về qua đường rừng.

Cuối năm 2007, Lò Thị Nhỡ (con gái Púm) bị công an bắt khi mang thuốc phiện về tới bản. Từ đó đến nay vợ chồng Púm rơi vào cảnh đói thuốc, vật vờ tìm đến các bàn đèn trong bản kiếm chút sái về giải nghiện.

Thấy người lạ vào nhà, Púm vội quơ nhanh bàn đèn mang giấu trong xó nhà. Nhìn quanh nhà không có lấy vật gì đáng giá trăm ngàn. Một vài chiếc bát sứt mẻ vứt chỏng chơ cạnh mấy chiếc nồi đen ngòm méo mó, bên cạnh là mấy củ sắn đứa con lớn vừa lên nương lấy về đang hì hục nạo, chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Vật có giá trị nhất, có chăng là mấy chiếc chăn bông của Trung ương Đoàn tặng hồi đầu mùa đông vừa rồi.

Lò Văn Mấn cứ chiều chiều tựa cửa nhớ về quãng đời của mình từ khi ở chiến trường trở về
Nhà ông Lò Văn Mấn (57 tuổi) có vẻ khá hơn những hộ khác trong bản vì “còn chịu khó làm ăn” tuy rằng hai bố con đều nghiện thuốc phiện lâu năm. Vợ ông Mấn cũng chết cách đây vài năm vì nghiện thuốc không có hút, vật vờ lên rừng rồi bỏ xác trên đó. Bởi là người đã từng tham gia quân đội tại chiến trường Lào nên ông là người đi nhiều và hiểu biết nhất bản.

Khi được hỏi về thâm niên nghiện thuốc phiện ông cười rồi nói: “Mình cũng không biết nghiện từ bao giờ nữa. Sau khi ở chiến trường về mình có mang về bản một ít, thấy buồn mang ra hút cho vui rồi nghiện khi nào không biết thôi”. Người đàn ông da bọc xương, ngồi ôm gối tựa lưng vào liếp nhà như kiệt sức sắp đổ. Giọng ông phều phào mỗi khi chúng tôi hỏi chuyện. Ông Mấn hiểu và biết tác hại của thuốc phiện, nhưng ông bảo: “Nó như con ma rừng, ai đã dùng vài lần nó bắt thì không bao giờ nó thả đâu”.
Ngay khi trao đổi với ông Vàng Văn Phương - Phó bí thư Đảng ủy xã Bum N-a, về thực trạng nghiện ma túy ở bản Nậm Củm, chúng tôi chỉ nhận được sự ngao ngán bên cái lắc đầu ái ngại.

Theo ông Phương cho biết, chính quyền và Đảng ủy xã đã vào cuộc nhiều năm nay. Bởi bản Nậm Củm có 100% là người Mảng, thuộc 1 trong 5 dân tộc đặc biệt khó khăn của cả nước nên không chỉ được xã quan tâm mà còn được hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Năm 2007, chính quyền xã đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, vật tư và dụng cụ sản xuất nhưng mang đến bao nhiêu bà con đem đổi thuốc phiện hết.

Và cứ thế cái vòng luẩn quẩn nghiện và đói, nghiện dẫn tới đói và ngược lại như chiếc vòng kim cô quấn chặt lấy Nậm Củm...

(Còn tiếp)

H.L - N.C