Việt Nam nỗ lực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em
Các Website khác - 01/07/2008
Hơn 7.035 phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài

Đó là con số mà Thiếu tướng Vũ Hùng Vương vừa cho biết tại cuộc họp báo ngày 27-6,  tại Hà Nội. Nội dung của buổi họp báo này là, công bố nội dung Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Công An đã triệt phá đường dây mua bán phụ nữ ra nước ngoài làm nô lệ tình dục
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 1.099 vụ với 1.987 đối tượng phạm tội và có 2.823 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.
Nếu tính từ năm 1998 đến nay thì có tới 7.035 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.
Riêng 6 tháng đầu năm 2008, xảy ra 193 vụ với 429 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. 
 
Tại họp báo, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam Andrew Bruce  đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
 
Phát biểu trong buổi họp báo, ông Andrew Bruce nhấn mạnh rằng nỗ lực của Việt Nam trong công tác này điển hình là việc xây dựng chương trình hành động từ năm 2005 với những đề án toàn diện từ tuyên truyền tới đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Ông Andrew Bruce nhấn mạnh song song với kế hoạch hành động quốc gia, các bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống nạn buôn bán người.
 
Theo ông Andrew nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ là vấn đề của Việt Nam là còn là vấn đề chung của khu vực và toàn cầu và Việt Nam luôn là quốc gia được đánh giá cao trong mỗi kỳ tổng kết về công tác phòng chống tệ nạn này.
 
Thông tư liên tịch, do các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành ngày 8-5, quy định rõ các tổ chức chịu trách nhiệm xác minh, tiếp nhận nạn nhân, cũng như về trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân theo khuôn khổ thoả thuận song phương.
 
Theo Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (BCA), việc ban hành Thông tư liên tịch trên có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, điều kiện và căn cứ pháp lý cho các đơn vị, địa phương vận dụng thực hiện công tác tiếp nhận nạn nhân bị bán ra nước ngoài, đồng thời là tiền đề để khu vực Tiểu vùng sông Mê Công tham khảo vận dụng xây dựng cơ chế khung thống nhất và tạo sự phối hợp đồng bộ trong khu vực về công tác này.
D.T