Những địa bàn "nóng" tụ tập dân lắc
Vụ khám phá ổ lắc tại khách sạn Hải Đăng, số 149X/D3 đường Tô Hiến Thành phường 13, quận 10 vào hồi 0 giờ 30 phút rạng sáng 21-8 đã khiến dư luận tại TP Hồ Chí Minh càng thêm bất an trước "dịch" thuốc lắc vẫn tung hoành. Tại 5 căn phòng trong khách sạn Hải Đăng, lực lượng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã .hội - Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 10 đã phát hiện hơn 20 đối tượng nam nữ còn rất phê, đang lắc điên loạn. Tại hiện trường ngổn ngang những dụng cụ tự chế của dân chơi lắc nào bàn đèn, bao caosu, các đĩa nhạc kích động và những viên ma túy tổng hợp, bột kích thích gây nghiện...
Ngay sau khi khám xét hiện trường tại khách sạn Hải Đăng, công an đã tạm giữ 24 đối tượng, gồm dân lắc và nhân viên khách sạn để tiếp tục điều tra làm rõ. Như vậy, vụ khám phá ổ lắc lần này tại địa bàn quận 10 càng cho thấy nơi đây đang bị hoành hành bởi "dịch" lắc. Vì trước vụ này, còn chưa nguôi ngoai (chưa đầy một tháng) vụ 31 đối tượng chơi thuốc lắc đã bị công an phát hiện bắt giữ lúc 4 giờ 30 phút rạng sáng 29-7, tại nhà số E4, đường Thất Sơn, phường 15, quận 10. Qua kiểm tra, công an xác định có 12 đối tượng dương tính (sử dụng thuốc lắc)...
Tại quận Bình Thạnh cũng như vậy. Vụ phát hiện hơn 100 dân lắc tại karaoke Song Ngọc và hàng chục đối tượng ăn chơi thác loạn tại khách sạn BinBo cho đến "ổ" thuốc lắc trong karaoke gia đình Minh Thy, tất cả đều ở địa bàn quận Bình Thạnh được công an triệt phá vào những tháng gần đây.
Vẫn chưa chặt đứt nguồn cung cấp thuốc lắc
Bất chấp nhiều vụ khám phá liên tiếp và phá các ổ "lắc" của ngành công an, các loại ma túy tổng hợp vẫn tồn tại và cung cấp đến dân chơi lắc. Như vậy, liệu những đường dây cung cấp thuốc lắc đã được chặt tận gốc hay chưa? Sau chiến công đập tan "tập đoàn" tội phạm về ma túy của Hải Luận và Hạnh Cầm, thì lại xuất hiện chiến công mới của lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, với chuyên án bí số 114E triệt phá ba đường dây thuốc lắc cực lớn tại TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ hồ sơ theo dõi hành tung của ba tên cầm đầu đó là Lê Văn Tiền (sinh năm 1959, tự Năm "tiền", ngụ tỉnh An Giang, tạm trú tại đường Ngô Quyền, phường 11, quận 5), Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1965, tự Sáu "tiến", ngụ đường Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Kim Tuyết (sinh năm 1976, ngụ tỉnh Kiên Giang, tạm trú tại phường Tân Định, quận 1). Đây là ba đầu trùm có nhiều tiền án tiền sự, giang hồ và gái làng chơi cũng như nghiện ma túy "hạng nặng". Cả ba đều thiết lập những đường dây buôn bán ma túy tổng hợp và lấy nguồn hàng tận Campuchia để đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, nhằm mục đích hưởng lãi rất cao. Các bar, vũ trường, karaoke... có sử dụng thuốc lắc đều xem cả ba tên như những tay trùm chơi bạo và nguồn hàng dồi dào nhất.
Không những lấy hàng từ nước ngoài đưa về, cả ba đường dây ma túy này thực hiện luôn việc sản xuất thuốc lắc, để kịp cung cấp hàng cho "thị rường", Cả ba đường dây của Năm "tiền", Sáu "tiến" và thị Tuyết đã bị triệt phá với 15 đối tượng bị bắt giữ, tang vật gồm 6.201 viên thuốc lắc hai bộ khuôn dập sản xuất thuốc lắc, 6.322 USD, 10 xe gắn máy, 16 diện thoại di động... Sau khi những đường dây ma túy lớn này bị triệt phá, thì những tưởng dân lắc hết thuốc xài. Nhưng thực tế cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh hiện vẫn tồn tại những đường dây ma túy tổng hợp và dân chơi lắc vẫn còn "đất sống".
Công tác quản lý phải chăng còn quá lỏng lẻo?
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh về tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm": Đến nay tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, hoạt động mại dâm, cờ bạc còn nhiều diễn biến phức tạp, chủ yếu tại các vũ rường, bar, karaoke, khách sạn mini... Hiện tại các đối tượng thấy bị động nên có hướng chuyển về thuê phòng trọ, nhà cho thuê về gia đình hoặc di chuyển đến các tỉnh lân cận để tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc) hoặc tổ chức mại dâm.
Thời gian qua, tệ nạn mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ bị phát hiện xử lý nhiều, nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để do thiếu hành lang pháp lý phù hợp, đồng bộ. Trong nhiều bất cập về công tác quản lý đối với ngành nghề "nhạy cảm", thì việc thường xuyên kiểm tra là một vấn đề khó khăn; bởi tính bình quân một năm đối với một cơ sở kinh doanh "nhạy cảm" chỉ được kiểm tra một lần, thì việc phát hiện hành vi phạm tội hay vi phạm là điều rất khó. Còn đối với nạn buôn bán ma túy thuốc lắc nhỏ lẻ dạng chân rết đến tay người sử dụng càng khó hơn; bởi các lực lượng tại địa phương yếu về nghiệp vụ, không tiếp cận và bắt quả tang, một khi các đối tượng luôn trong tư thế kịp vứt bỏ ma túy (phi tang), khi xuất hiện cơ quan kiểm tra.
Trước tình thế như vậy UBND TP Hồ Chí Minh đến nay chỉ mới đưa ra phương hướng là tiếp tục ngừng cấp phép đăng ký kinh doanh đối với quán bar, karaoke, vũ trường, nhà hàng. Nhưng trong khi đó, vấn đề hàng nghìn các điểm kinh doanh lĩnh vực "nhạy cảm" hiện đang tồn tại là những nơi dễ núp bóng tệ nạn và "che chở" cho dân chơi thuốc lắc lại đang bị buông lỏng quản lý, đặc biệt ở các cấp chính quyền địa phương.
|