Quy hoạch kém làm phát sinh khiếu kiện
Các Website khác - 20/08/2005
Trưởng đoàn kiểm tra số 1 Nguyễn Khải
tiếp dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đó là kết luận đáng chú ý của đoàn kiểm tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn tại Long An, đoàn kiểm tra nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa...
Bà Rịa - Vũng Tàu: dân khiếu kiện quá nhiều

“Trong năm ngày làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), đoàn chúng tôi phải bố trí tám buổi tiếp hơn 2.000 lượt người, nhận 799 đơn khiếu nại. Con số quá lớn với quá nhiều bức xúc của dân, các thành viên trong đoàn ăn cơm không ngon” - ông Nguyễn Khải nói vậy trong buổi tổng kết đợt kiểm tra tại tỉnh BR-VT chiều 19-8. Ông Khải nói thêm: “Gửi đơn xong, người dân liên tục điện thoại cho tôi thắc mắc liệu đơn gửi như vậy có hiệu quả không. Người dân than rằng đơn của họ gửi cho huyện, cho tỉnh đều rơi vào sự im lặng đáng sợ”. Ông Khải cho biết sẽ chuyển toàn bộ số đơn này cho tỉnh để phân loại, xem xét kỹ và giải quyết ngay cho người dân.

Ông Khải yêu cầu tỉnh BR-VT phải chấn chỉnh ngay công tác thực hiện quy hoạch vì ở huyện Châu Đức có 10 hộ dân nhận được năm quyết định thu hồi đất với những mục đích rất khác nhau trong thời gian từ năm 1997 - 2003. Ông Khải nói: “Các anh thay đổi quy hoạch như vậy người dân mệt mỏi, bức xúc là đúng rồi”. Trước đó, đoàn kiểm tra đã nghe phản ảnh của Công ty TNHH Hải Châu khi 2ha đất tại khu Chí Linh (đã có sổ đỏ) được giao từ năm 1993 nhưng đến nay công ty vẫn chưa “sờ” được đất vì bị thay đổi quy hoạch. Doanh nghiệp này tỏ ra không đồng ý khi ông Đoàn Như Hiển, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (Tài nguyên-Môi trường) tỉnh, cho biết nếu làm theo quy hoạch cũ thì tỉnh phải đền cho công ty hơn 100 tỷ đồng nên phải... điều chỉnh lại.

Đối với tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, ông Khải yêu cầu từ nay đến ngày 31-12-2005, tỉnh phải công bố hủy hoặc gia hạn (nhưng không được gia hạn quá lâu) các dự án “treo” quá 12 tháng và nói rõ lý do tại sao để dân biết.

Ông Khải chất vấn thêm về tình trạng doanh nghiệp “móc ngoặc” với chính quyền để “ép” dân nhận đền bù trước ngày có bảng giá đất mới. Ông cũng chất vấn về tình trạng khi đền bù thì tính giá tại thời điểm thu hồi, còn khi tái định cư lại bán theo giá đất mới, nhiều dự án triển khai nhưng chưa có khu tái định cư nào hoàn chỉnh... Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và cho biết sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. Về các nội dung khác như công khai, công bố quy hoạch, việc cấp sổ đỏ còn gây phiền hà; quyết định thu hồi đất không giao cho người có đất mà giao cho... chủ đầu tư thì lãnh đạo tỉnh cho biết thuộc thẩm quyền của huyện.

Khi bàn về công tác cấp giấy chủ quyền, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng chỉ nên có một giấy (đó là sổ đỏ) vì nếu có nhiều giấy thì càng tạo điều kiện cho công chức nhà nước... sinh sự với dân, làm khổ dân. Riêng đề nghị cho chuyển nhượng nền đất (thay vì phải xây nhà hoàn chỉnh như quy định tại Nghị định 181), ông Khải cho biết có rất nhiều địa phương kiến nghị như vậy nhưng Bộ Tài nguyên-Môi trường đã khẳng định chỉ có đô thị loại 5 và vùng dân cư nông thôn mới được phép bán nền sau khi làm xong hạ tầng kỹ thuật.

Long An: phải bồi thường dứt điểm, tái định cư phù hợp

Ngày làm việc cuối cùng tại Long An (19-8), trưởng đoàn Võ Tử Can đề nghị: “Trong thời gian tới tỉnh cần có sự điều chỉnh về giá và có chính sách hỗ trợ hợp lý để bồi thường dứt điểm cho người dân bị thu hồi đất”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách tái định cư phù hợp, tiếp tục hỗ trợ tiền thuê chỗ ở cho dân khi vượt quá thời hạn cam kết giao đất tái định cư. Việc tái định cư cho dân phải thực hiện đúng theo quy định: bồi thường hỗ trợ tái định cư trước, sau đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án đầu tư. Điểm này ông Can cho biết qua kiểm tra thực tế, một số dự án triển khai còn vướng, dân chưa thông nhưng Nhà nước cứ làm.

Tổng kết của đoàn sau một tuần làm việc cho thấy việc khiếu kiện của người dân chủ yếu tập trung vào giá đền bù, tái định cư, không cấp giấy chứng nhận trong vùng quy hoạch lộ giới, khiếu nại đòi lại đất cũ.

Đáng lưu ý, có một số tố cáo trực tiếp của dân về việc thi hành Luật Đất đai chưa đúng của chính quyền và một số sai phạm khác.

Thí dụ như trường hợp ông Ngô Công Minh (ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc) đề nghị với đoàn xem xét kỹ, hoặc kiến nghị cấp trên thu hồi 600ha đất ở KCN Đức Hòa 2 để giao lại cho dân làm… nông nghiệp, vì đây là một dự án “treo” từ 2001 đến nay. Hay trường hợp lão nông Phạm Văn Anh ở thị trấn Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa) tố cáo chính quyền địa phương đã đánh tráo dự án khu dân cư vượt lũ sang dự án… chỉnh trang đô thị để đền bù cho dân giá thấp. Tệ hơn, sau đó dự án này được “phù phép” để phân lô bán nền với giá hàng triệu đồng/m2.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn cũng phát hiện và đề nghị tỉnh xem xét thu hồi ba dự án khu dân cư trên địa bàn phường 6, thị xã Tân An vì đã quá hạn cho phép nhưng vẫn chưa thấy “rục rịch” gì.

Hải Phòng: nhiều dự án phát triển nhà “đắp chiếu”
Tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên-Môi trường với UBND TP Hải Phòng chiều 19-8, vấn đề gây chú ý nhiều nhất là tình trạng các dự án chậm được triển khai.

Theo ông Bùi Quang Sản, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Hải Phòng cho biết, trong số 672 dự án giao đất, cho thuê đất từ 2001 đến nay chỉ có 207 dự án triển khai xây dựng nhà ở. Phần lớn các dự án phát triển nhà sau khi nhận đất xong đã rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, không đầu tư xây dựng. “Sau khi có quyết định điều chỉnh, giá mới cao hơn 3-7 lần so với giá cũ và giá quy định cao hơn giá thực tế làm thị trường bất động sản chững lại, dẫn đến tình trạng nhiều dự án phát triển nhà chậm được triển khai”- ông Sản lý giải.

Trưởng đoàn kiểm tra Phùng Văn Nghệ, vụ trưởng Vụ Đăng ký và thống kê đất đai, cho rằng trong khi diện tích đất thu hồi rất lớn thì công tác bố trí tái định cư cho người dân còn rất thấp. TP mới bố trí được năm khu tái định cư với 147ha. Công tác giải phóng mặt bằng khó khăn do không có nơi tái định cư.

Theo ông Nghệ, một tồn tại trong thi hành Luật Đất đai là đến nay Hải Phòng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục hành chính về đất đai; các quy định hạn mức đất ở, hạn mức giao đất và quy định mức hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư. Việc công khai quy hoạch rất hạn chế, có nơi chủ tịch phường cũng không nắm được.


Theo Tuổi trẻ