Hỏi: Công ty chúng tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, để bảo đảm nguyên tắc trả lương theo nội dung, chất lượng công việc, khi xây dựng thang, bảng lương riêng, chúng tôi phải làm theo trình tự nào?
Trả lời: Căn cứ Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 3l-12-2002 của Chính phủ và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30-5-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có quyền tự xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp mình như sau:
Bước 1 : Phân tích công việc: Tiến hành thống kê đầy đủ các công việc theo từng chức danh đang sử dụng trong doanh nghiệp; thu thập những thông tin chi tiết về từng vị trí công việc cụ thể để xác định nhiệm vụ chính, nhiệm vụ phụ, các mối quan hệ của từng chức danh công việc và xác định các yêu cầu chuyên môn về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc kiến thức, kỹ năng, thể chất, điều kiện làm việc cần thiết của từng công việc.
Bước 2 : Đánh giá giá trị công việc:
- Lập danh sách các yếu tố công việc theo nhóm yếu tố công việc chủ yếu về: Kiến thức và kỹ năng; trí lực; thể lực và cường độ lao động; môi trường; trách nhiệm; trong mỗi nhóm yếu tố công việc, doanh nghiệp xác định cụ thể các yếu tố thành phần theo mức độ từ thấp đến cao. Các yếu tố công việc là cơ sở để so sánh giữa các vị trí công việc trong doanh nghiệp.
- Lựa chọn các vị trí để đánh giá: Trên cơ sở danh sách các yếu tố công việc, đánh giá giá trị công việc cho từng vị trí riêng biệt trong doanh nghiệp, đồng thời so sánh các yêu cầu chuyên môn của từng vị trí.
- Đánh giá và cho điểm theo mức độ của các yếu tố dùng để đánh giá và cho điểm các yếu tố thành phần theo các mức độ, trên cơ sở đó xác định thang điểm các yếu tố phù hợp với từng công việc.
- Cân đối thang điểm giữa các yếu tố nhằm đánh giá mức độ phức tạp hay giá trị của mỗi yếu tố trong tổng thể các yếu tố cấu thành công việc từ đó điều chỉnh lại thang điểm cho hợp lý.
Bước 3 : Phân ngạch công việc: Sau khi phân tích, đánh giá giá trị từng công việc, tiến hành: Tập hợp các công việc riêng lẻ thành các nhóm công việc; thiết lập các mức ngạch công việc và tiêu chuẩn phân ngạch; quy định một ngạch công việc cho mỗi nhóm công việc.
Bước 4 : Xác định các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm: Khả năng cạnh tranh tiền lương so với các doanh nghiệp khác; các quy định của pháp luật, trước hết là so với mức lương tối thiểu Nhà nước quy định (theo nguyên tắc lương bậc thấp nhất không được thấp hơn lương tối thiểu); năng suất lao động; kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hoặc thâm niên công tác của người lao động trong doanh nghiệp; các hình thức khuyến khích hiện có, các khoản tiền thưởng...
Cuối cùng, thiết lập thang lương, bảng lương theo trình tự:
- Xác định số ngạch lương trong doanh nghiệp thông qua việc lấy thông tin từ khâu phân ngạch công việc.
- Xác định số bậc lương trong mỗi ngạch căn cứ vào việc tính các điểm ưu thế theo kết quả làm việc và xem xét mức độ phức tạp cần có đối với thang lương, bảng lương.
- Quyết định mức lương theo ngạch và theo bậc.
Doanh nghiệp cần lưu ý: Khi xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở và công bố công khai trong doanh nghiệp trước khi áp dụng; doanh nghiệp phải đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng một tháng kể từ ngày thang lương, bảng lương được công bố áp dụng.
------------------
Nộp đơn không đúng hạn sẽ mất quyền yêu cầu thi hành án
Hỏi: Cách đây khoảng ba năm, tôi có cho người bạn vay tiền. Vụ việc đã được toà án xét xử, buộc người vay phải trả lại tôi số tiền vay cộng với lãi suất. Sau nhiều lần khất nợ, nay người vay nói là không có tiền trả. Vậy tôi có thể làm đơn yêu cầu thi hành án không? Thời hạn như thế nào? Người nào được coi là chưa có khả năng thi hành án?
Trả lời: Trước hết, bà là người được thi hành án (NĐTHA), bà hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng cần lưu ý các điểm sau:
1- Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Điều 25: Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, NĐTHA có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Căn cứ Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày có 9-2004, Điều 7, 8: Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu. Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án của đương sự được tính từ ngày ghi ở dấu bưu điện (nếu đơn được gửi qua đường bưu điện), ngày đương sự nộp tại cơ quan thi hành án (nếu đương sự trực tiếp nộp tại cơ quan thi hành án) hoặc ngày đương sự trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án.
- Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản trong những trường hợp:
a) Không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tài sản có giá trị nhỏ không đủ hoặc chỉ đủ để chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án;
b) Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra.
- Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nếu đang ốm nặng hay vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nghĩa vụ đó.
-------------
Trả thêm lương cho người lao động thời vụ
Hỏi: Với người lao động chỉ ký hợp đồng thời vụ, chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, có quy định cụ thể nào hướng dẫn để công ty chúng tôi trả thêm vào lương (ngoài phần lương chính) các khoản mà bảo hiểm xã hội họ không được hưởng?
Trả lời: Theo điều 141 Bộ luật Lao động (sửa đổi), Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 9-1-2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội thì kể từ ngày 1-1-2003: đối với loại hợp đồng lao động theo mùa vụ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên, thì dù hai bên ký kết một hợp đồng lao động cũng phải áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đối với loại hợp đồng lao động theo mùa vụ có thời hạn dưới ba tháng mà hai bên ký kết từ hai hợp đồng liên tục trở lên, thì phải áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đối với những người làm việc có tính chất tạm thời, thời gian không liên tục, mỗi đợt làm việc dưới ba tháng, thì doanh nghiệp có thể giao kết hợp đồng lao động dưới ba tháng và khoản bảo hiểm xã hội được tính gộp vào tiền công theo quy định tại Thông tư số 21/TT-BLĐTBXH ngày 12-10-1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm.
Ngoài việc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước để trả cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp áp dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước, thì điều chỉnh tiền lương, phụ cấp lương theo quy định tại điểm a, khoản 1, mục II Thông tư số 25/2005/TT-BLĐTBXH ngày 4-10-2005 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong doanh nghiệp theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP.
Nếu doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30-5-2003 hướng dẫn Nghị định số 114/2002/NĐ-CP nêu trên, thì căn cứ vào mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng để điều chỉnh mức lương ghi trong hợp đồng lao động; đơn giá trả lương; tiền đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các chế độ phụ cấp lương theo điều 4 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004, bao gồm:
Phụ cấp khu vực áp dụng đối với người làm việc ở vùng xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu; phụ cấp trách nhiệm công việc áp dụng đối với thành viên không chuyên trách hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát (không kể trưởng ban kiểm soát) và những người làm một số công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc phải đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo;
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với người làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm, đặc biệt độc hại, nguy hiểm mà chưa được xác định trong mức lương;
Phụ cấp lưu trú áp dụng đối với người làm nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở; phụ cấp thu hút áp dụng đối với người đến làm việc ở vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Thời gian hưởng từ 3 đến 5 năm.
|