Từ mảnh thiên thạch giá một tỷ đồng
Ngày 22-10-2005, anh Lý Văn Tư ở TP Thái Nguyên có đơn trình báo Công an tỉnh Nam Định về việc mình bị một nhóm đối tượng lừa mất 450 triệu đồng. Theo đơn, anh Tư được người mối lái mua mảnh thiên thạch của gia đình ông Tư ở TP Nam Định với giá 1 tỷ đồng. Sau ba lần dùng phương pháp thử hàng mà giới buôn bán đồ quý hiếm thường làm, thấy bóng đèn điện nổ, gương rạn vỡ, bật lửa không cháy khi để cạnh hộp kim loại đựng mảnh thiên thạch, anh Tư đã đồng ý mua. Lấy lý do hàng quý, đi đường xa không an toàn, các đối tượng đề nghị sẽ theo xe cùng anh Tư để bảo vệ hàng về Hà Nội an toàn. Vì thế, cũng không nghi ngờ gì khi đưa cho bọn chúng 450 triệu đồng. Và tải ôtô riêng của mình, anh Tư đã được chúng trao cho hộp kim loại đựng mảnh thiên thạch, dặn chờ chúng đi gọi người nhà đến đi theo xe. Nhưng chờ mãi không thấy họ đến, anh Tư đành khởi hành về Hà Nội. Và khi anh mang viên đá thiên thạch đi thử thì được thông báo: đó là hàng giả.
Nhận được đơn trình báo của anh Tư, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA tỉnh Nam Định đã bắt tay ngay vào cuộc. Vì bị hại không biết tên thật của các đối tượng lừa đảo, trong quá trình mua bán lại bị bọn chúng dẫn đi lòng vòng nhiều nơi để không nhớ cụ thể về căn nhà mà bọn chúng dẫn đến nên công tác điều tra của các trinh sát hầu như đi từ số 0. Mặc dù vậy, với tinh thần trách nhiệm cao và kinh nghiệm điều tra những vụ án lừa đảo lớn, Thượng tá Nguyễn Ngọc Kha, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các trinh sát rà soát lại tất cả các vụ việc lừa đảo với phương thức tương tự.
Qua đó, các anh đã phát hiện có đối tượng Nguyễn Thị Hạnh, SN 1966 ở xóm 15 Khả Phong, Kim Bảng (Hà Nam) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Hạnh có nhiều tiền sự về tội lừa đảo bán đồng đen, tháng 6 vừa qua bị CA huyện Hải Hậu giữ 6 ngày vì dính dáng đến một vụ lừa đảo song do chưa đầy đủ chứng cứ nên đã cho tại ngoại. Sau khi cho người bị hại nhận diện đối tượng, khẳng định Hạnh là đối tượng nữ, đóng vai cô vợ tên là Liên trong đường dây lừa đảo liên tỉnh này, ngày 31 -10, các trinh sát đã bí mật bắt Hạnh và chồng thị là Lê Trần Đoàn, SN 1965 tại thị xã Phủ Lý mà không làm cho đồng bọn của chúng phát hiện.
Khai thác nhanh Hạnh - Đoàn, tối ngày 1 -11-2005, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA tỉnh Nam Định ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Mạnh Hà, SN 1970 ở Cống Đá, Xuân Trường (Nam Định), Nguyễn Như Khiêm, SN 1960; Nguyễn Như Kiểm, SN 1965 và Nguyễn Như Tị, SN 1952 cùng trú tại xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Chủ mưu trong vụ này vẫn là những đối tượng thuộc xã Thái Sơn, bởi đây chỉ là "bổn cũ soạn lại" mà nhóm đối tượng này sử dụng từ hàng mấy chục năm nay.
“Nổi danh” lừa đảo nhiều năm
Nói đến Thái Sơn, Thái Thụy (Thái Bình), người ta hay nhắc đến một nhóm đối tượng chuyên sử dụng chiêu thức "bịp bợm" để buôn bán cổ vật bằng đồng đen giả.
Thủ đoạn của bọn lừa đảo này khá tinh vi, cầu kỳ khiến người bị hại dù cảnh giác đến mấy cũng không ngờ tới.
Chúng tìm mua lại của những người thu mua phế liệu những đồ vật như ống nhổ, con nghê, con lân... làm bằng đồng, kim loại đã han gỉ, sau đó tân trang bằng sơn bóng rồi để vào những nơi linh thiêng như điện thờ, mật thất. Sau khi phao tin lôi kéo người mua tìm đến, chúng giả vờ họp gia đình bàn chuyện bán cổ vật rồi đưa người mua vào điện thờ lầm rầm khấn vái, gieo tiền đài xin tổ tiên cho bán đồ gia bảo. Giữa nơi kính cẩn như vậy lại được chúng bắt phải xin tiền đài nếu "các cụ” đồng ý mới bán cho nên không ai tin đó là màn kịch.
Đến khi thử hàng, chúng chuẩn bị sẵn những thứ đã làm hỏng từ trước như: gương thì làm nóng lên rồi nhúng vào nước lạnh cho rạn nứt; bóng đèn điện thì đấu sẵn hai dây lửa hoặc dùng điện 220V lắp bóng 110V, rồi làm các thủ thuật khiến cho bật lửa không đánh ra lửa, lá trầu đang tươi thành héo, hộp đựng cổ vật thả vào thùng nước không nổi cũng chẳng chìm... khiến người có nhiều kinh nghiệm mua bán đồ quý hiếm, thậm chí là người có tên tuổi trong làng sưu tầm đồ cổ vật cũng bị mắc lừa. Song, chưa lần nào người bị hại được "sở hữu” món hàng bị lừa cả. Thường thì chúng chỉ lừa lấy tiền đặt cọc của người mua, song cũng có vụ chúng hẹn đến giao hàng nhận tiền rồi tổ chức cho đồng bọn giả làm công an xã xuất hiện đúng lúc đuổi bắt khiến cả người mua lẫn người bán vứt hàng, tiền chạy tháo thân.
Điển hình như năm 1997, Khiêm đã phải trả giá bằng 6 năm tù khi cùng đồng bọn bán tượng con nghê giả đồng đen cho bốn người Lào để chiếm đoạt của họ 20.400 USD cùng nhiều vật dụng đắt tiền khác. Năm 2001, cũng bằng thủ đoạn trên, Khiêm, Kiểm, Tị và một số tên khác bị bắt về một vụ lừa đảo cổ vật giả đồng đen nữa và mới mãn hạn tù đầu năm 2004.
Trong các vụ lừa, Tị là người cao tuổi và trông già nhất nên thường đóng vai ông bố hoặc trưởng tộc, các tên khác vào vai con trai, con rể. Theo Trưởng CA xã Thái Sơn thì cả xã có khoảng chục đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về tội lừa đảo, gây tai tiếng xấu cho địa phương. Nhưng những năm gần đây, khi bị Lực lượng Công an trong tỉnh phát hiện, bắt giữ nhiều thì chúng chuyển sang lừa đảo ở các địa bàn khác.
Trong vụ lừa bán mảnh thiên thạch, Tị lấy tên là Tư, đóng vai ông bố; Khiêm là con trai Tị lấy tên là Thiện còn Kiểm và Hạnh đóng giả vợ chồng với cái tên Bốn - Liên. Các tên Đoàn, Hà, Nguyễn Như Lợi, SN 1964 trú tại xã Thái Sơn, Thái Thụy (Thái Bình) giả là xe ôm làm nhiệm vụ nắm tình hình bên ngoài và cảnh giới, bảo vệ đồng bọn khi có sự cố. Chúng mượn nhà một người khác, mạo nhận là nhà em gái Hạnh để tạo lòng tin. Sau đó mỗi lần gặp thỏa thuận giá cả và thử hàng đều thay đổi địa điểm, đưa đến bằng nhiều đường với mục đích làm cho bị hại không nhớ được nơi đã đến. Trong vụ án này, thoạt đầu chúng cũng chỉ chủ định lừa 90 triệu đồng tiền đặt cọc của anh Tư. Nhưng sau, thấy anh quá ham mua nên đã nảy lòng tham, giao luôn viên đá thiên thạch giả để nhận 450 triệu đồng. Hiện tại 6/8 tên trong đường dây đã bị bắt, hai tên còn lại bỏ trốn đã bị CA Nam Định ra lệnh truy nã toàn quốc ngày 10-11-2005. Đây là một thủ đoạn lừa đảo có tổ chức mong mọi người hãy cảnh giác.
|