Báo Nhân Dân số ra ngày 25-2-2005 có đăng bài: Dự án BOT xây dựng chợ Bo (Hòa Bình) cần được xem xét lại , phản ánh những bức xúc của nhiều hộ kinh doanh tại chợ này về những sai phạm của chủ đầu tư và yếu kém của UBND huyện trong việc thiết lập, thực hiện dự án. Từ đó đến nay, đã có nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan và sự chỉ đạo của huyện, tỉnh, nhưng sự việc chưa được giải quyết tích cực, dứt điểm.
Nóng vội và yếu kém
Chợ Bo là chợ trung tâm tại thị trấn Bo, huyện lỵ Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, phục vụ nhu cầu giao lưu, buôn bán hàng hóa của nhân dân thuộc 10 xã, thị trấn của huyện. Chợ có diện tích hơn sáu nghìn m2 và 250 hộ thường xuyên kinh doanh. Nhiều năm, chợ trong tình trạng tạm bợ, lều lá, thiếu vệ sinh, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc xây dựng chợ kiên cố, đồng bộ các hạng mục là cần thiết và chính đáng. Huyện Kim Bôi nghèo, kinh phí khó khăn, đã có chủ trương thực hiện xây chợ theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Ngày 1-10-2004, đại diện UBND huyện Kim Bôi, Chủ tịch Bùi Thị Trẻ đã ký Hợp đồng Ðầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác chợ Bo, theo hình thức hợp đồng BOT với ông Ðỗ Ðình Chiến, chủ đầu tư, cư trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Ðình, Hà Nội.
Tại cuộc làm việc gần đây với chúng tôi, Chủ tịch Bùi Thị Trẻ cho biết, lãnh đạo huyện và ý kiến của các ngành liên quan đánh giá việc ký và triển khai thực hiện hợp đồng này thể hiện sự nóng vội, sơ hở, thiếu chặt chẽ, cụ thể.
Trước hết, huyện không tiến hành xác minh nhân thân của đối tác ký hợp đồng là ông Ðỗ Ðình Chiến. Theo xác nhận, ngày 7-1-2005, Công an Hòa Bình nhận được văn bản Lệnh truy nã ngày 5-11-1993 của Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đối với Ðỗ Ðình Chiến can tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN. Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng, ông Ðỗ Ðình Chiến đang bị truy nã, không đủ tư cách tham gia quan hệ pháp luật hợp đồng BOT.
Mặt khác, hợp đồng được ký trước khi có Quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng chợ Bo, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng (ngày 12-11-2004) và Báo cáo của Sở Xây dựng Hòa Bình về kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình chợ Bo (ngày 21-12-2004). Việc làm này trái với trình tự, thủ tục tiến hành đầu tư.
Trong hợp đồng không ghi rõ, cụ thể các khoản chi phí đầu tư, giá cho thuê từng loại ki-ốt, gian hàng, phương thức, thời gian thu tiền cho thuê, những nguồn được thu khác của nhà đầu tư, bảo đảm bù đắp chi phí đầu tư và có lãi hợp lý; không phân biệt rạch ròi giữa thu về sử dụng công trình và thu về tổ chức, quản lý chợ theo Thông tư của Bộ Thương mại ngày 16-10-1996 hướng dẫn về tổ chức và quản lý chợ.
Vậy mà, ngày 10-10-2004, huyện Kim Bôi vội vàng bàn giao toàn bộ công việc quản lý hoạt động chợ Bo cho ông Chiến. Từ đây, mặc dù chưa có đầu tư gì, nhưng ông Chiến đã tự tung, tự tác, tự đặt thu phí mang hàng vào chợ: một nghìn đồng/con gà, 10 nghìn đồng/con chó... bất chấp quy định của pháp luật về quản lý chợ, đồng thời tiến hành thu tiền đặt cọc của hộ kinh doanh có nhu cầu thuê ki-ốt, địa điểm bán hàng chỉ trong năm ngày. Ông Chiến đã thu tiền đặt cọc của 86 hộ với tổng số 640 triệu đồng, trong đó, 42 hộ nộp 10 triệu đồng/hộ, 44 hộ nộp năm triệu đồng/hộ.
Do cách làm tùy tiện, không đúng cam kết, không được lòng dân, làm cho các hộ đồng loạt yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền đặt cọc. Những ngày vừa qua, tại chợ Bo, chúng tôi đã gặp các hộ đặt tiền cọc: chị Lê Thị Thủy, kinh doanh ngành hàng bánh kẹo, thực phẩm công nghệ, chị Bùi Thị Hằng, làm dịch vụ may mặc, chị Ðinh Thị Tươi, kinh doanh mũ, quần áo. Các chị thay mặt những người đặt tiền cọc, tiếp tục có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, mong muốn nhanh chóng giải quyết để họ được nhận lại tiền đặt cọc.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, huyện đã không yêu cầu, giám sát chủ đầu tư chứng minh năng lực tài chính, chuyên môn, kỹ thuật, phương thức huy động vốn, thành lập doanh nghiệp BOT, nộp tiền đặt cọc vào tài khoản có thể kiểm soát... theo Quy chế Ðầu tư theo hình thức (BOT) áp dụng cho đầu tư trong nước, ban hành kèm Nghị định số 77/CP, ngày 18-6-1997 của Chính phủ.
Ðiều đáng nói là huyện không chỉ đạo kịp thời việc giám sát thi công công trình và xử lý những sai phạm, vì vậy mới xây dựng vài hạng mục, đã bộc lộ những yếu kém, công trình không bảo đảm chất lượng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng ngày 2-3-2005, kết quả kiểm tra tại hiện trường các ki-ốt dãy B, C, vật liệu gạch, cát không bảo đảm yêu cầu chất lượng, thép không đúng chủng loại, tiêu chuẩn, chất lượng thấp, liên kết yếu, sai phạm lớn so với thiết kế kỹ thuật. Cũng ngày 2-3-2005, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản chỉ đạo tạm đình chỉ xây dựng chợ Bo huyện Kim Bôi theo hình thức BOT.
Trước tình hình đó, UBND huyện Kim Bôi quyết định hủy hợp đồng BOT xây dựng chợ Bo, giao việc quản lý chợ cho UBND thị trấn Bo, nhà đầu tư ngừng xây dựng chợ. Theo đánh giá của huyện, nhà đầu tư mới thực hiện thi công được 8% tổng khối lượng công trình theo thiết kế. Từ đó đến nay, UBND huyện Kim Bôi và nhà đầu tư Ðỗ Ðình Chiến tranh chấp nhau về hợp đồng BOT xây dựng chợ Bo, còn số tiền đặt cọc của các hộ kinh doanh ông Chiến vẫn chưa trả. Theo UBND huyện Kim Bôi, ông Chiến đã bị Công an Hà Nội bắt theo Lệnh truy nã và đã được tự do, sau khi khắc phục hậu quả vụ án ghi trong lệnh.
Lý do bận công việc làm ăn, chưa trực tiếp gặp được, nhưng ngày 8-11 vừa qua, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Chiến cho biết: ông đã đầu tư thực tế xây dựng công trình tại chợ Bo trị giá hai tỷ đồng, ông sẵn sàng tiến hành thương thảo, giải quyết những tranh chấp, bất đồng, để tiếp tục đầu tư xây dựng chợ, nếu không được, hai bên sẽ khởi kiện ra tòa theo luật định, để xác định quyền, nghĩa vụ từng chủ thể đối với việc hợp đồng bị hủy, thực hiện dang dở. Chừng nào huyện chưa thanh toán cho ông số tiền tương ứng những chi phí đã đầu tư tại chợ, thì ông chưa thể trả tiền đặt cọc cho các hộ được.
Giải pháp nào?
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các hộ kinh doanh nộp tiền đặt cọc thuê, mua ki-ốt, chỗ kinh doanh và khó đòi lại, chính là do huyện đã sơ hở, lỏng lẻo, đơn giản trong việc xây dựng, ký, triển khai thực hiện hợp đồng BOT. Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã tổ chức các cuộc họp, với sự tham gia của các bên liên quan, nhằm chấm dứt việc thu tiền đặt cọc và yêu cầu hoàn trả. Huyện đã có những văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng tham gia kiểm tra, đánh giá, thẩm định việc thực hiện hợp đồng, cho ý kiến xử lý.
Ngày 14-6-2005, đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở liên quan, cùng hai bên tham gia hợp đồng là UBND huyện Kim Bôi và ông Ðỗ Ðình Chiến, đã họp bàn giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT xây dựng chợ Bo. Tại cuộc họp đã đưa ra hai phương án, nhằm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những tranh chấp, ổn định tình hình trật tự xã hội: Một là, UBND huyện Kim Bôi và nhà đầu tư thương thảo lại hợp đồng đã ký theo hình thức BOT; Hai là, nếu không thương thảo được, thì bàn bạc để chủ đầu tư chuyển giao tài sản đã xây dựng cho UBND huyện Kim Bôi quản lý, UBND huyện Kim Bôi có trách nhiệm bồi hoàn tất cả các chi phí cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện BOT theo quy định của pháp luật. Nhưng hai bên không thống nhất lựa chọn, tiến hành thực hiện một phương án nào.
Ngày 15-7-2005, UBND huyện Kim Bôi có công văn gửi Giám đốc Công an Hà Nội, đề nghị giúp đỡ chỉ đạo các đơn vị chức năng thu hồi tiền của ông Chiến để trả lại tiền đặt cọc cho các hộ kinh doanh.
Ðể có cơ sở cho việc hoàn trả tiền đặt cọc của các hộ kinh doanh, theo chúng tôi phải giải quyết dứt điểm những tranh chấp về tài sản giữa hai bên theo thực trạng thực hiện hợp đồng BOT và những vi phạm phát sinh liên quan quyền lợi các hộ kinh doanh vừa qua. Do đó, đề nghị ba phương án xử lý:
Một là, UBND huyện Kim Bôi và ông Chiến phải cùng có thiện chí, theo nguyên tắc thỏa thuận, thương lượng, xem xét hợp đồng BOT như là hợp đồng vô hiệu, do một bên không đủ năng lực pháp lý khi tham gia ký hợp đồng. Như vậy, hai bên trả lại tài sản đã thực hiện cho nhau theo nguyên trạng ban đầu, thống nhất chọn một đơn vị định giá tài sản, xác định giá trị hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng, những quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để UBND huyện thực hiện nghĩa vụ chi trả, ngược lại, chủ đầu tư có trách nhiệm, nghĩa vụ, thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền đặt cọc của các hộ kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán khác được xác định thực tế, rõ ràng, thuyết phục.
Hai là, nếu một trong hai bên không có ý định tiến hành thỏa thuận, thương lượng, hoặc thương lượng không thành, thì cần nhanh chóng khởi kiện, đưa vụ việc ra tòa thụ lý, xét xử, để xác định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể về tài sản trong việc thực hiện hợp đồng BOT. Nhưng trước khi giải quyết theo cách này, ông Chiến vẫn phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tiền đặt cọc cho các hộ kinh doanh, vì việc thu tiền đặt cọc là trái với nội dung của hợp đồng BOT đã ký (điều 10, mục B, khoản c: Nhà đầu tư đầu tư 100% vốn để xây dựng chợ Bo theo đúng quy mô, bản vẽ thiết kế và dự toán được UBND huyện phê duyệt).
Ba là, trường hợp chủ đầu tư chấp nhận thương thảo, sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng BOT, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp thực tế, cam kết đủ vốn đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm chất lượng, yêu cầu thiết kế kỹ thuật, thời gian thi công, giá dự toán. Sau khi hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư mới tiến hành làm thủ tục cho thuê ki-ốt, địa điểm bán hàng. Mức giá cho thuê phải được tính toán công khai, minh bạch và cách thu tiền được thỏa thuận dân chủ ngay từ đầu. Huyện Kim Bôi nên tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, mang lại lợi ích, hiệu quả cho chủ đầu tư, địa phương và người kinh doanh khi khai thác công trình chợ Bo. Nhưng trước khi thương thảo, ông Chiến phải trả lại tiền đặt cọc cho các hộ kinh doanh, bảo đảm đúng lý, hợp tình, ổn định trật tự xã hội, cải thiện môi trường đầu tư.
Nếu những phương án trên không được chấp nhận thực hiện, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hộ kinh doanh, cần tiến hành xem xét trách nhiệm hình sự với dấu hiệu phạm tội "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" đối với ông Ðỗ Ðình Chiến.
Việc khiếu kiện đòi tiền đặt cọc của các hộ kinh doanh tại chợ Bo (Kim Bôi, Hòa Bình) không chỉ là bài học cho địa phương này, mà còn đáng rút kinh nghiệm cho các địa phương, đơn vị khác khi thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Những sai phạm cần được nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể, để xử lý thích đáng.
|