Giải quyết tranh chấp di sản có yếu tố nước ngoài
Các Website khác - 25/10/2005
Hỏi: Năm 2000, gia đình chúng tôi có xảy ra tranh chấp phân chia di sản thừa kế là nhà ở. Tòa đã ngưng phân xử vì tôi là Việt kiều định cư ở nước ngoài và di chúc mở thừa kế trước năm 1991. Nay tôi đã trở về sinh sống tại Việt Nam. Vậy vụ việc tranh chấp nêu trên có được giải quyết tiếp không?

Trả lời:

Theo nguyên tắc chung, tranh chấp dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01-7-1991 như thuê nhà ở; cho mượn; cho ở nhờ nhà ở; mua bán nhà ở, đổi nhà ở; tặng cho nhà ở; thừa kế nhà ở giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cơ quan, tổ chức và quản lý nhà ở vắng chủ giữa cá nhân với cá nhân thì tòa án áp dụng các quy định của Nghị quyết 58/1998 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước 1-7-1991 để giải quyết.

Đối với tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1-7-1991 (nêu ở trên) mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) tùy từng trường hợp tòa án xử lý như sau: Nếu chưa thụ lý thì không thụ lý. Nếu đã thụ lý và đang giải quyết thì phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết. Nếu đã có quyết định tạm đình chỉ giải quyết thì tiếp tục tạm đình chỉ giải quyết.

Trường hợp bạn hỏi, thời điểm mở thừa kế trước 1-7-1991 mà một trong các bên thừa kế là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng nay đã về định cư ở Việt Nam thì được tiếp tục giải quyết và được áp dụng các quy định của Nghị quyết 58/1998 để giải quyết (Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-1-1999 của Tòa án nhân dân tối cao-Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại nghị quyết 58/1998/UBTVQH10).

Như vậy, nếu trước đây vụ việc của bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên và tòa án đã ngưng giải quyết thì cách xử lý như vậy là phù hợp với quy định của pháp luật. Nay bạn đã trở về Việt Nam theo diện định cư thì bạn cần nộp cho tòa án bản sao có chứng thực như: giấy thông hành hồi hương hoặc thông báo cho phép hồi hương của Bộ Công an, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (được cấp lại sau khi hồi hương)... để chứng minh mình thuộc diện định cư tại Việt Nam; nếu chưa thụ lý thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết. Nếu trước đây vụ việc đã được thụ lý nhưng sau đó tạm đình chỉ thì nạy tòa án sẽ tiếp tục giải quyết.

Trong trường hợp bạn về Việt Nam nhưng không thuộc diện về định cư thì vụ việc cần phải chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (tức vẫn tạm ngưng chưa giải quyết).

Theo (Thị trường Bất động sản và Tài sản)