Dân biết, chính quyền không biết?
Mối tình của Đinh Du Chiên và Nguyễn Thị Ấn là sự mở đầu cho một liên minh tội lỗi về đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi mà lực lượng công an vừa triệt phá. Đinh Du Chiên (Hai Chiên) sinh năm 1959 tại Hòa Bình. Bố là một cán bộ lão thành. Sau giải phóng, Chiên theo bố về sống ở thôn Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà. Từ nhỏ Chiên đã là một đứa trẻ ngổ ngáo cộc cằn. Một thời gian, Chiên tham gia quân đội, nhưng không chịu được kham khổ, Chiên bỏ ngũ về quê. Chiên đã từng có hai đời vợ, bốn mặt con. Cả hai người vợ này đều không chịu nổi tính vũ phu của Chiên.
Năm 1986, Chiên bắt đầu cuộc đời của một kẻ chuyên đào vàng trái phép. Sáu năm liên tục Chiên nổi danh ở bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Cũng ở đây Chiên làm quen với Ấn. Ấn hơn Chiên sáu tuổi, quê ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), có chồng là một thương binh. Trước khi đến với Chiên, Ấn đã có năm mặt con và thường trú ở TP Đà Nẵng. Gần 20 năm về trước Ấn là một đàn chị trong việc buôn bán hàng tại các bãi vàng. Kẻ ngang tàng, người sành sỏi. Một bỏ vợ, một bỏ chồng đã cặp với nhau từ năm 1994. Cũng trong thời gian này Chiên - Ấn rủ nhau về Sơn Hà mở xưởng gỗ Phương Uyên, với giấy phép hành nghề là chế biến gỗ tạp, nhưng thực chất là câu kết, thiết lập đường dây khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép. Rừng Sơn Hà bạt ngàn gỗ quý hiếm đã trở thành miếng mồi ngon trong "kế hoạch" hành nghề của Đinh Du Chiên. Dưới tay Chiên, không phải chỉ có Triệu Huy Lực mà còn chín đối tượng khác đang bị lực lượng công an vây bắt. Tính bình quân, mỗi tên đàn em của Chiên như Lực quản lý từ 10 - 15 "thợ xẻ" thì số lượng "thợ xẻ chuyên nghiệp" đang hoạt động trên rừng Nước Nia (Sơn Hà) lên đến vài trăm, chưa kể đến cả trăm người dân tộc khác được bọn Chiên thuê mỗi ngày để kéo gỗ về bãi tập kết. Hoạt động phá rừng của bọn Chiên trở nên rầm rộ từ 3-4 năm nay, nhất là sau khi Chiên mua hai xe ôtô (đều đã hết niên hạn sử dụng) để vận chuyển gỗ từ bãi tập kết về xưởng. Hành vi phạm pháp của vợ chồng Hai Chiên và đồng bọn diễn ra công khai, trắng trợn, hầu hết người dân ở thị trấn Di Lăng đều biết, duy chỉ có chính quyền và kiểm lâm huyện Sơn Hà là "không hay không biết"...?
Biệt danh "Năm Cam" không phải là ngẫu nhiên
Hai Chiên là nỗi khiếp sợ đối với người dân ở thị trấn Di Lăng. Nhiều người biết Chiên phạm pháp nhưng không dám tố cáo bởi không ít lần Chiên đã "xuống tay" với những ai dám mở miệng, kể cả lực lượng kiểm lâm. Có một cán bộ nguyên là Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Sơn Hà đã bị tay chân của Chiên "hỏi thăm sức khỏe" nhưng cũng không dám "lớn tiếng". Ngay cả sau khi Đinh Du Chiên bị bắt giữ, dân Di Lăng cũng to ra rất dè dặt khi nói về tay anh chị này. "Uy tín" của Hai Chiên không phải ngẫu nhiên mà có. Điều dễ nhận thấy nhất là hàng ngày xe của Chiên công khai chở gỗ từ rừng về xưởng, xưởng cưa của Chiên hoạt động như một nhà máy nhưng "không một ai có ý kiến gì". Hầu như ngày nào cũng vậy, khoảng 4 giờ chiều chiếc ôtô tải của Chiên ì ạch chở gỗ về, đến 6 giờ tối chiếc xe cẩu lại tiếp tục theo sau với khối lượng cả chục khối gỗ quý thế nhưng kiểm lâm huyện Sơn Hà "vẫn không thấy". Không ít lần Ban quản lý dự án lâm trường Sơn Hà bắt được cả người và xe nhưng sau đó Hạt kiểm lâm vẫn thả ra sau khi "phạt hành chính". Ai đã "đóng dấu" cho những xe gỗ của Chiên từ rừng đi ra khỏi tỉnh? Phía sau đường dây của Chiên có ai bao che?
Công an Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra làm rõ. Liên quan đến vụ phá rừng lớn nhất ở tỉnh này, tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 huyện miền núi và lãnh đạo các cơ quan Công an, VKS, TAND tỉnh gần đây, ông Hồ Nghĩa Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh: "Bọn lâm tặc hoạt động công khai, có tổ chức, chính quyền địa phương biết nhưng đã không có hành động cụ thể. Tôi hoan nghênh những cố gắng của lực lượng công an tỉnh trong việc triệt phá thành công chuyên án 705C. Phải làm quyết liệt hơn, không được đánh trống bỏ dùi, không né tránh do dự bất kỳ một ai cả. Công an tỉnh, Viện kiểm sái và Tòa án nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý nghiêm những đối tượng có liên quan trên cơ sở pháp luật. Đối với Hạt kiểm lâm Sơn Hà, cần xem xét lại hiệu quả công tác trong thời gian qua, nếu cần thiết thì tổ chức luân chuyển, bổ nhiệm lại bộ máy của Hạt...".
Thượng tá Lê Xuân Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Đây là vụ phá rừng có tổ chức, khép kín tất cả các khâu nhiều đối tượng tham gia. Anh em làm nhiệm vụ báo với tôi là một số "vị" ở Viện kiểm sát chưa đồng tình phê duyệt quyết định tạm giữ một số đối tượng có liên quan đến vụ án, vì chưa đủ chứng cứ. Điều này tôi xin khẳng định là, hậu quả nghiêm trọng của vụ án này không phải Công an chỉ căn cứ vào số lượng gỗ bị bắt quả tang mà còn kết hợp chứng cứ bọn chúng hoạt động có tổ chức, quy mô lớn. Hồ sơ vụ án có ghi, trung bình hai ngày chúng vận chuyển đi tiêu thụ 1 - 2 chuyến nên có thể khẳng định đây là yếu tố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Quan điểm của Công an là có cán bộ nào liên quan chúng tôi cũng làm rõ. Chúng tôi khẳng định có một số cơ quan, cán bộ chưa làm tròn nhiệm vụ, trong đó có kiểm lâm, Công an thiếu kiên quyết sợ trả thù ngại va chạm hoặc vì lợi ích cá nhân...".
|