Giảm nguy cơ mua bán người từ tăng cường hợp tác quốc tế
Báo Tiếng chuông - 27/06/2016
Tổng cục Cảnh sát vừa triển khai Đề án 5 mang tên “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu chung là thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức phi Chính phủ nhằm giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Những nạn nhân của tội phạm mua bán người được trao trả về nước - Ảnh: Internet

 

 

Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước và các nước hoặc vùng lãnh thổ khác theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam; ưu tiên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh giáp biên giới Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Các chỉ tiêu của Đề án 5 là: (1) 100% số vụ, việc mua bán người có yếu tố nước ngoài phải được các cơ quan chức năng xem xét, phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật của các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan để giải quyết; (2) 100% các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện; (3) 100% các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được sơ kết, tổng kết theo định kỳ và có kế hoạch phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo; (4) Đến năm 2020, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát và xác định cơ chế hợp tác, cơ quan đầu mối phòng, chống mua bán người được thực hiện ít nhất với 5 nước; ký kết điều ước, thỏa thuận hoặc văn bản hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người ít nhất với 2 nước.

Để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ trên, Đề án đưa ra một số giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến hợp tác quốc tế, nhất là đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận, kế hoạch phối hợp hành động giữa Việt Nam với các nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán.

Bên cạnh đó, duy trì thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án, tăng cường công tác truyền thông, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các nước.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài trong thực hiện công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Theo Tổng cục Cảnh sát, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người nói chung; trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người nói riêng và đã thu được những kết quả quan trọng. Nổi bật là: phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người; ký kết Công ước và Kế hoạch  hành động ASEAN về phòng, chống mua bán người, hợp tác trong tiến trình Bali... tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định, biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người với các nước và vùng lãnh thổ có đông nạn nhân Việt Nam bị mua bán: Anh, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc),..

Ngoài ra, hàng năm, đã ký kết, triển khai nhiều dự án về phòng, chống mua bán người với các nước các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, liên tục trong 04 năm (2012- 2015) Báo cáo toàn cầu về mua bán người (TIPR) của Hoa Kỳ đã xếp hạng Việt Nam thuộc Nhóm II- Nước có nỗ lực đáng kể.

Tuy nhiên, trong hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: khung pháp lý về phòng, chống mua bán người giữa cơ quan chức năng của Việt Nam với một số nước còn thiếu, chưa cụ thể nên các cơ quan thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra, bắt giữ tội phạm, xác minh, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Mặt khác, việc triển khai các dự án hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho công tác phòng, chống mua bán người còn chưa tập trung, nhỏ lẻ.