Hành trình phạm tội của một cô gái 16 tuổi
Các Website khác - 14/06/2006
 
PV gặp Nguyễn Thị Bé Nga
Khi lãnh án, Nguyễn Thị Bé Nga mới hơn 16 tuổi. Câu chuyện về hành trình phạm tội của cô gái này thật cay đắng, vừa đáng thương, vừa đáng giận.

Nguyễn Thị Bé Nga không chắc chắn sinh ngày, tháng, năm nào, vì không có giấy chứng sinh, nhưng theo lời khai của Nga và một số người thân thì Nga sinh đầu năm 1991, tại Campuchia. Quê quán của gia đình Nga ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang, song bố mẹ Nga lại làm ăn, sinh sống ở Campuchia.

Ngày Bé Nga chập chững biết đi đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ lục đục, đánh cãi nhau suốt ngày. Đánh lộn chán rồi bỏ nhau, bố Nga về Việt Nam lấy vợ khác, mẹ bồ bịch ở Campuchia, bỏ rơi em cho người khác nuôi dưỡng.

Nga cứ sống lang thang mỗi nơi một thời gian, lúc thì ở nhà người cô ruột ở Việt Nam, lúc thì sang Campuchia sống với dì hai, còn bố mẹ thì chẳng bao giờ đoái hoài đến. Ông bố tuy lấy vợ khác và sống ở Châu Đốc, song cũng chẳng hạnh phúc, sung sướng gì. Suốt ngày ông ta nhậu nhẹt, say xỉn và trong tâm trí của ông ta hình như không có một đứa con nào trên đời tên là Nga cả.

Nga kể rằng, từ ngày vào Trại tạm giam của Công an tỉnh An Giang cho đến khi Nga bị đem ra tòa xét xử, không có lấy một lần ông bố, bà mẹ đẻ xuất hiện để nhỏ vài giọt lệ xót thương đứa con.

Ngồi nói chuyện với tôi, Nga ngây thơ kể rành rọt mọi chuyện: Hồi 12 tuổi, còn bé xíu, khi phụ việc trong quán ăn của cô ruột ở Châu Phú thì bị một thằng nghiện lấy đi cái quý nhất của người con gái. Bé Nga đau đớn, sợ hãi, nhưng em không biết kêu với ai và phải làm gì. Tủi hổ quá, em lặng lẽ bỏ nhà người cô lang thang tìm đường sang Campuchia sống nhờ nhà dì hai. Vẫn chẳng được học hành, Nga phải đầu tắt mặt tối làm lụng trong quán nhậu của dì. Mọi việc giặt giũ, rửa bát đĩa, lau nhà... đều đến tay cô bé yếu ớt.

Một lần, hồi 13 tuổi, khi lang thang chơi ở chợ, Nga gặp một ả cave tên Oanh, hành nghề mại dâm trong quán của mụ chủ tên Trinh ở Phnôm Pênh, Campuchia, cách cửa khẩu Long Bình 4 giờ ôtô chạy. Ả này “bật mí” với Bé Nga một công việc vừa nhàn hạ lại kiếm được tiền, vàng rủng rẻng khiến Bé Nga lóa mắt. Thế là thị Oanh bán em cho mụ Trinh.

Sung sướng, nhàn hạ chẳng thấy đâu, chỉ thấy đau đớn, tủi nhục hơn cả bị đày xuống tám tầng địa ngục, khi mỗi ngày cô bé 13 tuổi này phải tiếp đến cả chục gã người nước ngoài. Em khóc lóc, van xin, bọn chúng không tha, mấy lần tìm cách trốn về nhà dì, song bị bọn chúng bắt lại đánh đập dã man. Chúng nhốt em trong phòng kín cả ngày lẫn đêm. Cuộc sống tù đày ấy liên miên suốt 2 năm trời mà cuối cùng em vẫn trắng tay, không có một đồng, một cắc nào.

Thậm chí, mỗi lần hỏi tiền lương, mụ Trinh lại bạt tai rồi giở cho em xem cuốn sổ với vô vàn khoản nợ mà em phải trả: tiền mụ mua em 1.500 USD, tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền son phấn, quần áo, lãi mẹ đẻ lãi con... mặc dù mỗi lần cô bé này bán dâm cho người nước ngoài, mụ Trinh thu 50-100 USD.

Sau hai năm sống trong hầm tối, Nga xơ xác như một tàu lá, khách làng chơi không còn ham nữa thì mụ Trinh gọi em đến dụ dỗ: “Bây giờ cưng về Việt Nam rủ mấy đứa sang đây bán trinh, dì sẽ trả cho 1.000 USD mỗi đứa. Không những thế dì còn xóa nợ cho cưng, coi như cưng được tự do. Nếu trái lời dì sẽ cho bọn côn đồ giết chết, vứt xác trôi sông”. Cô Bé Nga nghe mụ Trinh dọa mà xám ngoét mặt mũi, vâng dạ răm rắp.

Tháng 3/2005, Nga tìm về Việt Nam và ở nhà ông ngoại. Vừa về đến nơi thì Nga gặp Nguyễn Thị Tuyết Kh., sinh năm 1991, ngụ ở xã Bình Long, Châu Phú, An Giang và Lê Bích Th., sinh năm 1991, ngụ cùng xã trên. Nhớ lại lời dọa của mụ Trinh và cũng muốn có tiền tiêu xài nên Nga nảy sinh ý đồ lừa Kh. và Th. sang Campuchia để làm tiếp viên rót rượu, bia trong quán nhậu với lương cao, song Kh. và Th. không đồng ý. Tuy nhiên, khi Nga nói thẳng rằng sang đó làm gái mại dâm sẽ được 1.000 USD thì cả Kh. và Th. đều gật đầu.

Lập tức Kh. và Th. mang hai chiếc xe đạp đi cầm lấy 140 ngàn đồng rồi cùng Nga thuê xe ôm sang Campuchia. Tuy nhiên, chỉ mới đi đến Vĩnh Xương là hết tiền, lại không có người dẫn sang Campuchia nên không đi tiếp được. Nga đã điện cho một tên tay chân của mụ Trinh là Lạc ở Campuchia đến cửa khẩu Long Bình đón và tên Lạc đã đồng ý.

Cùng ngày hôm đó, một người dân trong ấp khi đến nhà cha mẹ Th. chơi cho biết có nhìn thấy Th. và Kh. đi đâu đó với Nga. Người mẹ của Th. nghi ngờ con mình bị Nga dẫn sang Campuchia, vì ở ấp này ai cũng biết Nga từng sống nhiều năm ở bên đó. Mẹ của Th. đã báo Công an huyện Châu Phú. Nhận được tin báo của công an huyện, ngay lập tức Công an tỉnh An Giang vào cuộc, tung trinh sát đi rà soát địa bàn, lần theo dấu vết đối tượng và thông báo cho lực lượng hải quan, biên phòng ở dọc tuyến biên giới chốt chặt các ngả đường sang Campuchia. 1h sáng ngày 14/8/2005, lực lượng biên phòng đã bắt được Nga khi đang chuẩn bị đưa Kh. và Th. vượt biên sang Campuchia giao cho công an tỉnh xử lý.

Căn cứ vào kết luận giám định pháp y của Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì Nguyễn Thị Bé Nga lúc bị bắt là 16 tuổi 6 tháng. Như vậy, Nga đã ở độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Tại phiên tòa, qua nhiều cuộc tranh luận, Hội đồng xét xử đã đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Bé Nga từ 7 đến 9 năm tù.

Trong gần 10 tháng điều tra, thu thập chứng cứ, lập hồ sơ, Thượng úy Dương Tư Thường, cán bộ Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh An Giang đã nhận ra rất nhiều vấn đề day dứt đằng sau vụ án và coi vụ án này là một bài học cảnh tỉnh cho nhiều gia đình, cho cả xã hội. Qua phân tích của anh và qua tiếp xúc với Nga trong trại tạm giam, tôi nhận thấy rằng Nga thật đáng trách, song lại cũng rất đáng thương. Và em phạm tội phải chịu hình phạt của pháp luật điều đó là đương nhiên. Tuy thế, sau thụ án thì tương lai của em còn dài và mong rằng em sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Tuổi thơ của em quá bất hạnh, quá đau đớn. Em lớn lên như kẻ ăn nhờ, ở đợ, dù có bố, có mẹ, song những người này chẳng có được một ngày nuôi dưỡng em tử tế, để em phải lưu lạc hết nơi này đến nơi khác. Ở độ tuổi như em, lẽ ra phải được đến trường, được học hành, nhưng em lại phải sống cảnh tù đày trong động quỷ nhơ nhớp. Em là nạn nhân của sự thất học. Không được học hành, chữ nghĩa không biết, nay ở Việt Nam, mai dạt sang Campuchia, thì em đâu có hiểu pháp luật là gì. Điều đau xót nhất là trong suốt 10 tháng ở trại tạm giam, cũng chẳng có bóng người thân nào đến thăm nom, động viên Nga ngoài mấy chú công an, mấy chú giám thị, đặc biệt là chú công an Dương Tư Thường, người phụ trách xuyên suốt vụ án này.

Anh Thường đã thu thập mọi chứng cứ để chứng minh một sự thật rằng: Nga phạm tội là do sự xúi giục của người khác, hậu quả cũng chưa xảy ra. Ngoài ra, Nga còn có hoàn cảnh đặc biệt éo le, lại mù chữ, không hiểu biết pháp luật. Những ngày giam giữ, anh động viên Nga cứ thành khẩn khai báo hết mọi điều. Nghe anh kể, tòa án hỏi gì, Nga đáp nấy rất hồn nhiên, do vậy Nga còn được giảm án do thành khẩn khai báo. Với những tình tiết đó, mức án mà Hội đồng xét xử đề nghị phạt 7 đến 9 năm tù như lúc đầu đã giảm xuống còn 6 năm.

Tôi hỏi cô bé có khuôn mặt trắng trẻo, bầu bĩnh, đôi mắt ngây thơ:
- Cháu thấy mức án có nặng không?
- Dạ, không!
- Sống ở đây cháu thấy thế nào?
- Dạ, rất thoải mái. Cả ngày cháu chỉ ăn với ngủ, lại được các chú công an thường xuyên hỏi thăm. Các chú công an còn tốt hơn cả bố mẹ cháu. Từ ngày vào đây đến giờ cháu tăng gần chục ký rồi, lại trắng ra.

Trước khi rời trại tạm giam của Công an tỉnh An Giang, chia tay cô bé Nga, tôi chẳng biết nói với em điều gì. Thượng úy Thường vỗ vai cô bé bảo: “Cháu chăm ngoan, cải tạo tốt vào nhé. Cháu có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nếu cải tạo tốt”.

Theo An Ninh Thế Giới