Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Các Website khác - 12/08/2005
Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là xu thế tất yếu của các quốc gia. Năm 1991, Cảnh sát Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 156 của tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và năm 1995, gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các nước Ðông-Nam Á (Aseanapol).
Năm năm qua, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành đã ký 15 hiệp định và Nghị định thư hợp tác phòng, chống tội phạm, bảy hiệp định hợp tác phòng, chống ma túy, 15 hiệp định tương trợ tư pháp. Trong đó, có 14 hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về lĩnh vực hình sự, hiệp định dẫn độ tội phạm với Hàn Quốc. Việt Nam đã tham gia ba công ước của LHQ về phòng, chống ma túy, tám công ước và nghị định thư về chống khủng bố, tham gia đàm phán và ký các công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và công ước về chống tham nhũng. Ký kết dự án "Tăng cường năng lực các cơ quan tư pháp và hành pháp phòng, chống tội phạm buôn bán người ở Việt Nam" và dự án "Xây dựng năng lực ngăn chặn buôn lậu và bắt giữ ma túy, đặc biệt tập trung vào ATS và tiền chất" với cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC). Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các nước trong khuôn khổ ASEM, APEC, ASEAN ký kết và thực hiện nhiều tuyên bố về hợp tác chống khủng bố quốc tế, tham gia chương trình hành động chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương; đàm phán soạn thảo hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Năm năm qua, lực lượng CAND đã phối hợp xử lý gần 10 nghìn thông tin về đối tượng truy nã quốc tế, đối tượng khủng bố và nghi khủng bố, phát lệnh truy nã quốc tế 30 đối tượng phạm tội, tiếp nhận 74 đối tượng phạm tội hình sự đã thụ án ở nước ngoài trở về Việt Nam. Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác các nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, các nước trong khu vực; phối hợp chặt chẽ với Lào, Campuchia phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, v.v. Những ký kết nói trên thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta trong việc xây dựng một thế trận hiệp đồng quốc tế toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiến hành các hoạt động chống phá ta trên nhiều mặt. Bên cạnh đó, xuất hiện các loại tội phạm mới như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm rửa tiền, buôn bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy... làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm càng trở nên phức tạp và quyết liệt. Ðể có thể làm chủ được tình hình, phòng ngừa tội phạm từ xa, Cảnh sát Việt Nam đã xây dựng mạng lưới thông tin vệ tinh viễn thông với tất cả 182 nước thành viên Interpol, phối hợp trao đổi thông tin truy nã tội phạm quốc tế, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, xác minh nhân thân, tiền án tiền sự... Có những đối tượng truy nã quốc tế bị bắt giữ tại Việt Nam là đầu mối mở ra những chuyên án lớn, như vụ bắt tên Bùi Hữu Tài mở ra chuyên án triệt phá đường dây buôn bán ma túy xuyên Việt, bắt Nguyễn Hải Nam liên quan băng nhóm tội phạm có tổ chức tại các nước CHLB Ðức, CH Czech và Ba Lan, phối hợp cảnh sát Mỹ bắt giữ Trần Hùng Sơn trong vụ án Mường Tè (Lai Châu) làm thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước.

Công tác rà soát các đối tượng truy nã quốc tế được tiến hành thường xuyên tại các cửa khẩu, phát hiện hàng trăm lượt đối tượng nghi vấn có âm mưu thâm nhập Việt Nam, trong đó có cả đối tượng truy nã quốc tế, đối tượng khủng bố. Cảnh sát các nước ASEAN có xu hướng tăng cường và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, nhất là trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, bàn thảo về cơ chế và biện pháp hợp tác cụ thể để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tại các diễn đàn này, nhiều cam kết, cơ chế hợp tác song phương và đa phương được hình thành. Các nước đối thoại trong khuôn khổ hợp tác ASEAN như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga đều đề nghị thiết lập cơ chế với các nước ASEAN trong đấu tranh chống khủng bố, chống buôn bán người.

Việt Nam rất gần vùng "tam giác vàng", một trong những khu vực sản xuất thuốc phiện, heroin, ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Từ đây, chúng sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy qua Lào, Thái-lan, Campuchia, Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Hằng năm, Cảnh sát Việt Nam trao đổi với cảnh sát các nước khoảng 2.500 - 3.000 thông tin về tội phạm ma túy. Chúng ta đã phối hợp phát hiện hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Năm 2003, Việt Nam phối hợp cảnh sát Lào, Campuchia, Australia, Ðài Loan, Nhật Bản, Mỹ khám phá 37 đường dây tội phạm ma túy quốc tế. Năm 2004, số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có yếu tố nước ngoài tăng 1,5 lần so với năm 2003.

Ðầu năm 2005, Cảnh sát Việt Nam phối hợp một số nước bắt giữ tên Chiang Yu Chia vào Việt Nam móc nối với các đối tượng trong nước vận chuyển 1,3 kg heroin sang Ðài Loan; phối hợp Cảnh sát Singapore xác minh đối tượng Quách Tiểu Bửu và Tay Chin Keng mua bán trái phép 1.470 viên ma túy tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2004 đến nay, Interpol Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 400 lượt thông tin tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, trao đổi thông tin với cảnh sát Trung Quốc, Lào phục vụ điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, kết quả xác minh cho thấy: 50 công ty nước ngoài mà các doanh nghiệp trong nước khai đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa là không có thực.

Interpol Việt Nam đã xử lý kịp thời các yêu cầu phối hợp điều tra hoạt động lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu của các công ty ở Ðức, Nga, Trung Quốc, Singapore liên quan các doanh nghiệp và đối tượng trong nước, như vụ Nguyễn Ðức Chi hoạt động lừa đảo tại Việt Nam, vừa bị công an bắt và đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Những năm trước đây, Interpol Việt Nam đã phối hợp xác minh, trao đổi thông tin, phát hiện hàng trăm vụ lừa đảo liên quan nước ngoài, như vụ Tổng công ty lương thực 2 ký hợp đồng bán 600.000 tấn gạo cho một công ty của Bỉ, nhưng công ty này chỉ làm môi giới, không có khả năng thanh toán, các ngân hàng, công ty vận tải nêu trong hợp đồng đều không tồn tại trên thực tế. Có vụ, chúng lợi dụng kho ngoại quan của Việt Nam để chuyển khẩu chín container thuốc lá Malboro giả. Tổng cục Cảnh sát phát hiện và phối hợp UBND thành phố Hải Phòng đã thiêu hủy số thuốc lá nói trên...

Qua các kênh hợp tác Interpol, Aseanapol và hợp tác song phương khác, Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ về kinh nghiệm, huấn luyện, đào tạo, trang thiết bị kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát nói riêng và Công an nhân dân nói chung. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã được tham gia các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị chuyên đề tổ chức trong nước và ở nước ngoài.

Trong những năm tới, hoạt động của loại tội phạm xuyên quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước ta để vào Việt Nam lẩn trốn cũng như các đối tượng trong nước ra nước ngoài câu kết hoạt động phạm tội. Hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại sẽ rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Ðể chủ động phòng, chống tội phạm, trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan quốc tế; khẩn trương xúc tiến ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, đặc biệt là các nội dung liên quan phối hợp điều tra, truy nã và dẫn độ tội phạm. CAND phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với QÐND, các ngành hải quan, ngoại giao... để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, ngay trong lực lượng CAND cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nắm tình hình, trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để xác minh, bắt giữ tội phạm.

NGUYỄN ĐÌNH ĐƯỜNG
(Bộ Công an)