Không làm rõ trách nhiệm, sai phạm sẽ khó khắc phục
Các Website khác - 26/10/2005
“Chế độ trách nhiệm không rõ là nguyên nhân chính dẫn đến tệ lãng phí và tham nhũng” - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến về hai dự án Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ông cho biết:
- Lãng phí hiện nay rất lớn vì chế độ trách nhiệm không rõ. Tiêu xài, lãng phí của công tràn lan vì “cha chung không ai khóc”. Làm được nhiều, nhưng không ngăn chặn được lãng phí sẽ gây thiệt hại lớn. Lãng phí cũng gắn liền với tham nhũng, tiêu cực, làm cho con người hư hỏng. Nhiều người sẵn sàng dùng tiền của công để ăn nhậu, chơi bời; một số cán bộ sinh hoạt như tầng lớp thượng lưu, gây bức xúc cho dư luận.

* Thưa Chủ tịch, rõ ràng tham nhũng và lãng phí đều nguy hiểm như nhau, nhưng tội tham nhũng thì bị xử phạt nặng, còn tội lãng phí dường như chỉ xử lý ở mức hành chính?

- Hành vi lãng phí thường hay “vin” vào những yếu tố khách quan, do trình độ, rồi thiếu sót…, chứ không coi đó là hành vi cố ý, chủ quan. Nhưng thực ra, lãng phí cũng tai hại rất ghê gớm. Chẳng hạn một công trình kém chất lượng hoặc không đạt tiến độ; hay một dự án đưa ra không phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, xây dựng rồi không sử dụng được sẽ gây thiệt hại ghê gớm, nhưng do thiếu cơ chế trách nhiệm nên khó xử lý được ai.

Vừa qua có nhiều trường hợp như thế, như mía đường, dự án lọc dầu Dung Quất… Theo tôi, như thế là có lỗi với dân. Phải làm rõ: chương trình 5 triệu ha rừng, đạt hay không đạt, chất lượng thế nào? Dự án lọc dầu Dung Quất chậm như thế vì sao, ai chịu trách nhiệm? Đừng để “công thì tôi, mà lỗi thì chúng ta”. Ý thức lãnh đạo tập thể rất quan trọng, nhưng trách nhiệm cá nhân cũng có tính chất quyết định. Nếu không làm rõ cơ chế trách nhiệm, các sai phạm sẽ khó khắc phục được.

* Nhưng để xác định trách nhiệm lãng phí, cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn, định mức đầy đủ và phù hợp. Mà điều này chúng ta còn làm chưa tốt?

- Sắp tới phải xem xét lại vấn đề này. Trong khoa học - kỹ thuật phải có quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng; trong xây dựng cơ bản phải có các tiêu chuẩn về vật liệu, giá cả, chất lượng; trong chi tiêu công phải làm rõ từng vấn đề cụ thể: bữa ăn ở hội nghị được chi bao nhiêu, công tác phí bao nhiêu là phù hợp. Ở các nước có bao giờ họ đãi bia, đãi rượu bừa bãi đâu, nhưng ở ta cứ ngồi xuống là uống “xả láng”. Bây giờ phải quy định cụ thể, ai quá tiêu chuẩn thì phải bỏ tiền túi ra chi, đừng lấy tiền ngân sách, vì đó là tiền của dân. Làm được như vậy, vừa tiết kiệm, vừa giữ được cán bộ không sa vào thoái hóa.

* Trong hai dự án Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Quốc hội đang thảo luận, Chủ tịch thấy vấn đề cơ chế trách nhiệm cá nhân đã được đề cập đầy đủ chưa?

- Vấn đề cơ chế trách nhiệm cá nhân nêu trong hai dự luật này khá tốt; nhưng cơ chế để thực hiện thì còn nhiều hạn chế. Ở góc độ MTTQ, tôi cho rằng, để phát huy được vai trò của nhân dân trong việc giám sát tham nhũng, lãng phí, nếu chỉ nói như vậy thì sẽ khó làm. Về phía mặt trận, cũng rất khó tham gia. Nhưng nếu cho phép MTTQ chủ trì việc này, việc kia để giám sát thì sẽ rõ ngay, hiệu quả ngay.

* Cụ thể là gì, thưa Chủ tịch?

- Thí dụ như giao cho MTTQ chủ trì việc hàng năm xem xét tư cách, xem xét tín nhiệm của các đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã. Nếu được như vậy, cán bộ ở cơ sở ai cũng phải luôn tự soi lại mình, tự thân rèn luyện, tu dưỡng để được dân tín nhiệm. Đó là một cách phòng tham nhũng, phòng lãng phí tích cực; và cũng là nhằm xây dựng cán bộ chứ không phải làm gì gây khó khăn cho anh em.

* Còn cán bộ cấp cao hơn thì ai giám sát?

- Nếu được thì cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh cũng theo cơ chế như vậy. Còn Quốc hội thực hiện định kỳ việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Làm như thế, tôi chắc sẽ có hiệu quả ngay.

* Xin cảm ơn Chủ tịch.

Theo Sài Gòn giải phóng