Tự do hóa giao dịch vãng lai, bỏ cấp phép trong mua ngoại tệ
Các Website khác - 26/10/2005
Nghị định số 131 được Chính phủ ban hành ngày 18-10 đã bổ sung một số điều của Nghị định số 63 về quản lý ngoại hối. Những quy định được bổ sung lần này là nhằm tự do hóa các giao dịch vãng lai, trong đó việc mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng chỉ cần xuất trình các giấy tờ hợp lệ, chứ không phải xin phép tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại các địa phương như trước.
Ngoài việc tự do hóa các giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn cũng đang được xem xét theo hướng nới lỏng dần, cho phép nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp ra và vào Việt Nam đơn giản hơn. Các giao dịch ngoại hối thường được chia làm hai loại: giao dịch vãng lai và giao dịch vốn. Trong đó, giao dịch vãng lai là giao dịch của người cư trú và không cư trú không vì mục đích chuyển vốn. Chẳng hạn giao dịch thanh toán liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, vay tín dụng và vay ngân hàng ngắn hạn, các khoản chuyển tiền một chiều như chuyển mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích du lịch, học tập, chữa bệnh,... Còn các giao dịch vốn là các giao dịch ngoại hối của người cư trú và không cư trú để chuyển vốn vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào các giấy tờ có giá, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài...

Theo ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), việc tự do hóa các giao dịch vãng lai là một xu hướng chung trong điều kiện thị trường tài chính, ngoại hối phát triển. Tự do hóa các giao dịch vãng lai được quy định tại Điều VIII, Điều lệ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng là một điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, đảm bảo người cư trú, người không cư trú được mua ngoại tệ tự do tại các ngân hàng được phép để đáp ứng cho các nhu cầu thanh toán, chuyển tiền hợp pháp thuộc giao dịch vãng lai và các quyền được cất trữ, mở tài khoản ngoại tệ và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho các nhu cầu hợp pháp, đảm bảo cho đồng Việt Nam được tự do chuyển đổi với các giao dịch vãng lai.

Cũng theo ông Phước, những quy định mới trong Nghị định số 131/2005/NĐ-CP đồng nghĩa với việc các cá nhân có nhu cầu mua ngoại tệ sử dụng cho các mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, thừa kế, định cư sẽ được đáp ứng tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Quy định cấp phép mua, chuyển, mang ngoại tệ trước đây (do NHNN cấp) được thay bằng chế độ kiểm tra chứng từ tại các tổ chức tín dụng, tức là các chứng từ chứng minh nhu cầu ngoại tệ như giấy báo học phí, tiền khám bệnh,...

Do khả năng đáp ứng ngoại tệ tương đối hạn chế, nên quy định về các giao dịch vãng lai trên thị trường ngoại tệ trước đây khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những quy định này đã từng bước được nới lỏng, như việc giảm tỷ lệ kết hối của doanh nghiệp (tỷ lệ phải bán ngoại tệ/tổng nguồn thu ngoại tệ của doanh nghiêp) cho ngân hàng xuống còn 0%, doanh nghiệp được tự quyết định việc sử dụng trên số ngoại tệ thu về. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ thanh toán xuất nhập khẩu cũng có thể đến mua tại ngân hàng căn cứ theo nhu cầu thực tế của mình.

Tự do hóa các giao dịch vãng lai là một bước đi quan trọng, ngoài ý nghĩa đáp ứng điều kiện gia nhập WTO của Việt Nam, nó còn là một bước đi nhằm nâng cao khả năng chuyển đổi của đồng Việt Nam. Nhưng đối với các doanh nghiệp, việc mở cửa dần thị trường vốn sẽ có ý nghĩa hơn trong hoạt động đầu tư.

Hiện tại, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối. Theo đó, các giao dịch vốn sẽ được từng bước nới lỏng, thể hiện ở góc độ mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài. Theo NHNN, hàng năm Việt Nam tiếp nhận một lượng lớn kiều hối, trong số này, ngoài một phần sử dụng để chi dùng cá nhân, còn phần lớn được đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh. Do đó, khi hợp thức hóa các giao dịch này sẽ thu hút được nguồn vốn tiết kiệm của bà con Việt kiều ở nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối cũng đã quy định các đối tượng, điều kiện để cho vay ra nước ngoài, tuy nhiên mới hạn chế ở các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác phải được phép của Chính phủ và chưa mở rộng cho cá nhân. Đồng thời, cũng quy định về việc phát hành chứng khoán trong và ngoài nước làm cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam niêm yết, bán cổ phiếu ở nước ngoài và để các công ty nước ngoài niêm yết bán cổ phiếu tại Việt Nam...

Theo Đầu tư