Khai khống để chiếm đoạt tiền Nhà nước
Các Website khác - 06/01/2006
Người dân bức xúc tập trung tại
trụ sở UBND xã Đại Mạch yêu cầu
làm rõ vụ việc.
Sáng 6-1, nhiều người dân xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội), đã tụ tập ở sân trụ sở UBND xã để tố cáo một số cán bộ xã và những người có trách nhiệm trong việc tiêu huỷ gia cầm trong đợt dịch cúm gia cầm thông đồng với một số hộ dân khai khống số lượng lớn gia cầm để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Qua tiếp xúc làm việc với cán bộ lãnh đạo xã và những điều chúng tôi tận mắt thấy, tai nghe thì những tố cáo trên là sự thật.

Cơn giận của những người dân và sự thật đau lòng

Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là chị Nguyễn Thị Minh ở xóm Tây, thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch. Chị nghẹn ngào nấc lên từng tiếng. trong khi nước mắt cứ giàn giụa trên khuôn mặt đen đúa: Trước khi bị tiêu huỷ, nhà tôi nuôi
"Ba tháng nay tôi không đóng học được cho con tôi… tôi không đóng nổi học mà tôi vẫn phải mua cám cho chim…"- Chị Nguyễn Thị Minh, xóm Tây, thôn Đại Đồng, Xã Đại Mạch
bốn nghìn con chim cút và hơn năm trăm con gà. Khi nghe tin có dịch cúm, tôi đã làm đơn xin tiêu huỷ những cán bộ thú y xã nói mới chỉ có vài nhà thôi nên chưa vội gì. Tôi chạy quanh xã mới biết có mấy chục nhà đã được cho phép tự tiêu huỷ trong vườn, về tôi cũng viết đơn xin làm vậy nhưng họ không cho và bảo chờ. Vài hôm sau họ đến bảo đem ra đồng để chôn, tôi đem ra và... thảm lắm anh ạ, họ cứ đếm con nào là vứt xuống hố con đó. Tôi ngồi ôm đống chim, gà mà khóc, cứ tưởng ai cũng như mình nào ngờ…Chị Minh lại nức nở.

Một người đàn ông chen vào, không đợi chúng tôi hỏi mà tự giới thiệu luôn: Tôi là Lưu Quốc Ân cũng ở thôn Đại Đồng- Giọng ông đầy phẫn nộ- nhà tôi không nuôi gà, nhưng nhìn thấy cảnh này tôi bức xúc quá, không chịu được. Rồi ông kể lại, khi có lệnh tiêu huỷ gà một số gia đình cán bộ xã hoặc là người nhà của họ được phép tự tiêu huỷ trong vườn nhà còn các gia đình khác thì phải mang ra đồng đốt bằng sạch. Điều lạ là khi tiêu huỷ trong vườn nhà, những gia đình đó đóng chặt cổng không cho ai vào để xem cả. Chúng tôi đã thấy nghi ngờ song không nghĩ là họ làm gì khuất tất. Đến khi UBND xã đọc bản thông báo số tiền mà các gia đình có gia cầm bị tiêu huỷ được Nhà nước hỗ trợ thì người dân mới ngã ngửa người ra và rất sửng sốt vì trong danh sách đó, có những hộ chỉ có vài chục mét vuông chuồng trại, có nhà chỉ nuôi vài con mà trong bản khai số lượng gia cầm bị tiêu huỷ được hưỏng tiền hỗ trợ lại lên tới hàng nghìn con, tương đương nhiều triệu đồng.

Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Ân, chị Minh và rất nhiều người tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi đi đến các gia đình có hố chôn gà trong vườn ở thôn Đại Đồng đã được đoàn kiểm tra của UBND xã “khai quật” để kiểm tra. Trong vườn nhà ông Nguyễn Văn C mọi người chỉ cho chúng tôi chiếc hố mới được lấp lại rất sơ sài. Chiếc hố rộng gần hai mét vuông, sâu hơn một mét được chủ nhà khai báo là nơi đã tiêu huỷ 2.500 con gia cầm, nhưng khi đào lên chỉ có rơm, trấu và lông gà. Ngay bên cạnh hố là dãy chuồng đầy nghẹt gà, mỗi con nặng cỡ hơn một cân trở lên.


Nhân dân thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch) đang bức xúc chỉ cho
chúng tôi khoảnh đất được coi là đã chôn 2.500 con gia cầm.

Mọi người lại dẫn chúng tôi đến nhà ông Hà Văn Mạnh, cán bộ an ninh xã. Chủ nhà đi vắng, cổng khoá chặt, qua bờ rào mọi người chỉ cho chúng tôi cái hố nông choèn rộng cỡ một mét vuông, đã được đoàn kiểm tra đào lên, không có xác bất kỳ một con gia cầm nào mà toàn rơm, trấu. Ai đó đã nhanh nhẹn chạy về nhà vác ra một chiếc ghế để chúng tôi chụp ảnh cái hố đã được khai báo là “nơi tiêu huỷ gần một nghìn con gia cầm”, làm bằng chứng về sự gian dối trắng trợn.


Chiếc hố rộng hơn một mét vuông trong vườn nhà ông Hà Văn Mạnh,
nơi ông khai báo là đã chôn hơn1.000 con gà.

Đám đông lại tiếp tục dẫn chúng tôi đến nhà ông Hà Văn Thành, Trưởng công an xã, nơi cũng có một chiếc hố và hành động gian dối như hai gia đình trên. Tới nơi, bà chủ nhà đẩy đuổi không cho chúng tôi vào rồi khoá chặt cổng lại. Ông Ân và mọi người cho chúng tôi biết là khoảng một tiếng đồng hồ trước đó có một số nhà báo vào quay phim, chụp ảnh đã bị một đám người đuổi đánh phải bỏ chạy trong khi lực lượng công an xã có mặt tại đó lại “án binh, bất động” nên khi chúng tôi vào làng mới có nhiều người đi theo để vừa dẫn đường, vừa bảo vệ.

Xử lý tận gốc việc làm gian dối

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: từ ngày 19-11 đến ngày 29-12, 149 hộ dân ở ba thôn của Đại Mạch đã tiêu huỷ 433 nghìn con gia cầm, số tiền hỗ trợ tiêu huỷ là hơn 4 tỷ đồng. Sau khi UBND xã thông báo công khai số gia cầm bị tiêu huỷ và mức tiền hỗ trợ cho từng gia đình, nhiều người dân trong xã đã nghi ngờ về số lượng gia cầm bị tiêu huỷ tại một số hộ dân. Từ đó, các hộ dân đã kiến nghị với UBND xã cần làm rõ việc này. Sau khi nhận được những ý kiến trên, ngày 17-12-2005, Đảng uỷ, UBND xã đã quyết định thành lập tổ phúc tra công tác tiêu huỷ gia cầm, do đồng chí Thường trực Thường vụ Đảng uỷ làm tổ trưởng. Ngày 5-1, tổ phúc tra bắt đầu tiến hành khai quật các hố chôn gia cầm để xác minh.

Chỉ trong buổi sáng, sau khi khai quật ba hố chôn gia cầm tại ba gia đình trong diện nghi vấn, đã lộ rõ về việc khai khống số lượng gia cầm bị tiêu huỷ. Trong danh sách hưởng tiền hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm, gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Đại Đồng kê khai đã tiêu huỷ 2.950 con chim cút. Vậy nhưng khi đào hố chôn gia cầm ngay trong vườn nhà, tổ phúc tra chỉ tìm thấy ba con chim cút và năm bao tải chứa đầy rơm và trấu.

Tương tự, nhà ông Vương Văn Đoàn được cán bộ đội tiêu huỷ xác nhận có 2.450 con gà thịt, mỗi con hơn 0,5kg. Khi khai quật hố chôn tổ phúc tra cũng chỉ tìm thấy 48 con gà. Lạ hơn thế, khi tổ phúc tra đến gia đình ông Nguyễn Văn Châu, người được UBND xã xác nhận có 2.400 con gia cầm bị tiêu huỷ, nhưng hố chôn chỉ có rơm, trấu và lông gà.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ kinh phí tiêu huỷ gia cầm, do dịch cúm gia cầm gây ra trên địa bàn thành phố là 15.000 đồng/con gia cầm thương phẩm có trọng lượng 0,5kg trở lên; 5.000 đồng/con gia cầm giống. Riêng chim cút có mức hỗ trợ là 1.000 đồng/con. Nếu áp theo khung này thì hộ bà Thu đã khai khống đến 2.947 con chim cút, bà Thu được hưởng lợi 2,9 triệu đồng đồng. Còn nhà ông Đoàn và ông Châu "bỗng nhiên" có được hơn 36 triệu đồng từ đàn gia cầm bị tiêu huỷ.

Dư luận nhân dân xã Đại Mạch và huyện Đông Anh đang rất bất bình về vụ việc tiêu cực nói trên. Vậy ai là người tiếp tay, thông đồng với các hộ dân trên để khai khống số lượng gia cầm để rút tiền của Nhà nước ? Đề nghị UBND thành phố Hà Nội kiểm tra việc tiêu hủy, kê khai thiệt hại ở những địa phương tiêu hủy gia cầm. Nếu phát hiện việc làm gian dối như ở xã Đại Mạch nêu trên thì kiên quyết xử lý để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

DUY HƯƠNG và KIỀU HƯƠNG