- Không phải bây giờ Chính phủ mới đặt vấn đề tăng LTT trong khu vực FDI, mà đã chỉ đạo các bộ ngành xây dựng kế hoạch tăng LTT từ đầu năm 2005. Việc điều chỉnh lương trong khu vực FDI phải dung hòa được lợi ích của các bên, tạo được sự đồng thuận lớn, nhất là ở các ngành nghề làm ăn không thuận lợi lắm như da giày, dệt may... vì vậy Chính phủ giao các bộ ngành, đại diện các bên, các địa phương, các nhà đầu tư phải bàn thảo rất kỹ vấn đề này.
Tất nhiên, càng ban hành Nghị định sớm thì càng có lợi cho người lao động (NLĐ), nhưng cũng cần phải tuân theo quy trình ra một văn bản Nghị định, mặt khác cũng phải có thời gian cho các nhà đầu tư chuẩn bị, tính toán chi phí đầu vào của họ. Đó là lý do LTT trong khu vực FDI đã không tăng từ 1-1-2006 như dự kiến.
* Đó là nguyên nhân khiến NLĐ phản ứng?
- NLĐ đình công theo tôi không phải chỉ vì lý do đó. Vì xét cho cùng, LTT chỉ là mức sàn, còn Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp trả cao hơn. Mà muốn có mức cao hơn thì đại diện của NLĐ (công đoàn cơ sở) phải tham gia thương lượng với doanh nghiệp để bảo đảm cao nhất các quyền lợi của NLĐ.
Nếu như vai trò công đoàn được thực hiện tốt, thì việc điều chỉnh lương, việc bảo đảm các chế độ chính sách của NLĐ sẽ uyển chuyển, dung hòa được lợi ích của hai bên, tránh khỏi những cuộc đình công bất hợp pháp đáng tiếc như vừa qua. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tự điều chỉnh tiền LTT cao hơn so với quy định như doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí, điện tử, tin học, dịch vụ khách sạn áp dụng mức LTT từ 900.000 - 1 triệu đồng/tháng; thấp nhất là ngành dệt may, da giày cũng đã điều chỉnh lên từ 700.000 - 750.000 đồng/tháng.
Mấu chốt của vấn đề là các doanh nghiệp phải thực hiện tốt các chế độ với NLĐ, cụ thể là thực hiện đúng quy định của nhà nước về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì chắc chắn không có đình công, mối quan hệ lao động sẽ bền vững và môi trường đầu tư sẽ tiếp tục ổn định.
* Vậy thưa ông, bao giờ sẽ có Nghị định điều chỉnh LTT trong khu vực FDI?
- Thời điểm áp dụng tăng LTT trong khu vực FDI dự kiến từ 1-4-2006, thậm chí với tình hình này, Chính phủ có thể ban hành sớm hơn. Về mức tăng, chúng tôi đã trình Chính phủ hai phương án điều chỉnh LTT trong khu vực FDI.
Phương án 1 là điều chỉnh LTT áp dụng trong các doanh nghiệp FDI theo mức tăng tiền công trên thị trường theo 3 vùng với các mức từ 626.000 đồng/tháng lên 870.000 đồng/tháng; từ 556.000 đồng/tháng lên 790.000 đồng/tháng và từ 487.000 đồng/tháng lên 710.000 đồng/tháng.
Phương án 2 là điều chỉnh LTT ứng với mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt theo ba vùng với các mức từ 626.000 đồng/tháng lên 790.000 đồng/tháng; từ 556.000 đồng/tháng lên 710.000 đồng/tháng và từ 487.000 đồng/tháng lên 630.000 đồng/tháng. Mức điều chỉnh là bao nhiêu thì sẽ do Chính phủ quyết định, nhưng nhiều khả năng sẽ thiên về phương án 1.
Tôi xin nhấn mạnh, việc tăng lương trong khu vực FDI chỉ còn là vấn đề ngày một ngày hai, NLĐ không nên nóng ruột.
- Xin cảm ơn ông!
Tổng LĐLĐVN kiến nghị tăng mức lương tối thiểu trong khu vực FDI lên 40% Hội nghị BCH Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam kỳ thứ 6 (khóa IX) đã diễn ra ngày 5-1 tại Hà Nội. Những cuộc đình công, đặc biệt của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây đã trở thành chủ đề chính được đặt ra trong hội nghị lần này. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị trình Chính phủ tăng mức lương tối thiểu trong khu vực FDI lên 40% so với hiện hành. Ngoài ra, hội nghị lần này sẽ thảo luận cho ý kiến việc sửa đổi những quy định về đình công trong Bộ luật Lao động nhằm bảo đảm cho các tổ chức công đoàn chủ động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công, bảo vệ quyền và lợi ích người lao động.
|
|