Kiểm lâm đang... "không biết mình là ai"?!
Các Website khác - 08/10/2005
Có một thực tế là hiện nay lực lượng kiểm lâm đang hoạt Động trong hoàn cảnh "ngoài vòng pháp luật", bởi trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã có hiệu lực từ 1-4-2005, thì Nghị định hướng dẫn tổ chức và hoạt động của kiểm lâm vẫn chưa được ban hành. Vì vậy lực lượng kiểm lâm vẫn chưa xác định được địa vị pháp lý của mình...
Nếu lâm tặc kiện, kiểm lâm sẽ phải ra tòa vì... làm trái luật

Thực tế nghe có vẻ kỳ quặc này hiện đang là trở ngại trong hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Ban hành 29-9-2004, Nghị định 171 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nêu rõ: cơ quan kiểm lâm được tổ chức theo hệ thống ngành dọc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngày 1-4-2005 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi có hiệu lực, trong đó chương 6 quy định lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập Ban soạn thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm.

Tuy nhiên do có nhiều ý kiến trái ngược nhau về tổ chức và hoạt động kiểm lâm nên Nghị định này vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó ở các địa phương, lực lượng kiểm lâm vừa hoạt động vừa lo bởi sau khi NĐ 171 ra đời UBND các tỉnh tiến hành sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn và trong danh sách này không có cơ quan kiểm lâm.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dư luận rất hồ hởi khi có không tin sẽ thành lập cảnh sát lâm nghiệp trên cơ sở lực lượng kiểm lâm, nhưng điều này đã không thành hiện thực.

Từ khi NĐ 171 có hiệu lực đến nay toàn bộ lực lượng kiểm lâm đang hoạt động mà không có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh bởi khi NĐ 171 ra đời thì NĐ 39/CP về tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm lâm đương nhiên để hết hiệu lực.

Nếu đúng nguyên tắc thì kiểm lâm phải chờ có văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì mới được tiến hành các hoạt động. Nhưng rừng vẫn cần phải bảo vệ hằng ngày nên anh em không thể chờ được.

Lãnh đạo một số chi cục than thở: nếu lâm tặc kiện kiểm lâm dựa vào quy định hiện hành nào mà bắt giữ họ thì có lẽ anh em phải ra tòa. Lực lượng kiểm lâm đang không biết mình là ai bởi danh sách các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND không có kiểm lâm.

Địa vị nào cho kiểm lâm?

Cách đây không lâu, dư luận đã rất hồ hởi khi có thông tin sẽ thành lập cảnh sát lâm nghiệp, nhưng cuối cùng cảnh sát lâm nghiệp đã không thành hiện thực.

Có dư luận lo ngại rằng nếu như việc thống nhất lực lượng kiểm lâm không được tính toán một cách khoa học dựa trên thực tiễn thì thành quả giữ rừng hơn 10 năm qua (từ chỗ độ che phủ rừng chỉ đạt 28% năm 1993-đến nay tăng lên 36,1%) sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Hiện có hai ý kiến trái ngược nhau về địa vị pháp lý của kiểm lâm. Ý kiến 1 đề nghị kiểm lâm tổ chức theo hệ thống, ở trung ương kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở địa phương trực thuộc UBND tỉnh. Kiểm lâm ở địa phương trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ý kiến 2: Kiểm lâm tổ chức theo hệ thống ngành dọc thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tổ chức của hệ thống cơ quan thừa hành pháp luật.

Nếu kiểm lâm trực thuộc Sở là trái với tinh thần của Luật Bảo vệ phát triển rừng, mặt khác việc chỉ đạo gián tiếp sẽ không kịp thời, ít hiệu quả. Khi trực thuộc Sở, Chi cục Kiểm lâm chỉ tương đương một cấp Phòng - Ban nên việc chỉ đạo phối hợp liên ngành giữa kiểm lâm với các lực lượng khác sẽ không hiệu quả.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì từ thực tế công tác Quản lý bảo vệ rừng hiện nay, việc tổ chức kiểm lâm theo phương án thứ nhất là phù hợp với pháp luật và thực tiễn, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho lực lượng này nâng cao vị thế, năng lực, trang thiết bị và chế độ chính sách. Khảo sát mới đây tại 11 tỉnh, thành phố phía bắc và Tây Nguyên cho thấy có tới hơn 90% đồng ý với phương án này.

Tổ chức kiểm lâm: mỗi nơi một kiểu

Thành lập năm 1973, hiện kiểm lâm được tổ chức ở 60/64 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư với gần 10 nghìn người, nhưng được tổ chức không thống nhất: 43 Chi cục Kiểm lâm đang trực thuộc UBND tỉnh, 17 Chi cục lại trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 424 Hạt Kiểm lâm huyện - liên huyện và 45 Hạt Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng lại thuộc các đơn vị sự nghiệp có thu.

Thực tế thời gian qua cho thấy rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng nhất ở những khu vực giáp ranh địa giới hành chính, trong khi đó sự thiếu thống nhất như đã nêu trên khiến các địa phương khó có thể phối hợp trong bảo vệ rừng.


Theo Theo Thể thao & Văn hóa