Liệu có đánh trống bỏ dùi?
Các Website khác - 08/10/2005
Từ ngày 4-10 đến 14-10, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ CA TP Hồ Chí Minh mở đợt cao điểm xử phạt giao thông tập trung vào học sinh, chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông. Qua hai ngày ra quân, tình trạng học sinh vi phạm hẳn, nhưng dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có đánh trống bỏ dùi như những lần trước? Và tại sao không làm thường xuyên mà là “đợt”?...
Cao điểm 10 ngày

Đến hẹn lại lên, vào đầu mỗi niên học, CA TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức chấn chỉnh tình trạng vi phạm và phổ biến Luật Giao thông trong học sinh, sinh viên. Lực lượng CSGT đường bộ đã thực hiện những chiến dịch "Học sinh vào xe phân khối lớn" từ năm 2002, niên học 2005-2006 này, Phòng CSGT đường bộ sẽ tập trung xử phạt cao điểm đối với học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông từ ngày 4 đến 14-10-2005.

Sáng sớm 4-10, Lực lượng CSGT đường bộ CA TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu chiến dịch, khác với những "chiến dịch" trước là tổ chức đóng chốt ngay tại cổng trường hay vào kiểm tra trong các bãi giữ xe, đợt cao điểm này, Phòng CSGT đường bộ đã tổ chức lực lượng cơ động đóng chốt trên các tuyến đường quanh 14 trường trọng điểm; Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai, Thalman, Lê Quý Đôn, Hùng Vương, Bùi Thị Xuân, Trưng Vương, Trần Hữu Trang, Trần Khai Nguyên, Võ Thị Sáu, Thực hành Đại học Sư Phạm, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm. Để thực hiện chiến dịch này, Phòng CSGT đường bộ đã huy động tất cả lực lượng có thể. Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ về chiến dịch 10 ngày, từ ngày 4 đến 12 giờ ngày 5-10, Lực lượng CA đã xử lý 253 vụ vi phạm, tạm giữ 253 xe mô tô, không giấy phép lái xe là 238 vụ, 1 vụ không đủ tuổi điều khiển xe. Trong đó các cô cậu học sinh liên quan đến 212 vụ vi phạm, 40 trường đã có học sinh vi phạm.

Vi phạm và chờ... vi phạm!

Sau gần ba năm thực hiện “chiến dịch" tại bãi giữ xe xung quanh các trường trung học phổ thông, xe phân khối lớn như Epicuro, Spacy, Future, Wave... vẫn chiếm đa số tỷ lệ xe đạp chỉ ngang ngửa.

Ngày 5-10, tại cổng Trường Marie Curie, bắt chuyện một nhóm học sinh đang chờ xe taxi thì được một cậu học sinh cho biết: "Mấy hôm nay CA kiểm tra nên đi taxi. Hết đợt kiểm tra này lại đi xe (xe phân khối lớn). Tiền đâu mà đi taxi hoài".

Cậu học sinh này cho biết thêm, năm nay mới vào lớp 10, vì được vào Trường Marie Curie nên bố mẹ cậu phải sắm cho cậu con Spacy đi cho "oách", bạn bè trong lớp cậu cũng không thiếu đứa chạy xe phân khối lớn. Đang trong đợt cao điểm, vẫn nườm nượp những con "xế” phân khối lớn đi ra từ Trường Marie Curie vào giờ tan trường.

Theo chân ba nữ học sinh chạy chiếc Novou, chúng tôi đã "tận mục sở thị" cảnh lạng lách, đánh võng đến dựng tóc gáy của ba nữ học sinh này khi họ chọn đi những con đường không có lực lượng CSGT.

Khi gặp một học sinh đi ngược chiều, cô cầm lái hất hàm hỏi: "Có công an không?", thấy bạn lắc đầu, cô liền kéo ga tăng tốc. Tại một quán nước trên đường Lê Quý Đôn, sau lưng Trường Marie Curie, hàng chục học sinh vẫn ngồi chờ Lực lượng CA làm nhiệm vụ rút đi, bên cạnh là những chiếc xe phân khối lớn. Rất ít học sinh được phụ huynh đưa rước tại cổng trường này.

Tại cổng Trường Lê Quý Đôn, một cậu nhóc cưỡi chiếc Dream cười nắc nẻ khi nghe tôi hỏi: "Không sợ bị bắt giữ xe à?", cậu bảo: "Em rành đường lắm. CA chặn đường này em chạy đường kia. Sao bắt được". "Còn một cô bé đứng chờ xe buýt thì cho biết: "Đành "chịu cực" vài hôm. Hết chiến dịch là ổn mà”. Một phụ huynh đứng đón con phụ họa thêm: "Thường ngày tôi để con bé chạy chiếc Future đi học. Mấy hôm nay thấy cảnh sát kiểm tra dữ quá nên chịu khó đón con vài bữa, chỉ là đánh trống bỏ dùi thôi. Hết 14-10 là khỏe".

Sau đây nhằm trả lời câu hỏi: “Liệu chiến dịch này có đánh trống bỏ dùi? Cuộc trao đổi ngắn với Thượng tá Thân Minh Khuya - Phó phòng CSGT đường bộ TP Hồ Chí Minh:

- Thưa ông, những đối tượng vi phạm là học sinh và xe bi thu giữ sẽ được xử lý thế nào?

- Thượng tá Thân Minh Khuya : Đối tượng là những học sinh sử dụng xe mô tô gắn máy: người từ 16 đến 18 tuổi điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối mà không có giấy phép lái xe, người chưa đủ 16 tuổi sử dụng xe gắn máy. Những trường hợp vi phạm, chạy vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, lưu thông ngược chiều. Ngoài việc phạt tiền theo quy định, học sinh vi phạm sẽ bị tạm giữ xe.

Đối với học sinh chưa có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi điều khiển, xe bị tạm giữ 15 ngày. Những trường hợp vi phạm lạng lách, đánh võng, lưu thông ngược chiều, chở ba người trở lên, xe sẽ bị tạm giữ 20 ngày. Vì đây là những học sinh, nên khi đến xử lý phải có bản kiểm điểm của học sinh với sự xác nhận của nhà trường nơi học sinh theo học. Khi phụ huynh đi bảo lãnh phải có đơn cam kết không cho con em tái phạm và xác nhận của chính quyền địa phương nơi học sinh thường trú.

- Thưa ông, đợt này Phòng CSGT đường bộ sẽ làm quyết liệt hơn?

Thượng tá Thân Minh Khuya: Đợt cao điểm xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông này là 10 ngày. Qua hai ngày ra quân, tình hình học sinh vi phạm Luật Giao thông đã giảm đáng kể.

Sau đợt cao điểm, Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, tập trung xử lý tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông. Phòng CSGT tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông trong học sinh.

Chúng tôi đã được sự đồng tình của nhà trường và nhiều phụ huynh học sinh. Số lượng học sinh đi xe đạp, xe buýt ngày càng nhiều.

- Theo ông thì liệu có dứt điểm được tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn?

Thượng tá Thân Minh Khuya: Hiện nay số học sinh đi xe phân khối lớn, vi phạm Luật giao thông vẫn còn đông, do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức của phụ huynh, học sinh trước an toàn giao thông mà thôi.

Theo tâm lý cứ khi con em vào lớp 10, phụ huynh lại mua xe phân khối lớn cho con đi học, làm như vậy là quá nuông chiều con em mình. Khi gia đình đủ tiền mua xe phân khối lớn thì sẽ đủ tiền mua xe 50 phân khối hoặc xe đạp. Xe buýt thành phố hiện nay cũng đang phát triển. Có nhiều sự lựa chọn để con em mình đến trường, sẽ rất nguy hiểm nếu giao xe phân khối lớn cho con em mình sử dụng mà các cháu thiếu sự hiểu biết về Luật Giao thông. Nếu phối hợp tốt giữa CSGT, gia đình và nhà trường thì chúng ta sẽ hạn chế tối đa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông.

- Xin cảm ơn ông

Theo CATP Hồ Chí Minh