Làm gì để bảo vệ người lao động?
Các Website khác - 10/09/2005
Ngay sau khi nhận được thông tin có bốn thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá của Đài Loan bị bắt cóc ở Somalia, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện mọi giải pháp để sớm giải thoát, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của các thuyền viên gặp nạn.
Nỗ lực tìm mọi biện pháp để giải cứu con tin

Ngày 16-8-2005, ba tàu đánh cá Đài Loan với 47 thuyền viên đã bị nhóm phiến quân bắt giữ tại cảng Kismayu thuộc Somalia trong lúc đợi giấy phép đánh bắt cá trên vùng biển Somalia. Sau khi bắt các thuyền viên, nhóm phiến quân đưa ra mức tiền chuộc 90.000 USD/tàu. Tuy nhiên, sau đó lại đòi tăng lên 500.000 USD/tàu. Trong số các thuyền viên bị bắt cóc có bốn thuyền viên Việt Nam do hai doanh nghiệp XKLĐ của Bộ Giao thông Vận tải là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco-4) và Công ty Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) đưa đi.

Hai thuyền viên do Cienco-4 đưa đi là: Phạm Văn Hải, quê ở Nghi Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, hộ chiếu số: A0870798A; Nguyễn Văn Phương, quê ở An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, hộ chiếu số: A1588439A; 2 thuyền viên do LOD đưa đi: Phan Trọng Đoàn, quê ở Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, số hộ chiếu: A1116627A, và Trương Văn Hoa, quê ở Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An, số hộ chiếu: A1569584A. Cả bốn thuyền viên này đều xuất cảnh ngày 20-4-2005 và đang làm việc cho tàu Trung Nghĩa 218 qua môi giới của Công ty Hàng hải Xuất nhập quốc tế Cường Đăng, Đài Loan. Trong số 47 thuyền viên trên ba tàu, ngoài các thuyền viên Việt Nam, còn có 14 thuyền viên người Trung Quốc, 12 người Philippines, 14 người lndonesia và một số người Đài Loan, trong đó có ba thuyền trưởng.

Ngay khi có dấu hiệu tàu bị tấn công, các thuyền viên trên ba tàu này đã dùng điện thoại vệ tinh liên lạc cho chủ tàu Đài Loan, tuy nhiên không rõ vì sao mà từ cuối tháng 8, chủ tàu bị mất liên lạc. Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 9, các cơ quan chức năng của Đài Loan đã liên lạc với các cơ quan đại diện của họ tại Mỹ, Nam Phi, Anh và Trung tâm thông báo hải tặc quốc tế nhờ giúp đỡ. Hiện phía Đài Loan đang trao đối với nhóm bắt cóc về điều kiện phóng thích thuyền viên. Tuy nhiên, do thời điểm này tại Somalia không có chính phủ nên việc giải quyết đang gặp khó khăn. Hiện chính quyền Đài Loan đang tìm mọi biện pháp để giải quyết vụ bắt cóc trong hòa bình.

Sau khi có thông tin chính thức về các nạn nhân, ngày 7-9-2005, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn chỉ đạo Công ty LOD và Cienco-4 tìm mọi cách liên lạc với chủ tàu, nắm thông tin và phối hợp với phía Đài Loan tìm cách giải cứu con tin. Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải liên lạc thường xuyên với gia đình các nạn nhân, cung cấp đầy đủ thông tin về vụ bắt cóc và về tình hình các thủy thủ, tránh gây hoang mang. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ thị các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở châu Phi, đặc biệt là ở Tanzania, gần Somalia nhất, tìm hiểu thông tin, nắm tình hình. Theo thông tin mới nhất, tất cả các thuyền viên vẫn an toàn. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với phía Đài Loan và các bên liên quan thực hiện mọi giải pháp cần thiết để sớm giải thoát, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các thuyền viên gặp nạn.

Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, hiện đã xác minh được tên của kẻ cắm đầu nhóm phiến quân bắt cóc là De Qou, số điện thoại di động 2525158733. Hiện nay, qua đàm phán nhóm phiến quân đã giảm mức tiền chuộc từ 500.000 USD/tàu xuống 1 00.000 USD/tàu và cam kết thả toàn bộ nếu nhận được tiền. Nhóm phiến quân yêu cầu phía Đài Loan đàm phán trực tiếp chứ không thông qua Chính phủ Somalia. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết các chủ tàu đã lập tức chuẩn bị tiền chuộc.

Các doanh nghiệp làm gì để bảo vệ người lao động?

Chiều 8-9, Tổng giám đốc Công ty LOD Lê Công Bình cho biết: Sáng 8-9, đoàn công tác của công ty đã lên đường vào Nghệ An để thông báo tin tức cho thân nhân hai lao động là Phan Trọng Đoàn và Trương Văn Hoa. Cùng ngày, đoàn công tác thứ hai do Giám đốc trung tâm thuyền viên Lê Nhật Tân là trưởng đoàn tiếp tục vào gặp thân nhân người lao động. "Tôi muốn trực tiếp thông tin cho thân nhân của hai lao động những thông tin trung thực nhất để gia đình họ yên tâm" - ông Tân cho biết - "Sáng 8-9, trước khi rời Hà Nội, tôi vẫn liên lạc được với chủ tàu, đến thời điểm này tình hình chưa có thêm thông tin mới nhưng lao động đang an toàn là chắc chắn".

Theo ông Tân thì hợp đồng hai lao động Phan Trọng Đoàn và Trương Văn Hoa ký là hai năm với mức lương 180 USD/tháng. Công ty đã mua bảo hiểm cho hai lao động tại Việt Nam với mức 15 USD/tháng. Ông Tân cũng cho biết thêm Công ty Cường Đăng là một công ty tương đối lớn và có uy tín ở Đài Loan. Vì vậy, trước sự việc này ông Tân khẳng định việc giải cứu các thuyền viên nếu như có sử dụng tới tiền chuộc thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Công ty Cienco-1 có gần 1.000 thuyền viên làm việc trên tàu Hàn Quốc và biển xa Đài Loan. Sau sự việc bốn thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc ở Somalia, các doanh nghiệp cung ứng thuyền viên cho biết đây là rủi ro bất khả kháng, còn về đặc thù này thì thuyền viên biển xa công việc tương đối thuận lợi, mức lương trung bình không cao nhưng thuyền viên được thưởng nhiều nếu như làm việc có năng suất cao. Các doanh nghiệp cũng khuyến cáo rằng, đặc thù lao động thuyền viên biển xa là người lao động trên tàu được bảo vệ theo luật pháp quốc tế nên khó xảy ra những rủi ro, song vì đặc thù đi đánh bắt trên biển xa nên khi cập cảng thuyền viên không nên lên bờ khi không được phép của thuyền trưởng. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dừng việc cho phép các doanh nghiệp cung ứng lao động thuyền viên trên biển gần ở Đài Loan mà chỉ cho phép cung ứng thuyền viên cho tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó giám đốc Cienco-1 cho biết, công ty ông hiện có hơn 1.000 thuyền viên làm việc cho chủ tàu Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Mức lương cơ bản từ 170 đến 180 USD. Đặc thù nghề này là đi biển ròng rã hằng tháng trời, có khi một năm mới trở về cập cảng vì vậy phải tuyển lao động là ngư dân thực sự nếu không sẽ xảy ra rủi ro. Một số cảng trên thế giới tàu rất hay vào nhưng Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao như Chile, Nam Phi.... đặc thù thuyền viên là nghề vất vả nhất, nguy hiểm nhất và cũng nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó giám đốc Vinamotor cho biết, công ty này chỉ còn 200 thuyền viên biển xa, tất cả thuyền viên đều được mua bảo hiểm ở Việt Nam (mức cao nhất là 10.000 USD/năm). Riêng thuyền viên trên tàu Nhật Bản còn được mua bảo hiểm ở nước ngoài với mức 10 USD/tháng.

Lao động sẽ được luật pháp quốc tế bảo vệ

Vụ đắm tàu ở Hàn Quốc vào năm ngoái và mới đây nhất là việc 47 thuyền viên bị phiến quân Somali bắt giữ trong đó có bốn thuyền viên Việt Nam cho thấy loại hình lao động này gặp không ít rủi ro. Hiện chế độ cho các lao động ra nước ngoài làm việc theo đường thuyền viên này như thế nào? Ông Vũ Đình Toàn - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết:

- Hiện lao động Việt Nam đi làm thuyền viên ở nước ngoài có ở ba thị trường chính: Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Nói là thuyền viên nhưng thực chất có ba loại hình công việc khác nhau: Thứ nhất là thủy thủ làm việc trên tàu biển. Thứ hai là lao động làm việc trên tàu đánh cá gần bờ. Thứ ba là lao động làm việc trên tàu đánh cá xa bờ. Ở thị trường Đài Loan, lao động làm việc trên tàu đánh cá gần bờ nhập cảnh đến Đài Loan và làm việc tại cảng của Đài Loan. Họ được hưởng lương và mọi chế độ khác như lao động trên bờ (lao động nhà máy). Riêng lao động làm việc trên tàu đánh cá xa bờ, do phải nhập cảnh ở cảng các nước nên họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, họ được hưởng một chế độ bảo hiểm riêng đối với lao động làm việc trên biển quốc tế theo quy định của hàng hải quốc tế. Chế độ bảo hiểm này do chủ tàu mua. Ngoài chế độ bảo hiểm đặc biệc này, công việc của thuyền viên làm việc ở biển xa tương đối thuận lợi, mức lương trung bình không cao nhưng được thưởng nhiều nếu làm việc với năng suất cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh lên Cục, có nhiều trường hợp lao động được thưởng hàng nghìn USD khi gặp luồng cá lớn.

Hiện nay trong số 100 doanh nghiệp cung ứng lao động xuất khẩu thì chỉ có 20 doanh nghiệp cung ứng lao động thuyền viên tàu cá. Công ty Lod hiện đang có hơn 1.000 thuyền viên làm việc cho tàu Đài Loan và Hàn Quốc. Công ty Cienco4 cũng có gần 1.000 thuyền viên làm việc tại hai thị trường này.

Thuyền viên làm việc ở tàu biển xa bờ thực ra là gặp ít rủi ro vì họ được luật pháp quốc tế bảo vệ. Tuy nhiên, vụ bốn thuyền viên của Việt Nam bị bắt giữ ở Somali cùng 43 thuyền viên các nước làm việc trên tàu của Đài Loan là một rủi ro bất khả kháng mà bất cứ ngành nghề nào cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, qua vụ lao động bị bắt để đòi tiền chuộc này, lao động thuyền viên, đặc biệt là thuyền viên xa bờ cần phải hết sức cảnh giác để bảo vệ mình. Đặc biệt, khi tàu cập cảng, thuyền viên không nên lên bờ khi không được phép của thuyền trưởng.

* Nhà nước có chế độ đặc biệt gì không đối với loại hình lao động có nhiều rủi ro này?

- Nói là rủi ro, như tôi đã nói ở trên, bất cứ ngành nghề nào cũng có thể xảy ra. Hiện, mọi quy định, chế độ lao động đi ra nước ngoài làm việc đều như nhau. Khi có rủi ro xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ đạo trực tiếp cho từng doanh nghiệp. Việc giải quyết hậu quả của những rủi ro này thường chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận và tự nguyện từ cả hai phía. Tuy nhiên, qua những vụ việc xảy ra như vụ đắm tàu ở Hàn Quốc, vụ thuyền viên bị bắt cóc ở Somali chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để có những quy định cụ thể. Tất nhiên, đó là cả một quá trình chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai.

* Được biết chi phí trước khi đi của lao động thuyền viên xa bờ rất thấp (khoảng 6.000.000 đến 8.000.000 đồng). Tuy nhiên, theo phản ánh của gia đình của bốn lao động này thì họ đã phải mất tới 30.000.000 đồng. Phải chăng doanh nghiệp đã thu sai của người lao động? Nếu doanh nghiệp thu sai, hướng xử lý của Cục thế nào?

- Theo quy định thì các khoản tiền người lao động phải nộp như phí dịch vụ, phí quản lý, tiền vé máy bay... Ở các loại hình lao động thuyền viên hay nhà máy đều như nhau. Tuy nhiên, do tiền lương cơ bản của lao động thuyền viên thấp hơn lao động nhà máy (khoảng 200 USD) nên kéo theo tiền phí dịch vụ mà người lao động phải nộp cũng thấp hơn. Đó là lý do khiến cho chi phí của lao động thuyền viên thấp hơn lao động khác. Còn chi phí cụ thể như thế nào còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Vì vậy vấn đề này cần phải làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp thì mới có được hướng xử lý. Nếu doanh nghiệp làm sai, đương nhiên phải trả lại tiền cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề cần làm trước mắt là doanh nghiệp cần phải đến thông tin và động viên gia đình người lao động. Hiện hai công ty đưa bốn lao động nay đi là Cienco4 và Lod đều đã cử người về tận nhà người lao động để đưa những thông tin trung thực nhất cho gia đình người lao động an tâm.

* Xin cảm ơn ông!

Gia đình và Xã hội


Theo An ninh thế giới