Ba bị can này, lợi dụng chính sách thông thoáng trong lĩnh vực chuyển khẩu hàng nhập khẩu, một thời gian dài đã câu kết với nhau, buôn lậu một lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng...
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, Công ty Unimax SG bắt đầu đi vào hoạt động theo giấy phép số 346/GP-Hồ Chí Minh, do UBND TP Hồ Chí Minh cấp ngày 5-4-2002, trụ sở đặt tại khu chế xuất Tân Thuận. Chức năng của Unimax bao gồm việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản. Theo quy định, cũng như 156 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại nơi này, Unimax được hưởng quy chế doanh nghiệp chế xuất, được miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, hàng do Unimax nhập về được phép chuyển cửa khẩu từ cảng biển, sân bay, đến thẳng khu chế xuất và ngược lại. Hình thức ấy nhằm giúp giải phóng nhanh lượng hàng hóa tại cửa khẩu nhập đầu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia công đúng tiến độ, đúng hợp đồng đã ký với các đối tác.
Thế nhưng, ngày 18-11-2004, qua công tác trinh sát, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã bất ngờ kiểm tra một container hàng của Unimax tại một kho hàng ở quận 5. Trong container có 756 cuộn vải, trị giá 20.896 USD. Đây là container hàng chuyển khẩu của Công ty Unimax mà lẽ ra, nó phải được đưa thẳng từ Cảng Sài Gòn Khu vực 1 về khu chế xuất Tân Thuận để hoàn tất thủ tục hải quan rồi đưa vào sản xuất. Vài ngày sau đó, Đội Kiểm soát Hải quan tiến hành kiểm tra một container khác, cũng của Unimax, trị giá 36.826 USD. Lần này, Unimax nhập hàng sai số lượng, chất lượng, không đúng nội dung giấy phép đầu tư.
Tiếp tục điều tra, xác minh, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Công ty Unimax là Nguyễn Anh Tú, lợi dụng chính sách chuyển cửa khẩu và mặt hàng may mặc nằm trong diện miễn kiểm tra, nên Tú đã móc nối với Thạch Lê Chân, là tư nhân kinh doanh vải vóc ở quận 5, TP Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Hùng (thường gọi là Hùng "ba gác"), nguyên nhân viên Hải quan khu chế xuất Tân Thuận để buôn lậu.
Quy trình buôn lậu được Tú tiến hành bằng cách sử dụng pháp nhân của Công ty Unimax, ký hợp đồng mua vải của nước ngoài. Khi hàng đến cảng Sài Gòn, Tú mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận, rồi làm thủ tục chuyển khẩu từ cảng Sài Gòn về khu chế xuất. Nhưng, thay vì đưa hàng về hoàn tất thủ tục tại Chi cục Hải quan khu chế xuất, thì Nguyễn Anh Tú lại đưa thẳng xuống quận 5, giao cho Thạch Lê Chân. Cứ mỗi container hàng đến tay Thạch Lê Chân, Chân trả cho Tú 50 triệu đồng, còn việc thanh toán tiền cho phía bên bán và tiêu thụ số vải ấy như thế nào thì Thạch Lê Chân lo hết. Đến ngày bị bắt, Nguyễn Anh Tú, Thạch Lê Chân đã nhập lậu trót lọt 103 container, trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng. Riêng Nguyễn Anh Tú, được Thạch Lê Chân cho hơn 5 tỷ đồng.
Nội vụ đã được Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chuyển sang Cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ và sau đó, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam ba bị can. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý ở đây là vì sao, và bằng cách nào mà tất cả các tờ khai hàng nhập khẩu và chuyển cửa khẩu của 103 container, mặc dù đã được Thạch Lê Chân đưa ra thị trường tiêu thụ nhưng vẫn được cán bộ giám sát hải quan cổng khu chế xuất, xác nhận là hàng, đã... thực nhập vào khu chế xuất. Phải chăng cán bộ hải quan giám sát cổng khu chế xuất đã ký khống, hoặc Nguyễn Anh Tú đưa hàng về thật, cán bộ hải quan giám sát ký xác nhận thật, rồi bằng cách nào đó, Tú tuồn hàng ra ngoài?
|