Từ chuyện người hiến nửa lá gan...
Các Website khác - 10/09/2005
Một ca ghép tạng.
Ngày 6-9 vừa qua, khi dự thảo lần thứ 10 "Pháp lệnh hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người" được tổ chức lấy ý kiến lần cuối cùng trước khi trình Quốc hội; nhiều người đã sững sờ, kinh ngạc khi biết đến những lá thư của một người muốn hiến một nửa lá gan của mình cho các em nhỏ đang cần ghép gan. Đó là một nhà sư, còn rất trẻ...

Nếu nguyện vọng của nhà sư được đáp ứng và Pháp lệnh được thông qua sẽ mở cho ngành ghép tạng Việt Nam cơ hội lớn để phát triển.

Rưng rưng trước lá thư “cứu độ”

Việt Nam hiện có khoảng 6.000 người cần ghép thận. Trong khi đó chỉ tính riêng Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội mỗi ngày có khoảng 20-30 trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, trong đó có khoảng trên dưới 10 người là “chết não”.

Những lá thư này liên tiếp được gửi tới PGS - TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Rồi nhà sư đó xuất hiện trước mặt ông, còn rất trẻ, có phong thái đĩnh đạc, và cái nhìn diệu vợi. Nhà sư liên tục nhắc: "bao giờ tôi được lên bàn mổ?" đồng thời hỏi một câu khiến người đối diện sững sờ: trong người tôi có thể hiến thêm những bộ phận nào nữa?

Lá thư có những chỗ viết đi viết lại, tẩy xóa, có những chỗ thể hiện sự băn khoăn, lo ngại về cái chết có thể xảy đến, có những chỗ bất chợt mở ngoặc thêm vào như vừa chợt nghĩ ra. Đọc thư, tôi có cảm giác nhà sư vừa suy nghĩ vừa viết rất lâu, nhưng vượt lên tất cả là khát vọng lớn lao, cao cả không hề toan tính, không gì thay đổi được.

“Về phía gia đình cháu ghép gan tôi không đòi hỏi gì, nếu khi họ nhờ GS đưa tiền cho tôi và họ giấu và dặn là tiền của chính sách hay bệnh viện giúp thầy thì tôi không đồng ý, dù là bao nhiêu. Bởi nếu tôi nhận tiền của gia đình họ thì tôi tự đánh mất đi tinh thần nhân đạo và chân lý. (Tuy nhiên), sau khi mổ xong, tôi được về nhà trong khoảng thời gian nào? Các vết thương và gan có trục trặc và biến chứng gì thì tôi tới bệnh viện khám và cấp thuốc có được miễn phí không? Vì tôi cũng là một con người như bao người khác...

Khi mổ xảy ra những việc không may tôi chết đi thì Ban giám đốc Bệnh viện làm giúp tôi những việc sau: Tôi xin hiến tất cả những gì như tim, thận, mắt cho các cháu nhỏ đang cần đến, còn thân thể tôi xin hiến cho ĐH Y Hà Nội để ngành y nghiên cứu. Khi cơ thể tôi vô tác dụng thì bệnh viện hoặc ĐH Y hãy đem thiêu và chở về quê xây tháp chôn cho tôi (vì tôi kh ông muốn gia đình lại phải lo nỗi lo này).

Đã có thêm những người "tình nguyện" hiến tạng!

Chúng tôi đã gặp PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm, để hỏi kỹ thêm về trường hợp nhà sư, ông cho biết:

- Tiếp xúc với nhà sư đó 2-3 lần, tôi thấy về mặt con người, ông ấy là người hoàn toàn bình thường, có chăng chỉ khác người bình thường ở chỗ có triết lý sống cao cả. Chúng tôi đã làm các xét nghiệm cho ông ấy, và khẳng định rằng ông ấy đủ điều kiện để hiến tạng...

* Vậy thì bao giờ trường hợp hiến tạng đầu tiên này được lấy?

- Đáng lẽ đã có thể lấy gan của ông ấy ngay trong ca ghép gan đầu tiên của chúng tôi (thực hiện vào tháng 7 vừa qua). Lúc ấy ông ấy đã rất sẵn sàng rồi, nhưng chúng tôi muốn “để dành" vì trường hợp đó, bố của em bé có thể cho gan được. Sau đó, chúng tôi đã chuẩn bị ghép trường hợp thứ 2, lần này sẽ lấy gan của ông ấy, nhưng rất tiếc là sắp đến ngày ghép thì phải hoãn, vì sức khỏe của em bé không được tốt, gia đình xin cho về. Tuy nhiên, tới đây còn nhiều ca ghép gan nữa...

- Trong một lá thư, nhà sư hẹn tháng 6-2006 sẽ ra Hà Nội để “hiến tạng”. Liệu bao giờ nguyện vọng của nhà sư được đáp ứng?

- Khả năng cho gan là rất lớn, vì khác với thận, phải có những điều kiện (tương thích) phức tạp, đối với gan, chỉ cần cùng nhóm máu là đã có thể cho được.

* Đọc lá thư của nhà sư, tôi thấy rằng, băn khoăn lớn nhất là không biết sau khi cho gan có phải "dùng thuốc suốt đời" không?

- Cho gan, thận cũng như tiến hành các phẫu thuật khác, xong là xong, người cho không phải dùng thuốc và vẫn lao động bình thường như trước.

* Theo ông, có nên vận động người dân hiến tạng?

Chúng tôi cũng đã nhận được những cú điện thoại “cho gan, cho thận". Có khi là những lời gạ gẫm bán gan, thận khiến BV rất lúng túng. Song cũng có những người đặt vấn đề cho tạng không lấy tiền của bệnh nhân, nhưng có yêu cầu bệnh viện hoặc nhà nước phải “bồi dưỡng". Cũng có trường hợp nói tình nguyện hiến chung chung, không biết có điều kiện gì không. Vừa rồi, có một anh ở Bắc Giang đã 2 lần điện thoại cho tôi, nói rằng muốn hiến tạng, anh còn nhấn mạnh rằng không chỉ mình anh mà có "một số người ở Bắc Giang” cũng có nguyện vọng này. Tôi có hẹn anh hôm nào gặp bàn trực tiếp...

Có thể nói, trường hợp tình nguyện như nhà sư trên là rất đặc biệt, người bình thường mà hiến tạng là rất hiếm, vận động cách nào đây? Hơn nữa, nếu lấy tạng của họ, chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn. Do đó, nếu được lấy tạng của người "chết não" thì đây sẽ là nguồn tạng chủ yếu để ghép cho các bệnh nhân.

* Xin cảm ơn ông

GS-TSKH Lê Thế Trung

"Quan trọng là được lấy tạng từ người chết não”

Với cương vị của người từng lăn lộn với sự nghiệp ghép tạng hơn chục năm qua, nguyên là Chủ tịch Hội đồng ghép tạng quốc gia, GS – TSKH Lê Thế Trung đang viết về một chiến lược tổng thể về phép mô, tạng ở Việt Nam từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Dưới đây là ý kiến trao đổi của ông.

* Từ việc một nhà sư viết thư tình nguyện hiến tạng vừa qua, liệu có thể phát động một phong trào hiến tạng trong nhân dân không, thưa GS?

- Lấy tạng từ người sống có một ưu điểm là kéo dài hơn thời gian “sống” của tạng được thép trong cơ thể người bệnh so với tạng lấy từ người chết não. Bởi vậy, có nhiều người tình nguyện cho tạng là rất tốt. Nhưng không phải ai cho tạng cũng đều được, mà phải tìm nguồn tạng từ người chết não “chết não” - hiểu đơn giản là não bị tổn thương nặng dẫn tới tử vong nhưng nội tạng vẫn còn hoạt động trong một khoảng thời gian nào đó.

* Vì sao ghép tạng của người chết não lại không cần chọn lựa kỹ như lấy của người sống?

- Lấy tạng của người chết não cho phép chỉ tiêu rộng hơn. Nếu bị thải ghép (sau khoảng 7-8 năm), lại tiến hành ghép tiếp. Trên thế giới có người ta phải ghép tạng đến lần thứ 3. Khi có ngân hàng mô, người bệnh có thể được tiến hành ghép tạng ngay mà không phải chờ đợi, chi phí cũng giảm đi rất nhiều.

* Nếu Pháp lệnh về hiến tạng được thông qua, trong đó cho phép lấy tạng từ người chết não thì Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong lĩnh vực ghép tạng trong một vài năm nữa không?

- Về mặt chuyên môn chúng ta có thể ghép thận tốt. Ghép gan làm phẫu thuật cực kỳ phức tạp, phức tạp hơn là ghép tim chúng ta cũng đã làm thành công. Nên tôi nghĩ, việc ghép tim sẽ có thể làm được nếu luật cho phép lấy tạng của người chết não. Bởi tim ghép không thể lấy của người đang sống được.

Riêng về ghép thận, hiện nay cả nước đã có 5 bệnh viện ghép được thận. Trong khi đó, vì không có “ngân hàng tạng” nên thời gian qua có khoảng 300 bệnh nhân sang Trung Quốc ghép thận, chấp nhận chi phí tốn kém hơn rất nhiều, khoảng 35.000 USD/ca, trong khi ở Việt Nam chỉ bằng 1/10.

* Các bước tiến hành tiếp theo sẽ thế nào, sau khi có luật?

- Tôi thấy ở Cuba, khi các công dân đến tuổi làm chứng minh nhân dân, họ đều phải ghi vào một danh mục in ngay trên thẻ chứng minh: Có hay không đồng ý hiến tạng, nếu không may qua đời. Và khi có một bệnh nhân không may bị chết não, người ta căn cứ vào chứng minh nhân dân để tiến hành hay không tiến hành việc lấy tạng. Tôi cho rằng chúng ta làm được như vậy là rất tốt.

* Xin cảm ơn giáo sư!


Theo Thể thao và văn hóa