Loại tội phạm mới nguy hiểm
Các Website khác - 31/08/2005
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp nhưng có đến 3.000 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích cùng với các khoản nợ thuế khổng lồ. Truy tìm doanh nghiệp bỏ trốn đã khó nhưng đòi được nợ của những "con ma" này lại còn khó hơn.
Chức danh giám đốc giá một triệu đồng

Nguyễn Văn Lâm (sinh 1963 tại Bắc Ninh, trú 63/2 ấp Tiền Lân, Bà Điểm, Hóc Môn) là nhân viên Công ty cổ phần Kinh Bắc (184/1 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3) do Ngô Nhật Phương sáng lập. Ngày 1-7-2005, Cảnh sát điều tra đã bắt khẩn cấp Lâm về tội lừa đảo thông qua chiêu lập doanh nghiệp ma! Tại Công ty Kinh Bắc, Lâm được Phương chỉ đạo thuê Lê Thị Bé Ly (Định Quán, Đồng Nai) đứng tên thành lập doanh nghiệp và làm giám đốc Công ty TNHH Ngự Bình. Trả công cho việc làm này, Ly nhận 1,5 triệu đồng/tháng và giao chứng minh nhân dân và hộ khẩu của mình cho Phương và Công ty TNHH Ngự Bình đã ra đời tại 332/57D đường 26/3, P.5, Q. Gò Vấp ngay sau đó không lâu. Theo điều tra của cảnh sát, trong khoảng thời gian một năm, từ công ty Ngự Bình, Ngô Nhật Phương "sản xuất" một loạt hơn 50 công ty TNHH, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước hàng chục tỷ đồng, trong đó việc thuê giám đốc chỉ mất khoảng một triệu đồng/người.

Tháng 9-2004, Công ty TNHH May mặc thương mại Gia Châu số B10/62 Khu phố 2, Bà Hom, Bình Trị Đông, Bình Chánh, đăng ký hợp đồng gia công nhập khẩu ba lô hàng nguyên phụ liệu may mặc gồm 155.741 yard vải các loại và 23.032 chiếc dây kéo, nhưng đến tháng 7-2005, công ty này vẫn chưa xuất khẩu được sản phẩm nào. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xác minh và phát hiện, Công ty Gia Châu có dấu hiệu bỏ trốn, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước.

Công ty Gia Châu ra đời vào tháng 7-2004, do ông Trần Hoàng Hải, ngụ tại P.5, Q. Tân Bình làm giám đốc. Ông Hải khai, tháng 9-2004, một người quen giới thiệu gặp một người tên là Hậu. Sau khi gặp, Hải được thuê đứng tên để mở doanh nghiệp và làm giám đốc Công ty Gia Châu, mức thù lao của Hải là 1 triệu đồng. Hải khai đã ký tên vào hợp đồng gia công nhưng lúc ký tên chỉ là giấy trắng chưa có nội dung, không ký tên vào ba bộ tờ khai hàng nhập khẩu. Hải còn thừa nhận đã ký khống vào một xếp giấy trắng do ông Hậu đưa, toàn bộ giấy đã ký Hậu đều giữ.

Theo Hải quan, Hải là người thất nghiệp, nhà nghèo, cha mẹ lại già yếu, có người thuê làm giám đốc mà chẳng làm gì cả thì không bỏ lỡ dịp may này. Công ty do mình làm chủ ở đâu, hàng nhập khẩu loại gì... Hải không hề biết nhưng một sự thật mà ông đang đối mặt là tên ông ghi rõ trên ba tờ khai hải quan có giá trị 78.687,75 USD, tổng số thuế chưa nộp lên đến 59,6 tỷ đồng. Khi công an đến nhà và thông báo cho ông về việc trên, Hải điếng người và biết mình bị lừa.

Không chỉ có Gia Châu, Hậu (tên thật là Lê Minh Hậu, đối tượng có liên quan đến một số doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn) còn thành lập một số doanh nghiệp ma nữa để nhập hàng, sau khi bán hết hàng thì hô biến mang theo những khoản nợ thuế nhập khẩu khổng lồ. Đơn cử, ngày 27-7-2005, hải quan phát hiện ông Phú Hoàng Khanh (ngụ tại 336C/33 B Cách Mạng Tháng Tám, quận 3), chủ doanh nghiệp DNTN may xuất khẩu Hà Đang (108/16/10 Trần Mai Ninh, P.12, Q.Tân Bình) nhập khẩu 41.359 yards vải và 10,5 kg nút, trị giá lô hàng là 389,4 triệu đồng, thuế phải đóng nhưng chưa nộp là 210,2 triệu đồng. Ông Khanh là người thất nghiệp, hoàn cảnh khó khăn, vào khoảng tháng 7-2004, qua môi giới Khanh được Hậu thuê đứng tên lập doanh nghiệp và làm giám đốc và được trả công 1 triệu đồng. Dù phải "gánh" trên vai khoản nợ thuế cực lớn mang tên mình nhưng đen đủi hơn là số tiền một triệu đồng được thuê làm giám đốc đã bị bốc hơi do kẻ thuê xù.

Bất trị doanh nghiệp ma?

Theo Phòng Thanh tra Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 30.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng hiện có trên 3.000 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã bỏ trốn, mất tích. Số doanh nghiệp này hầu hết có vi phạm về chế độ hóa đơn chứng từ hoặc chiếm đoạt tiền thuế.

Tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tính đến giữa tháng 8-2005, đã có hơn 400 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh với số thuế hơn 177 tỷ đồng; 1.000 doanh nghiệp chây ì thuế 321 tỷ đồng. Tổng số nợ của các doanh nghiệp đang lưu trong sổ sách của Hải quan thành phố xấp xỉ 500 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng số thuế đã thu hằng năm (năm 2004, tổng số thuế Hải quan thành phố thu được 19.200 tỷ), tuy nhiên đây là những khoản nợ thuế khó đòi, thậm chí có nguy cơ bị mất vì nhiều doanh nghiệp đang nợ thuế đã biệt tăm.

Ông Lê Tuấn Bình - Phó Chi Cục Hải quan Cảng sài Gòn khu vực 3 cho biết, đối tượng doanh nghiệp bỏ trốn thường dùng thủ đoạn tập kết hàng tại cảng với số lượng lớn, sau đó thuê người hoặc lừa người khác đứng tên thành lập doanh nghiệp, tiến hành làm thủ tục nhập khẩu hàng trong thời gian 30 ngày rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Theo ông Bình, một số sơ hở của luật pháp mà doanh nghiệp ma có thể lợi dụng, đó là tình trạng doanh nghiệp ở các tỉnh khác đã phá sản hoặc giải thể, Cục Hải Quan TP Hồ Chí Minh không biết vẫn cho đăng ký tờ khai nhập khẩu bình thường, do vậy không có cơ sở nào để biết doanh nghiệp này còn hoạt động hay đã bỏ trốn, chỉ cần có con dấu là doanh nghiệp được đăng ký làm thủ tục.

Ghi nhận về những doanh nghiệp mất tích ngày càng phổ biến như hiện nay, Tổng Cục Cảnh sát xác định: lập doanh nghiệp và bỏ trốn cùng với số tiền thuế rất lớn là loại tội phạm mới, hành vi vi phạm tinh vi và không ngừng biến tướng để đối phó với các cơ quan kiểm soát. Thủ đoạn của các đối tượng này là dùng giấy tờ giả, mua hộ khẩu, nhặt được chứng minh nhân dân của người khác để lập công ty ma; dùng giấy tờ thật từ dịch vụ việc làm sau đó dùng hồ sơ này lập công ty; lợi dụng chính sách ân hạn thuế để nhập ồ ạt hàng sau khi bán hết hàng thì bỏ trốn; lập công ty sau đó bán lại pháp nhân doanh nghiệp với giá 30-50 triệu đồng. Hàng hóa mà các doanh nghiệp ma nhắm tới là những mặt hàng có thuế suất cao như phân bón, xăm lốp ô tô, xi măng, giấy in. Sau khi nhập khẩu hàng về cảng, chúng thuê dịch vụ khai báo hải quan, sử dụng cả những người không nghề nghiệp, thậm chí cả người khiếm thính, kẻ có tiền sự bất hảo để đi giao nhận hàng.

Để truy tìm những doanh nghiệp đã bỏ trốn, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã bàn giao cho C15 (Tổng Cục Cảnh sát) 62 hồ sơ doanh nghiệp biến mất với số nợ thuế 99 tỷ đồng từ đầu năm 2004 đến tháng 6-2005. Sau khi tiếp nhận số doanh nghiệp này, đã có 16 doanh nghiệp tự nguyện đến nộp hơn 10 tỷ đồng. Tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, sau khi nhờ công an dùng biện pháp mạnh như kê biên tài sản, khởi tố hình sự... đối với các DN bỏ trốn, nhiều doanh nghiệp "quên" đóng thuế lâu nay đã xuất đầu lộ diện bằng việc tự nguyện đi nộp thuế. Đây được xem là liều thuốc mạnh để trị các doanh nghiệp ma nhưng tiếc thay nó lại chưa được "kê đơn" rộng rãi đối những kẻ đang giấu mình trốn thuế.

Theo Pháp luật Việt Nam