Thời gian vừa qua có tin nói về việc xuất hiện tiền polymer giả, vậy thực sự ở ta đã xuất hiện tiền polymer giả chưa? Hay nói cách khác đã xuất hiện tiền giả bằng chất liệu polymer chưa?
Trên thực tế, qua theo dõi từ khi phát hành đến nay, có thể khẳng định đến thời gian này chưa thấy xuất hiện hoặc phát hiện được tiền polymer giả cũng như chưa thấy xuất hiện tiền giả được chế tạo (in) trên chất liệu polymer mà chỉ mới có các loại tiền giả nhái các mẫu tiền polymer của các mệnh giá 50.000 và 100.000 VNĐ mà thôi. Những loại tiền giả nhái các mẫu tiền polymer phát hiện vừa qua là các mẫu tiền giả được in trên các loại giấy thương mại thông thường sau đó gia cố thêm một số chi tiết cho giống với tiền polymer để lừa người tiêu dùng, chứ không phải được in trên nền chất liệu polymer. Chúng không phải tiền polymer giả.
Kỹ thuật, công nghệ chế tạo tiền polymer rất phức tạp, kinh phí cao, do đó kẻ làm giả khó có khả năng có được kỹ thuật công nghệ đó cũng như không muốn bỏ ra một chi phí quá lớn mang lại ít hiệu quả cho chúng.
Tiền polymer được in trên một bản nhựa đặc biệt, có độ dàn đều đồng nhất tạo ra đặc tính trong suốt, có độ dai và độ dày bằng nhau, trên bề mặt bản nhựa đặc biệt này, các họa tiết của tờ tiền sẽ được thể hiện thông qua các phương pháp in khác nhau với các loại mực khác nhau. Nhà sản xuất đã tạo thêm một số đặc điểm bảo hiểm để bảo vệ cho loại nhựa đặc biệt này cũng như để bảo vệ cho tờ tiền polymer, đó là cụm chi tiết mệnh giá nổi ở ô cửa sổ lớn có nền polymer trong suốt phía phải mặt trước tờ tiền polymer, phần nền trong suốt của các ô cửa sổ ở tiền polymer thật chính là phần để trống, không in các họa tiết bằng các loại mực lên trên, chúng cũng được thể hiện trên cùng một tấm nhựa đặc biệt. Trong khi ở tiền giả nhái tiền polymer thì phần cửa sổ này lại là phần giấy được khoét thủng, sau đó dùng màng nylon trong suốt dán đè lên phần giấy kế bên. Vì vậy, bằng tay hoặc quan sát kỹ sẽ nhận ra vết dán quanh mép hình cửa sổ. Đây là đặc điểm dễ nhận biết nhất của loại tiền giả nhái tiền polymer.
Cùng được thể hiện trên nền polymer trong suốt là cụm họa tiết hoa văn trang trí ở trong ô cửa sổ nhỏ phía trên mặt trước tờ tiền polymer. Ở tiền polymer thật, họa tiết này sẽ xuất hiện nếu quan sát trước nguồn sáng đỏ (đó là những hình trang trí ngũ sắc chữ Việt Nam và hình bông hoa thị). Còn ở tiền giả nhái tiền polymer sẽ không thấy hiện những cụm hoa văn trang trí này, khi quan sát cùng một cách thức.
Trong trường hợp quan sát tiền polymer thật và tiền giả nhái tiền polymer dưới ánh sáng đèn cực tím thì ta thấy sự khác biệt về chất "giấy" rất rõ ràng. Trong khi tiền polymer thật không có biểu hiện gì, thì ở tiền giả nhái tiền polymer, do chất giấy là giấy giả nên phát sáng trắng dưới luồng sáng cực tím.
Riêng về mực để in tờ tiền polymer, nếu giám định và quan sát kỹ ta cũng có thể phân biệt được. Để in các loại tiền polymer, cũng giống như in tiền cotton (giấy) người ta sử dụng rất nhiều loại mực khác nhau, như mực từ tính (là loại mực trong pha chế có trộn thêm một lượng bột từ, bột sắt... để tạo cho mực có tính chất từ tính nhằm có thể dễ dàng nhận biết mực thật - mực giả khi sử dụng các thiết bị kiểm tra theo nguyên lý từ tính như bút thử tử tính, máy kiểm tra tiền...); mực phát quang không mầu và có mầu thể hiện trên bề mặt tờ giấy bạc (là loại mực khi pha chế được thêm một số hóa chất có tính chất phát sáng dưới luồng sáng của đèn cực tím). Các họa tiết được in bằng loại mực này là đường kẻ hoa văn trang trí ở mặt sau, là mệnh giá bằng sổ, là series số hiệu tờ bạc... Dưới tia cực tím, series nằm dọc mầu đỏ sẽ biến sang mầu vàng và series nằm ngang mầu xanh ô liu sẽ chuyển thành mầu xanh nước biển, hay các khung hình trang trí nhiều mầu sẽ phát quang các mầu sắc khác nhau (đây là dạng mực phát quang có mầu trên bề mặt tờ tiền). Hoặc ở giữa tờ bạc sẽ hiện lên một khung chữ nhật có mầu xanh lá cây tươi, ở trong có con số mệnh giá 500.000, 100.000 hoặc 50.000 mầu đen (đây là dạng mực phát quang không mầu trên bề mặt tờ tiền). Còn ở tiền giả, các chi tiết này không xuất hiện dưới tia UV; mực biến đổi mầu, trên bề mặt các loại tiền polymer của ta có các hình trang trí cách điệu mầu nhũ, những mầu này sẽ biến đổi thành màu ô liu khi quan sát các góc độ khác nhau. Tiền giả nhái tiền polymer không có đặc tính này.
Ngoài ra, nhà sản xuất còn sử dụng nhiều loại mực đặc biệt khác, nhiều cách bảo hiểm khác để bảo vệ cho đồng tiền polymer của mình ở nhiều cấp độ khác nhau như ký hiệu bóng chìm, cụm họa tiết hình ẩn (chỉ hiện lên khi chao nghiêng tờ bạc), cụm hoa văn khớp khít định vị (các họa tiết có mầu và không mầu ở hai mặt trước và sau tờ bạc sẽ khớp lại thành một hình ảnh hoàn chỉnh cả về đường nét lẫn mầu sắc, khi quan sát tờ bạc ngược nguồn sáng), cụm hoa văn chống photocopy màu, những dòng chữ siêu nhỏ không thể copy...
Có thể nói những đồng tiền polymer Việt Nam có cấu tạo và khả năng chống giả rất cao.
Ngày nay, một số nước đã và đang chế tạo "tiền polymer" bằng nhựa tổng hợp thay thế cho tiền cotton (giấy) do đặc tính ưu việt về khả năng chống giả của loại tiền này, trong đó có Việt Nam.
|
|