Nhiều cơ hội trở thành... người thành phố?
Các Website khác - 30/08/2005
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 108 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51 về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Theo tinh thần của Nghị định mới này, điều kiện nhập hộ khẩu (HK) vào thành phố cũng như những đối tượng được nhập HK đã được nới lỏng so với trước. Thế nhưng, chung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau...
Ai sẽ trở thành người thành phố?

Có thể nói, Nghị định 108 vừa ban hành trước hết đã quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho dân trong đăng ký làm HK - vốn đang có rất nhiêu điều tiếng như hiện nay. Đặc biệt, Nghị định này đã mở rộng những đối tượng được đăng ký HK vào thành phố, thị xã như: người lao động chỉ cần có hợp đồng dài hạn là đủ điều kiện để đăng ký HK thường trú thay vì phải ở trong biên chế như Nghị định 51.

Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung các đối tượng khác vào diện xem xét nhập HK, chẳng hạn: còn trên 18 tuổi chưa kết hôn về ở với bố mẹ; con dâu con rể về với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ cho phù hợp với đạo lý của người Việt Nam; người có nhà thuộc sở hữu, có việc làm, có thu nhập hợp pháp, bảo đảm được cho cuộc sống và không bị cấm cư trú tại thành phố cũng được đăng ký HK vào thành phố: thị xã.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp (Bộ Tư pháp) đánh giá: Nghị định 108 đã có một số đổi mới, thông thoáng hơn trước và điều này sẽ tạo điều kiện cho những cư dân vốn không phải là người thành phố, thị xã nhưng đang làm việc, sinh sống tại khu vực đó có cơ hội trở thành người thành phố.

Còn Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ - Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng khẳng định, ý nghĩa lớn nhất của Nghị định 108 là mở rộng việc đăng ký HK cho nhân dân và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính. Diện được đăng ký HK theo Nghị định được mở rộng hơn, nhưng không vì thế mà làm tăng đột biến dân số cơ học ở các đô thị lớn trực thuộc trung ương...

Công khai các thủ tục đăng ký HK

Bây giờ đã thời kinh tế thị trường rồi thì không thể lấy HK để cản trở người dân thực hiện những quyền được Hiến pháp quy định như: tự do đi lại, tự do cư trú, làm việc, và nhất là quyền có nhà ở.

(Ông Nguyễn Đình Lộc -
cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Mặc dù đánh giá cao việc nới lỏng các điều kiện nhập HK, nhưng nhiều chuyên gia quan tâm đến vấn đề này vẫn còn tỏ ra hết sức lo ngại. ông Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng: Nghị định 108 về cơ bản không có gì mới, các điều kiện đăng ký, nhập HK vẫn giống như trước đây chẳng qua là được cụ thể hơn. Vì thế, chưa chắc nó đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Lấy lý do những quy định trong Nghị định 108 vẫn được xây dựng theo lối tư duy cũ, ông Trần Thất nói rằng: Lẽ ra việc quản lý HK phải theo con người, phải tôn trọng quyền tự do đi lại tự do lưu trú của công dân như Hiến pháp đã quy định. Thế nhưng, việc quản lý con người hiện nay vẫn theo những quy định áp đặt, nhằm phục vụ cho cách thức quản lý của các cơ quan nhà nước hơn là vì lợi ích của công dân. Trên thế giới làm gì có chuyện quản lý: công dân vốn cư trú ở đâu thì bắt buộc phải cư trú ở đó. "Tôi e rằng, nếu không làm rõ được những vấn đề đó, khi xuống đến địa phương, các quy định dù mới nhưng rồi sẽ lại bị cắt xén, lại làm khổ người dân"- ông Trần Thất thẳng thắn.

Giải thích về vấn đề này, một lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an khẳng định: Sau khi Nghị định 108 được ban hành, những vấn đề thuộc về ngành công an, thì công an sẽ ra các thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm công khai các điều kiện, trong đó quy định cụ thể thủ tục khi đăng ký HK đối với từng đối tượng, giảm các loại giấy tờ không cần thiết; quy định rõ trách nhiệm của cán bộ khi làm thủ tục đăng ký HK để tránh phiền hà cho nhân dân. Mặt khác, ngành công an cũng sẽ rà soát đội ngũ cán bộ tiếp dân, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong làm việc tuyển chọn đào tạo; bồi dưỡng cán bộ quản lý làm công tác đăng ký, (quản lý HK đáp ứng được yêu cầu công tác.

Tem phiếu đã chết, sao HK vẫn còn?

Dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nếu so với trước đây có thể nói việc làm HK, đăng ký HK theo Nghị định 108 đã có một bước cải tiến đáng kể. Thế nhưng, việc mãi tồn tại một hình thức quản lý kiểu cũ như hiện nay (bằng HK) liệu có phù hợp với xu thế phát triển hay không? HK cùng với tem phiếu là hai đứa con song sinh của thời kỳ bao cấp. Sự xuất hiện của chúng kéo theo sự xuất hiện của cảnh ngăn sông cấm chợ, là những hàng người rồng rắn chờ mua từng ký gạo, thước vải, lạng thịt. Đến nay, tem phiếu đã hoàn thành xong sứ mệnh bao cấp và bị loại trừ từ ngày đất nước đổi mới, nhưng HK thì vẫn còn.

"Tôi cho rằng chúng ta đã kéo dài hơi lâu ý nghĩa của HK, vì trong thời kỳ bao cấp mọi thứ gắn với tem phiếu, mà muốn có tem phiếu là phải có HK. Nhưng bây giờ ở thời kinh tế thị trường rồi thì không thể lấy HK để cản trở người dân thực hiện những quyền được Hiến pháp quy định như: tự do đi lại, tự do cư trú, làm việc, và nhất là quyền có nhà ở"- ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Thất thẳng thắn đề nghị việc cần thiết phải bỏ HK vì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo ông, phải để HK đi theo con người, người đi theo HK, trừ những trường hợp là tội phạm bị cơ quan công an, tòa án, kiểm sát cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc quản lý HK như hiện nay là vẫn theo cách làm thủ công. Với dân số trên 80 triệu người như hiện này, cần nghiên cứu cách quản lý khác, mà cách làm đúng nhất là tin học hóa. Với các nước trên thế giới, họ chỉ cần quản lý công dân của mình bằng một thẻ điện tử chỉ bằng hai ngón tay, trên đó ghi đầy đủ mọi thông lin về cá nhân đó. Công dân muốn đi đâu, ở đâu... đều được kiểm soát hết. Đây là cách quản lý đơn giản nhưng rất hiệu quả. Vấn đề là Nhà nước ta có mạnh dạn đầu tư để làm ngay từ bây giờ không?

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Hà Nội hiện có 31.608 người không có hộ khẩu thường trú, nhưng đã mua, nhận chuyển nhượng nhà đất trên địa bàn thành phố. Trong đó, người mua nhà cư trú ổn định để làm ăn sinh sống là 26.729 hộ. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 1 triệu người đang có nhu cầu nhập hộ khẩu.


Theo Nông thôn ngày nay