Tinh thần cầu thị nghiêm túc
Hôm ấy, hội trường UBND phường Ðiên Biên, thành phố Thanh Hóa hầu như không còn chỗ trống. Gần 100 đại biểu, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và 17 khu phố trong phường dự hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng lực lượng công an do Mặt trận Tổ quốc phường chủ trì. Thẳng thắn và chân thành, 15 ý kiến phát biểu không chỉ ghi nhận những đóng góp mà còn chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của công an phường. Thái độ, tác phong làm việc của một vài cán bộ, chiến sĩ chưa tốt, chậm giải quyết vụ việc khi dân yêu cầu, lúng túng khi xử lý vụ việc phức tạp. Ðơn cử như việc một hộ dân lấn đất trụ sở UBND phường, do công an thiếu linh hoạt để đối tượng chống đối quyết liệt làm ảnh hưởng trật tự công cộng trên địa bàn. Kho hóa chất ở khu phố Cửa Hậu, dân kiến nghị chuyển đi nơi khác từ lâu vì không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng công an chưa làm hết trách nhiệm và gần đây đã xảy ra hỏa hoạn.
Mới được điều về làm Trưởng Công an phường, Thiếu tá Lưu Huy Bình cảm động trước những ý kiến chân tình của người dân. Anh tâm sự, cấp ủy, chỉ huy không phải lúc nào cũng quản lý, nắm chắc cán bộ, chiến sĩ của mình. Tổ chức diễn đàn như thế là cách huy động nhân dân tham gia quản lý, xây dựng công an phường vững mạnh. Từ đó mà đơn vị thấy rõ hơn yếu kém, khuyết điểm để tìm hướng khắc phục. Chi bộ đã bàn biện pháp đổi mới công tác với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Ðang mùa tuyển sinh, công an phường quyết định trực 24/24 giờ cấp giấy tờ cần thiết cho các cháu học sinh đi thi đại học, cao đẳng hoặc nhập trường, đáp ứng nhu cầu của gia đình học sinh.
Trong ba cuộc vận động mà Nghị quyết của Ðảng ủy Công an tỉnh tập trung chỉ đạo, thì diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân" được dư luận đồng tình và đánh giá cao nhất. Sau khi có nghị quyết, công an các địa phương vừa quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ vừa tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc tổ chức hội nghị để lấy ý kiến đóng góp về nội dung, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; về xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Mỗi năm, cấp tỉnh, huyện mở hội nghị một lần vào dịp cuối năm, cấp xã, phường, thị trấn thì mở hai lần. Ngoài ra còn các hòm thư góp ý được đặt ở những nơi thuận lợi để mọi người dân có thể góp ý kiến cho lực lượng công an khi cần thiết. Hằng ngày, có người mở và chuyển cho đơn vị nội dung góp ý nếu có để thông báo đến cán bộ, chiến sĩ kiến nghị của nhân dân. Nếu có vụ việc sai phạm sẽ xác minh làm rõ và tiến hành kiểm điểm trong chi bộ. Giám đốc Công an tỉnh thành lập các tổ công tác kiểm tra việc chấp hành ở các đơn vị, nhất là việc chấn chỉnh những yếu kém, sai phạm do nhân dân phản ánh.
Sau một thời gian triển khai, nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Công an huyện Hậu Lộc tham mưu với Huyện ủy mở diễn đàn công an lắng nghe ý kiến của nhân dân đến tất cả 212 thôn, đặt 212 hộp thư và phát gần 31 nghìn phiếu tố giác tội phạm. Qua các nguồn tin của dân, công an huyện đã lập hai chuyên án, phá một ổ nhóm chuyên trộm cắp tài sản công dân, bắt 15 đối tượng do tên Nguyễn Thành Ðược chủ mưu, góp phần lập lại an ninh trật tự nông thôn các xã. Cán bộ, chiến sĩ phòng Bảo vệ chính trị 4 vượt hàng trăm km đường rừng đến từng bản làng, vận động đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do ổn định cuộc sống.
Hướng về nhân dân, vì nhân dân phục vụ
Từ diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân", nhiều lĩnh vực công tác công an, nhất là những việc liên quan trực tiếp đến người dân được cải tiến đáng kể. Tiếp chúng tôi, Trung tá, Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ðỗ Xuân Hiền, nói: chưa bao giờ công việc bộn bề như hiện nay, nhưng anh em ai cũng vui, bởi hiệu quả công việc. Các anh vừa hoàn thành đề án tổng rà soát hộ khẩu gốc trong toàn tỉnh. Vất vả nhất là việc tiến hành đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân miễn phí cho số đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc di cư vào sinh sống dọc 15 xã biên giới.
Những thủ tục cấp phép, đăng ký hộ khẩu... trước đây thường rườm rà, đôi khi dân còn bị sách nhiễu, thì nay mọi phần việc liên quan nội bộ ngành, do cán bộ công an trực tiếp đảm nhiệm, người dân chỉ phải đến làm thủ tục tại một nơi. Thời gian đăng ký hộ khẩu chuyển đi chỉ còn ba ngày thay vì hằng tuần như trước đây và đăng ký chuyển đến chỉ là mười ngày với khu vực nông thôn và 20 cho khu vực thị xã, thành phố.
Phòng Cảnh sát giao thông không còn tấp nập như trước. Mọi người đến làm thủ tục đăng ký xe đều hồ hởi, vui vẻ. Khi hoàn tất hồ sơ, chủ phương tiện chỉ việc gõ số máy của xe rồi nhấn enter thì số biển đăng ký sẽ hiện lên màn hình vi tính. Không ai, ngay cả người trong ngành có thể chọn số đẹp, vì nó đã được Văn phòng Công an tỉnh lập trình đưa vào vi tính. Trung tá Nguyễn Văn Mưu, Phó Bí thư Ðảng ủy phòng Cảnh sát giao thông cho biết, hầu hết các thủ tục đăng ký xe đều được giải quyết trong ngày, người ở xa từ 50 km trở lên, được ưu tiên và chỉ trong vòng hai tiếng là nhận được biển đăng ký. Lãnh đạo phòng đang đề nghị giám đốc tổ chức đăng ký theo cụm cho 11 huyện miền núi, để đồng bào vùng sâu, vùng xa ít phải đi lại.
725.725, Công an Thanh Hóa xin nghe
Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, xin dừng tiếp khách để nghe Thiếu tá Trịnh Văn Tiến báo cáo kết quả giải quyết nhanh vụ việc qua đường dây nóng 725.725. Chuyện là ông Lê Hữu Mai, ở phường Ðông Thọ, thành phố Thanh Hóa phản ánh qua số điện thoại nói trên, rằng cán bộ Cảnh sát giao thông, Công an thành phố yêu cầu gia đình phải nộp tiền phạt mới được nhận xe máy (chiếc xe do con trai ông đi và tự gây tai nạn) vì chạy quá tốc độ. Trong khi đó con ông đang nằm viện và không có cơ sở nào để khẳng định điều ấy. Sau này ông Mai cho biết, có tổ công tác xử lý nhanh trực tiếp xuống góp ý mà ông nhận lại xe thuận lợi, không phải nộp phạt nữa. Mọi người rất hoan nghênh chủ trương này của Công an tỉnh.
Ðể làm tốt ba cuộc vận động thì việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Với cách nghĩ đó, Ðảng ủy Công an tỉnh quyết định thành lập đường dây nóng, có bộ phận trực điện thoại, tổ xử lý nhanh, nhằm giải quyết mọi phản ánh của nhân dân về những việc làm phiền hà, sai trái của cán bộ, chiến sĩ công an. Chủ trương, số máy điện thoại được phát, đăng tải nhiều kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, được in thành 700 bản gửi đến các xã, phường thị trấn và dán ở nơi công cộng để mọi người đều biết.
Ngay ngày hôm sau đường dây nóng đi vào hoạt động, người dân ở thị xã Bỉm Sơn đã phản ánh một cảnh sát khu vực nhận tiền của dân trong quá trình làm thủ tục đăng ký hộ khẩu. Vụ việc nhanh chóng được làm rõ và giải quyết. Tuy người đăng ký hộ khẩu tự nguyện gọi là bồi dưỡng 300 nghìn đồng, nhưng cán bộ này vẫn phải trả lại tiền cho dân và bị đưa ra kiểm điểm trước đơn vị. Ðó còn là nội dung chính trong sinh hoạt đảng của Ðảng bộ Công an thị xã ngay sau đó để giáo dục cán bộ, chiến sĩ.
Hơn một tháng đi vào hoạt động, đường dây nóng này thật sự mang lại hiệu quả, nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời, cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ công an. Nhân dân đồng tình ủng hộ và cho rằng đây là cách tốt nhất để toàn dân cùng góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.
BẮC VĂN, HỒ MẠO
|