Lý Khánh Hồng có dấu hiệu được bảo kê
Các Website khác - 03/05/2006

Cơ ngơi của Cogico trên đường Huỳnh Văn Nghệ (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng được Lý Khánh Hồng đem cho thuê

TP - Giám đốc Cty TNHH Cơ giới nông lâm nghiệp Bình Dương (Cogico) Lý Khánh Hồng từng bị Cơ quan Điều tra bắt giam vì  hành vi lừa đảo nâng khống diện tích đất rồi đem bán, nhưng sau đó, ông ta lại được tại ngoại.

Giả chữ ký, mang tài sản Cty đi thế chấp

Theo đơn tố cáo của ông Trần Văn Thân (SN 1952, ngụ tại 40/1 Thích Quảng Đức, phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương), Chủ tịch  Hội đồng thành viên (HĐTV) Cogico gửi Bộ Công an thì ông Lý Khánh Hồng – Giám đốc Cogico, đã cấu kết với em ruột Lý Khánh Định chiếm đoạt tài sản qua việc giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐTV.

Cogico được  Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp phép hoạt động kinh doanh với 2 thành viên là Trần Văn Thân và Lý Khánh Hồng, ngày 21/12/2000.

Theo biên bản họp HĐTV thì ông Hồng là người đại diện pháp luật của Cogico và được giao sử dụng con dấu, tài sản và thẩm quyền khác để  giao dịch. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, ông Hồng đã đẩy Cty vào tình trạng nợ nần,  do sử dụng pháp nhân Cty đem tài sản của Cogico thế chấp vay hàng tỷ đồng từ ngân hàng.

Trước khi ông Hồng chính thức là thành viên ban lãnh đạo Cogico thì một trong những tài sản của Cty này là lô đất (một phần đất là trụ sở Cogico) đã được UBND tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) cấp đã bị Tòa án tỉnh ra lệnh kê biên.

Tuy nhiên, ông Hồng đã xin được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình trên đất. Sau đó, ông Hồng đã chỉ đạo em ruột là Lý Khánh Định làm giả chữ ký ông Nguyễn Văn Thân tại 2 biên bản họp HĐTV Cogico với nội dung Chủ tịch HĐTV (ông Thân) đồng ý ủy quyền cho ông Hồng sử dụng lô đất trên.

Sau đó, ông Hồng đem toàn bộ hồ sơ tài sản trên lô đất (trụ sở Cogico) đến Phòng tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh quận 8 (TPHCM) để thế chấp, bảo lãnh cho Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Pháp (trụ sở ở A7/B Ngô Tất Tố quận Bình Thạnh, TPHCM) vay… 5 tỷ đồng.

Khi có khoản vay trên, Cty Cổ phần Việt Pháp đã chuyển tiếp số tiền này cho ông Hồng để ông ta tiến hành mua đất.

Tại sao ông Hồng được tại ngoại?

Cơ quan Điều tra CA huyện Bến Cát (Bình Dương) đã khởi tố, bắt giam ông Hồng vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Cách thức mà ông Hồng áp dụng trong vụ này được cơ quan điều tra phát hiện là nâng khống diện tích đất từ 35 ha (diện tích thật) lên đến …55 ha để bán cho một người ở TPHCM, bỏ túi 10 tỷ đồng.

Thế nhưng, bỗng nhiên Lý Khánh Hồng được Cơ quan Điều tra thay đổi quyết định tạm giam bằng việc cho tại ngoại. Sau khi được tại ngoại, ông Hồng đã thực hiện kế hoạch xóa dấu vết đã gây ra ở Cogico.

Tài liệu mà ông Trần Văn Thân cung cấp cho Tiền phong còn cho thấy, ông Hồng có dấu hiệu phạm tội khác.

Trong lúc được giao quyền điều hành Cogico, ông Hồng đã đem toàn bộ hệ thống nhà xưởng của Cogico (ở số 54/2B đường Huỳnh Văn Nghệ, Thủ Dầu Một) cho Cty TNHH Ens Foam (Hàn Quốc) thuê với giá 4.025USD/tháng, thời hạn 10 năm.

Tuy nhiên, số tiền thuê hàng tháng này đã không được ông Hồng đưa vào sổ sách mà dùng tiêu xài cá nhân.

Thế nhưng, những sai phạm của Lý Khánh Hồng đang rơi vào im lặng. Cho dù, trước đó, đích thân Trung tướng Nguyễn Việt Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã có quyết định (ký tháng 12/2003) chuyển hồ sơ của vụ Lý Khánh Hồng cho Giám đốc CA tỉnh thụ lý và sau đó Đại tá Hoàng Tân Việt – Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra về tội phạm trật tự xã hội, Bộ Công an cũng có quyết định tương tự (ký tháng 12/2005) gửi cho CA Bình Dương nhưng đến giờ ông Hồng vẫn chưa bị xử lý nghiêm.

 Hữu Nguyễn