Ngày 22-9, vụ kiện dân sự nói trên được TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Trước tòa, mặc dù khá bức xúc, nhưng nguyên đơn khởi kiện là chị Trần Thị Thanh Thủy vẫn trình bày một cách rành mạch về việc ngày 18-1-2005, khi thực hiện rút tiền qua máy ATM ở sân bay Nội Bài (chị Thủy nhận lương qua thẻ ATM) thì phát hiện bị mất 30 triệu đồng trong thẻ. Sau khi báo ngay với nhân viên Techcombank (TCB) và in sao kê 5 giao dịch gần nhất, chị Thủy phát hiện tiền trong thẻ bị rút ngày 11-1 là 20 triệu đồng và ngày 12-1 là 10 triệu đồng. Các giao dịch này đều được thực hiện trên máy ATM tại sân bay Nội Bài.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, chị Thủy khẳng định thẻ ATM là tài sản cá nhân nên chị luôn mang theo người, chưa bao giờ bị thất lạc, cho mượn hay đăng ký làm thẻ phụ, số PIN được bảo mật, chưa cho bất kỳ ai biết. Đáng chú ý trước đó, trong quá trình làm thủ tục thẻ (tháng 12-2003), chị Thủy cho biết có gặp một trục trặc là bị nhân viên TCB (chi nhánh Chương Dương) đưa nhầm thẻ người khác có tên trùng với chị Thủy, nên đã xảy ra tình trạng mặc dù tiền của chị Thủy đã được đưa vào tài khoản nhưng không thể rút được qua thẻ. Chị Thủy thắc mắc thì sau ba tuần, TCB đổi cho chị thẻ khác.
Lạ lùng hơn, từ ngày 24 đến 28-1-2005, chị Thủy chứng kiến nhiều người rút tiền bằng máy ATM của TCB tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài, khi rút 50.000 đồng lại được máy trả 100.000 đồng. Bản thân chị Thủy, ngày 27-1 thực hiện 10 giao dịch kiểu này (mỗi lần rút 50.000 đồng - được trả 100.000 đồng, nhưng hóa đơn sao kê in từ máy ra chỉ xác nhận là rút 50.000 đồng). Sau khi được khách hàng thông báo, TCB đã kịp thời kiểm tra việc này, chị Thủy xác nhận số tiền thừa và TCB đã có văn bản cảm ơn sự phát hiện, giúp đỡ của khách hàng.
Trước tòa, đại diện của TCB cho biết, sự cố trên là do sai sót của nhân viên thủ quỹ nạp nhầm loại tiền 100.000 đồng vào khay chứa tiền loại 50.000 đồng dẫn đến việc máy ATM trả thừa tiền cho khách hàng. Đại diện TCB khẳng định, hệ thống thiết bị quản lý ATM và máy ATM của Vietcombank, Techcombank là một trong những hệ thống công nghệ hiện đại nhất hiện nay với việc kiểm soát đa phương, mã hóa giao dịch nhiều chiều theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được kiểm chứng trên toàn thế giới.
Về việc chị Thủy đòi bồi thường 30 triệu đồng bị mất khi sử dụng thẻ ATM, đại diện TCB xác định, khách hàng chịu hoàn toàn trách nhiệm với các giao dịch có sử dụng số PIN trên thẻ ATM và qua kiểm tra cho thấy, đã có 16 giao dịch rút tiền (bằng 2 hệ thống) từ tấm thẻ (mà chỉ riêng chị Thủy biết mã số PIN), nên TCB cho rằng, việc chị Thủy đòi bồi thường là không có căn cứ. Trong trường hợp này, TCB hoàn toàn miễn trừ trách nhiệm bồi hoàn vì các giao dịch rút tiền từ thẻ của chị Thủy đã được đáp ứng (có thẻ, có mã số PIN).
Luật sư Trịnh Văn Quyết (bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chị Thủy) lập luận: việc máy ATM trả thừa tiền cho khách hàng cho thấy không thể khẳng định máy ATM là chính xác tuyệt đối, vì máy này đã không thể nhận biết và kiểm tra được các loại tiền. Sau nữa, việc TCB thu hồi số tiền trả thừa cho khách bằng việc "tự động trích bổ sung từ tài khoản của chị Thủy" phản ánh một sự thực là TCB biết rất rõ số tài khoản, mã số PIN của chị Thủy nên có thể xảy ra việc ai đó lấy được tiền trong tài khoản này mà chị Thủy không hề biết(?).
LS Quyết còn cảnh báo, thẻ ATM không phải là thiết bị có độ an toàn, bảo mật tuyệt đối vì trong thời đại công nghệ thông tin kỹ thuật số thì những chiếc máy ATM hoàn toàn có thể thực hiện lệnh rút tiền bởi những chiếc thẻ được làm giả tinh vi. Trong ngày xét xử đầu tiên, bên nguyên đơn và bên bị đơn đều đưa ra những lập luận của mình nhằm bác bỏ lý lẽ của nhau.
Hôm nay 23-9, phiên tòa tiếp tục xét xử.
Dùng thẻ ATM có thể gặp rủi ro gì? Bộ phận quản lý thẻ của nhiều ngân hàng thương mại phát hành thẻ ATM đều cho biết: "Phần lớn các trường hợp khiếu nại có liên quan đến thẻ ATM là việc chủ thẻ để lộ mã PIN và bị một số người có quan hệ thân quen dùng thẻ ATM "mượn tạm" để rút tiền". Một vài trường hợp khác là do bị lộ mã PIN rồi bị cướp thẻ ATM khi đang rút tiền. Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank cho biết: "Khách hàng không nên lấy mã PIN có liên quan đến các thông tin cá nhân như: ngày sinh của chủ thẻ hoặc người thân, số điện thoại... Thẻ ATM cũng phải được bảo quản như tiền mặt". Bên cạnh rủi ro của việc bị lộ mã PIN, thẻ ATM của các ngân hàng Việt Nam đều là thẻ từ, rất dễ bị làm giả nếu kẻ gian nắm được các dữ liệu trên track của dải từ (số thẻ, cấu trúc mã hiệu ký tự đầu tiên và kết thúc của dãy số được ngân hàng đăng ký duy nhất) hoặc các thông tin về mã khách hàng, thông tin tài khoản của khách hàng... Tại một số nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, thẻ từ bị làm giả khá phổ biến và đã lâm vào tình trạng báo động. Theo nguồn tin từ các ngân hàng thương mại, tại Việt Nam, tình trạng tội phạm làm giả thẻ từ để rút tiền của khách hàng chưa được phát hiện. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã áp dụng một số biện pháp phòng ngừa: Vietcombank, ACB... đã yêu cầu tất cả khách hàng tại Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng của mình đi du lịch Malaysia hoặc Thái Lan phải đổi thẻ vì lý do an ninh. Mới đây, Vietcombank công bố sẽ đổi gần một triệu thẻ từ ATM của Vietcombank sang thẻ chip nhằm tăng tính bảo mật và an toàn cho chủ thẻ.
|
|