Hà Nội đang là địa bàn tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và cũng là địa bàn của những vi phạm trên. Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng công an luôn coi trọng phương châm lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, trong những năm qua chúng tôi luôn tham mưu giúp các cấp chính quyền chỉ đạo phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức giáo dục pháp luật nhằm làm cho mọi người dân đều hiểu rõ, tự giác chấp hành và chủ động tham gia phát hiện các vi phạm thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phát hiện những địa bàn và những tụ điểm có khả năng và đang có dấu hiệu về sản xuất buôn bán hàng giả để tiến hành các biện pháp kiểm tra xử lý.
Nhưng để phòng ngừa thật sự chủ động, có hiệu quả thì không thể không phát hiện, bắt các vụ vi phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đây là một việc khó khăn bởi vì các hành vi vi phạm trên luôn được thực hiện với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nhưng với những biện pháp được pháp luật cho phép, chúng tôi đã tiến hành đấu tranh có kết quả với các loại tội phạm này.
* Ông có thể nêu một số vụ cụ thể?
- Từ năm 2003 đến nay, chúng tôi đã điều tra, xử lý 122 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ với 162 đối tượng vi phạm, trong đó sản xuất buôn bán hàng giả là 177 vụ với 117 đối tượng; vi phạm sở hữu công nghệp 45 vụ, với 45 đối tượng.
Một số vụ gần đây như ngày 23-1-2005, Công an quận Hoàng Mai đã phát hiện vụ sản xuất rượu vang Bordeaux giả, thu giữ 10.086 chai rượu, 4.500 vỏ hộp và 27kg nhãn đều mang nhãn hiệu Bordeaux giả.
Ngày 12-5-2005, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã khám phá vụ buôn bán ổ cắm điện giả nhãn hiệu Vanlock và Sino đang được bảo hộ cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng được làm giả từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ. Qua đó thu giữ 33.120 chiếc ổ cắm điện Vanlock giả có dán "tem chống hàng giả" của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Gần đây ngày 23-8-2005, đã phát hiện và bắt giữ vụ buôn bán trà Dilmah giả nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ, thu giữ 5.044 hộp trà Dilmah giả...
* Vì sao các loại tội phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vẫn gia tăng, thưa ông?
- Hiện nay, nhận thức của một số doanh nghiệp và đa số người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Có doanh nghiệp chỉ chú trọng vào việc sản xuất và bán hàng, chưa quan tâm gì đến việc làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm... của mình. Và đây là một lĩnh vực có lợi nhuận cao nên một bộ phận người dân dù biết hoặc không biết nhưng vẫn đang có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính hàng ngoại nên cứ thấy hàng mang nhãn hiệu của nước ngoài và rẻ là mua. Trong lúc đó, các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ hầu hết chưa được đào tạo chính quy và bồi dưỡng kiến thức cần thiết về sở hữu trí tuệ. Những biện pháp xử lý dân sự, hành chính cũng như hình sự còn chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm...
* Theo ông, cần có giải pháp gì để sở hữu trí tuệ được thực thi tốt hơn?
- Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch lâu dài để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ không chỉ cho các cơ quan quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp mà còn cho toàn thể công chúng nhằm tạo nên một nếp sống hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, không dùng hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các lực lượng thực thi để phát huy cao nhất hiệu quả công tác của từng lực lượng và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.
* Xin cảm ơn ông!
|