Nan giải trong quản lý người nghiện: Ách tắc chung, khó khăn riêng
Báo Tiếng chuông - 02/04/2016
Một khi người nghiện không được quản lý chặt chẽ hay được đưa đi cai nghiện tập trung sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu tác động lôi kéo đi vào con đường phạm pháp, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Tuy nhiên, việc xác minh nơi cư trú của người nghiện, xác định tình trạng nghiện còn nhiều bất cập đã dẫn đến việc khó đánh giá, khó quyết định là có đưa người đi cai nghiện bắt buộc hay không.
Công tác xử lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định gặp khó - Ảnh: Internet

 

Ách tắc chung trong xử lý người nghiện ma túy

Từ tháng 12/2014, TPHCM thực hiện tạm thời đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào cơ sở xã hội, theo điểm 5 trong Nghị quyết 77/2014/QH13 của Quốc hội (NQ77). Theo Sở LĐTBXH TPHCM, đến nay, 6.072 hồ sơ đã được chuyển cho Tòa án. TAND các quận, huyện đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho 5.841 trường hợp, chiếm tỷ lệ 96,1 %. Từ đó, toàn Thành phố đã đưa 5.573 người nghiện ma túy thi hành các quyết định có hiệu lực của Tòa án tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, chiếm 95,4 % so với số người có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua đó, tình hình người nghiện ma túy lang thang hút chích nơi công cộng và các tụ điểm “nóng” về ma túy trước đây đã được chuyển hóa cơ bản. Số vụ phạm pháp hình sự, nhất là các loại án trộm, cướp, cướp giật… được kéo giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được còn có những khó khăn,  vướng mắc trong quá trình thực hiện, gây ách tắc chung trong xử lý người nghiện ma túy.

Cụ thể, quy định áp dụng biện pháp xử lý người nghiện còn chồng chéo. Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu nơi cư trú ổn định đã bị áp dụng biện pháp quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng những biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cũng quy định, trong khi áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP ngày 30/09/2013 của Chính phủ thì đồng thời phải thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2010. Trong khi đó thời gian thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng lại không trùng khớp nhau, gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện quản lý đối tượng. Bởi giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, còn cai nghiện tại gia đình và cộng đồng từ 6 - 12 tháng.

Do đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm diễn ra vào giữa tháng 3, Sở LĐTBXH TPHCM đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 111 theo hướng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xử lý biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt là không áp dụng đồng thời biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trong quá trình áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính khả thi của Nghị định 111 của Chính phủ và phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cũng theo Sở LĐTBXH TPHCM, theo quy định, để làm hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với việc người nghiện ma túy thì phải xác định tình trạng nghiện của người nghiện. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản làm căn cứ xác định tình trạng nghiện còn nhiều bất cập. Cụ thể, có nhiều loại ma túy người nghiện đang sử dụng nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện vì không thuộc nhóm ATS, hoặc OPIATS như cần sa, bồ đà, một chất hướng thần khác. Đặc biệt, để cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện, đòi hỏi phải giữ người nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian 48 giờ đối với xác định tình trạng nghiện nhóm OPIATS và 72 giờ đối với xác định tình trạng nghiện ATS tại các cơ sở y tế. Nhưng chưa có quy định nào về việc giữ người, cơ quan nào giữ người trong khi xác định tình trạng nghiện, nên gây khó khăn trong thực hiện, nhiều đối tượng bỏ trốn.

Do đó, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy như cần sa, bồ đà và các chất hướng thần khác; sửa đổi Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế, Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014 của Bộ Y tế, Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BYT-LĐTBXH-CA của Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH và Bộ Công an theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp tình hình thực tế tại các địa phương. Đồng thời cho phép các cơ sở xã hội tại TPHCM và các tỉnh, thành phố tiếp nhận người nghiện có nơi cư trú để xác định tình trạng nghiện, cũng như cắt cơ giải độc, hướng dẫn tâm lý cho người nghiện ma túy có nơi cư trú trong thời gian chờ các cơ quan chức năng làm hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 11, Nghị định 221/2013/NĐ-CP, trước khi chuyển hồ sơ cho phòng Tư pháp thẩm định, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người nghiện, gia đình người nghiện, đại diện hợp pháp biết và đọc hồ sơ trong 5 ngày. Thực tế phát sinh trường hợp, sau khi nhận được thông báo, đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, đương sự đã bỏ trốn khỏi địa phương, nên phải đi truy tìm, gây tốn kém.

Theo Sở LĐTBXH TPHCM, chưa có hướng dẫn thống nhất cách quản lý người cai nghiện ma túy sau khi chấp hành xong quyết định thi hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định của Luật Phòng chống ma túy và Nghị định 94, người nghiện sau khi kết thúc thời gian cai nghiện bắt buộc thì phải quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221 lại không có quy định quản lý sau cai, gây lúng túng cho địa phương khi tổ chức thực hiện.

Về quy định về thẩm quyền, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định quy định về chế độ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, trong quá trình tham gia làm hồ sơ, đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đều đòi hỏi hỏi phải có sự tham gia của thủ trưởng các cơ quan như Chủ tịch Ủy ban xã, Trưởng công an xã, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng LĐTBXH và không có quy định cho phép các chức danh này được giao quyền, ủy quyền cho cấp phó. Điều này cũng gây khó khăn cho các địa phương

Khó khăn xử lý người nghiện không nơi cư trú ổn định

Theo Sở LĐTBXH TPHCM, về cơ bản, việc xử lý người nghiện không nơi cư trú ổn định vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được tháo gỡ những vấn đề cấp bách, gây ách tắc, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn. Trước tiên, đó là thẩm quyền đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội chưa được quy định cụ thể. Thực hiện Nghị quyết 77/2014/QH13 và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ nhưng đến nay các Bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn về thẩm quyền đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội.

Ngoài ra, về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng chưa được thống nhất. Luật Phòng, chống ma túy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, do đó người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định chưa được hỗ trợ cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý và áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ, trong khi các đối tượng này cần được quan tâm đặc biệt hơn, cần sớm đưa họ đi cai nghiện, chữa trị kịp thời.

Cách hiểu về khái niệm “không có nơi cư trú ổn định” hiện chưa thống nhất; mỗi tỉnh, thành hiểu một cách và mỗi cách hiểu lại có hướng giải quyết khác nhau nên cần phải định nghĩa lại khái niệm này, có hướng dẫn cụ thể để cán bộ địa phương làm việc thống nhất.  Mặc dù Bộ Công an đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phối hợp với TPHCM song trên thực tế, nhiều lần phối hợp mà… rất khó có kết quả. Nhiều trường hợp trả lời chung chung, không xác định được có nơi cư trú hay không và có nhiều trường hợp không trả lời, dẫn đến một số trường hợp mất thời hiệu áp dụng, phải hủy quyết định, phải đưa người nghiện ra khỏi cơ sở xã hội và không biết bàn giao cho cơ quan nào quản lý những người này.

Do đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn để khắc phục những khó khăn hiện nay.