Nâng cao năng lực giám định các chất hướng thần mới
Báo Tiếng chuông - 04/10/2016
Do sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dược, ngày càng nhiều chất hướng thần mới (viết tắt là NPS) tổng hợp thay thế dần cho các loại “ma tuý truyền thống” xuất hiện. NPS tổng hợp ngày càng phong phú, tần suất xuất hiện càng dày hơn, khiến cho tội phạm ma tuý ngày càng phức tạp.
Ảnh minh hoạ

 

Thay thế dần “ma tuý truyền thống”

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), chất hướng thần mới là chất bị lạm dụng, tồn tại ở dạng tinh khiết hoặc chế phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, chưa nằm trong danh mục các chất bị kiểm soát bởi Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (gọi tắt là Công ước 1961) và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 (gọi tắt là Công ước 1971).

Theo Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Công ước 1961 không đưa ra khái niệm “chất ma túy” mà liệt kê rõ danh mục các chất ma túy bị kiểm soát. Do đó, không nêu được những thuộc tính cơ bản và chung nhất của các chất ma túy, nhưng đã tạo ra sự thuận tiện trong việc áp dụng trên thực tế. Danh mục này giúp các quốc gia thành viên biết được chính xác các chất nào đang được yêu cầu kiểm soát để nội luật hóa và đặt dưới sự kiểm soát của quốc gia và bảo đảm tính thống nhất tại tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, khi cần sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy cụ thê thì phải tiến hành sửa đổi công ước.

Tương tự như vậy, Công ước 1971 không nêu khái niệm “chất hướng thần” mà trực tiếp cung cấp danh mục của những chất này.

Về mặt khoa học, không có một ranh giới tuyệt đối giữa chất ma túy trong Công ước 1961 và chất hướng thần trong Công ước 1971. Cụm từ “chất hướng thần” thực ra không chứa đựng một nội dung khoa học chuyên môn cụ thể, mà chỉ là một cụm từ chung để nói về các chất có tác động lên hệ thần kinh; do vậy các chất ma túy về bản chất cũng là chất hướng thần. Các tiêu chuẩn để đưa một chất vào danh mục “chất ma túy” có thể áp dụng đối với “chất hướng thần” và ngược lại. Tóm lại, chúng là các chất có thể gây ra tình trạng nghiện cho người sử dụng đang được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế.

Ở nước ta, theo Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy thì “Chất ma tuý bao gồm chất gây nghiện và chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành”. Trong đó, “chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng”, và “chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng”. Định nghĩa này cho thấy chất gây nghiện và chất hướng thần có một số đặc điểm chung, đó là: đều là những chất có tác động lên hệ thần kinh; có thể gây ra tình trạng nghiện đối với người sử dụng; khác nhau ở khả năng gây nghiện và gọi chung là chất ma tuý.

Theo số liệu của UNODC, NPS trên thế giới đã tăng từ 166 chất (cuối năm 2009) lên 251 chất (giữa năm 2012) và đến nay là hơn 600 chất. Tính đến năm 2014, có trên 100 quốc gia thông báo vè sự lạm dụng NPS. Điển hình là một số nhóm hoạt chất: Cần sa tổng hợp; Phenethylamine, Cathinone tổng hợp, Piperazine…

Từ năm 2000 đến nay, qua công tác giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (KHHS) đã phát hiện nhiều chất NPS xuất hiện ở nước ta và đề xuất các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ bổ sung vào Danh mục cần kiểm soát như: Ketamine (năm 2003); 2C-B (năm 2007): TFMPP, 2C-E. BZP, GHB (năm 2011); XLR-1l (năm 2015) ...

Đặc biệt, từ đầu năm 2016, Viện KHHS nhận được nhiều trưng cầu giám định của các cơ quan điều tra yêu cầu giám định mẫu thực vật nghi là Cần sa. Với tên lóng “Cỏ Mỹ”, “Spice”, “Fake week", "Moon Rocks"... các đối tượng buôn bán quảng cáo chúng không chứa chất gây nghiện, hợp pháp, không bị cấm, không bị phát hiện bởi các loại thử nhanh chất ma túy và có tác dụng mạnh hơn nhiều lần cần sa.

Kết quả giám định tại Viện Khoa học hình sự cho thấy, trong “Cỏ Mỹ" chứa một hay nhiều hoạt chất cần sa tổng hợp: XLR-11 JWH-122, PB-22, AMB-FUBICANA, AB-FUBINACA. 5-Fluo-AKB48 và AB-PINACA-N-FLUOROPENTYL. Chúng có tác dụng tương tự như Delta9-THC (hoạt chất chính gây ảo giác trong cần sa) nhưng có tác dụng mạnh hơn rất nhiều lần và hầu hết chúng chưa được đưa vào kiểm soát tại Việt Nam. Qua công tác giám định và các tài liệu thu thập được cho thấy các đối tượngđã mua các mẫu thực vật, các hoạt chất cần sa tổng hợp, dung môi hóa chất và các dụng cụ cần thiết về Việt Nam để tự pha chế, sản xuất.

Ngoài ra, thời gian gần đây, Viện KHHS phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Hải quan Hà Nội, Hải quan TPHCM tiến hành thu mẫu giám định các kiện hàng là mẫu thực vật khô, vận chuyển qua đường biển, đường bưu điện. Viện KHHS đã phát hiện trong các mẫu này chính là lá cây “Khat”, có chứa thành phần cathinone, cathine có tác dụng kích thích tương tự kiểu Amphetamine.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và quy trình giám định NPS

Theo Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, do sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dược mà xu hướng ngày càng xuất hiện nhiều chất hướng thần (NPS) tổng hợp thay thế dần cho các loại “ma tuý truyền thống”. NPS tổng hợp ngày càng phong phú, tần suất xuất hiện càng dày hơn, khiến cho tội phạm ma tuý ngày càng phức tạp. Để có chất ma tuý truyền thống phải mất thời gian nuôi trồng hàng tháng, hàng năm, nhưng chỉ cần hàng ngày, thậm chí hàng giờ, có thể tạo ra NPS tổng hợp.

Với đặc điểm địa lý đường biên giới dài, địa hình đồi núi hiểm trở, cộng thêm chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành địa bàn trung chuyến và tiêu thụ ma tuý. Tính từ năm 2001 (ban hành Nghị định 67/2001/NĐ-CP về các danh mục chất ma tuý và tiền chất bị kiểm soát ở Việt Nam) cho tới nay, Chính phủ đã bổ sung 15 NPS vào danh mục chất ma tuý (trung bình 1 chất/năm).

“Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng “Cỏ Mỹ” và cây Khat (hoạt chất Cathinone) tràn vào nước ta. Dự báo, trong thời gian tới xu hướng các NPS (Cần sa tổng hợp, Cathinone tổng hợp Phenethylamine, Piperazine… tiếp tục tràn vào nước ta ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, làm cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý và giám định ngày càng khó khăn hơn", Thiếu tướng Ngô Sĩ Hiền cho biết.

Hiện nay, công tác phát hiện và giám định NPS còn gặp một số khó khăn như: thiếu thiết bị phân tích chuyên sâu nhằm nhận dạng và định dạng NPS; các mẫu chuẩn ma tuý nói chung và NPS dùng trong giám định tư pháp còn thiếu, đặc biệt là mẫu chuẩn định lượng; cơ sở dữ liệu và quy trình giám định NPS chưa đầy đủ.

Do đó, để có thể chủ động với tình hình, bên cạnh việc trang cấp thêm các thiết bị phân tích giám định thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu và quy trình giám định NPS là rất cần thiết.

 

Phải có quy định dự báo để xử lý các ma túy mới

Tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 3/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến UBTP tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong “cỏ Mỹ”) thuộc danh mục II và lá cây “Khat” (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I quy định tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ.

Theo bà Lê Thị Nga, thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt như tẩm các chất ma túy vào tem giấy, bóng bay (ma túy tem, bóng cười…) gây hậu quả rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Do đó, để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong đấu tranh với tội phạm về ma túy thì cần phải có quy định mang tính dự báo làm cơ sở cho việc xử lý tội phạm khi phát hiện vật thể hoặc loại cây mới có chứa chất ma túy mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc lạm dụng thì dự thảo Luật cần quy định rõ là: các chất ma túy khác được Chính phủ quy định trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.