Đang là mùa mưa bão, vậy mà đứng trên cầu Ốc (phường Lộc Hòa, TP Nam Ðịnh) nhìn hết tầm mắt về cả hai phía của kênh tiêu T3-11, chúng tôi chỉ thấy mầu xanh của bèo tây ken kín mặt kênh. Những bè vó ven hai bờ kênh cũng đành "chịu thua" đám bèo tây, giơ hết gọng vó lên cao san sát như những cần ăng-ten ở một trung tâm thông tin vô tuyến điện nào đó. Rõ ràng tình trạng vi phạm công trình thủy nông ở Nam Ðịnh là đáng báo động.
Ông Trần Trọng Lũy, Giám đốc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi (gọi tắt là Công ty thủy nông Mỹ Thành), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Nam Ðịnh cho biết Công ty thủy nông Mỹ Thành có nhiệm vụ tưới, tiêu cho gần 12 nghìn ha đất tự nhiên thuộc khu vực phía đông bắc TP Nam Ðịnh và toàn bộ huyện Mỹ Lộc. Với đặc thù vừa tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp vừa thoát nước sinh hoạt đô thị, cho nên hệ thống thủy nông của Mỹ Thành bồi lắng nhanh, bèo rác nhiều. Khắc phục tình trạng này, vào đầu mùa mưa bão hằng năm, công ty thường huy động hết nhân lực làm việc trong một tuần liền để vớt khoảng 120 nghìn m2 bèo, rác trên sông. Nhưng, cũng chỉ được vài ba ngày, bèo rác từ hệ thống kênh tiêu nội đồng đùn ra, rồi "đâu lại vào đấy". Mặt khác, cũng do tính đặc thù chi phối, nên tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy nông ở đây diễn ra phức tạp và gay gắt.
Theo số liệu thống kê, trên toàn hệ thống thủy nông của công ty có tới hàng nghìn điểm vi phạm với nhiều hình thức như làm nhà ở, dựng lều quán, lấn chiếm bờ kênh làm bãi đổ vật liệu... Ðặc biệt là tình trạng đổ rác thải trên bờ kênh tiêu T3-11, với bốn tụ điểm lớn ở ba phường Lộc Hòa, Lộc Hạ, Thống Nhất và xã Mỹ Xá. Ðoạn kênh T3-11 đi qua phường Lộc Hạ, dài hơn 400m, đều bị dân hai bên bờ đổ rác thải làm cho lòng kênh bị thu hẹp chỉ còn một phần ba, hoặc một nửa so thiết kế. Những năm gần đây, khi xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn TP Nam Ðịnh, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công không chú ý đến hệ thống tiêu thoát nước. Từ đó, làm cho hệ thống thủy nông bị cắt vụn gây ách tắc dòng chảy. Sau cơn bão số 3 vừa qua, để tiêu nước cho 100 ha lúa mùa mới cấy, trạm bơm Quán Chuột của công ty phải hoạt động bốn ngày liền, tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng tiền điện.
Tương tự, tình trạng vi phạm công trình thủy nông cũng diễn ra phổ biến ở các địa phương trong tỉnh Nam Ðịnh. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý nước và công trình thủy lợi, Sở NN-PTNT Nam Ðịnh cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 297 cống dưới đê, 195 kênh cấp I, 215 kênh cấp II, 35 trạm bơm với 243 máy bơm các loại phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, nhưng hầu hết bị vi phạm hành lang bảo vệ. Ðặc biệt là tình trạng lấn chiếm bãi sông để buôn bán vật liệu; quây bèo, thả rau; cắm đăng đó, vó bè, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng hiệu quả tưới, tiêu của các công trình thủy nông.
Trước thực trạng này, hằng năm UBND tỉnh Nam Ðịnh đều có chỉ thị yêu cầu các địa phương và ngành NN-PTNT tập trung giải quyết dứt điểm những vi phạm công trình thủy nông; tổ chức vớt bèo; rác tại chỗ, không đùn đẩy về công trình đầu mối. Tuy nhiên, trên thực tế, Chỉ thị của UBND tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc. Tại thời điểm này, các địa phương, đơn vị mới chỉ giải tỏa được 25/1.021 nhà ở; 29/488 lều quán; 2.953/12.524 bãi để vật liệu, 2.090/3.683 bãi đổ rác thải và còn tới 40 nghìn điểm vi phạm khác vẫn chưa được xử lý. Nhiều điểm vi phạm tồn tại từ mấy chục năm nay vẫn chưa được giải tỏa, trở thành "điểm nóng" của các công ty thủy nông. Ðiển hình là những vi phạm trên địa bàn TP Nam Ðịnh và huyện Mỹ Lộc như đã nêu ở trên. Hoặc tình trạng làm nhà ở, dựng lều quán trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và ngâm luồng, nứa ở lòng kênh huyện Ý Yên. Thí dụ, kênh S40 đi qua thị trấn Lâm và hai xã Yên Ninh, Yên Tiến có tới 47 nhà ở, 13 lều quán... Những năm gần đây, tình trạng đổ rác thải bừa bãi vào hệ thống kênh, mương ngày càng nhiều, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước của các công trình thủy lợi. Theo đó, diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng sau mỗi trận mưa, bão ngày một tăng. Sau cơn bão số 3 vừa qua, tỉnh Nam Ðịnh có khoảng 35 nghìn ha lúa mùa mới cấy bị ngập úng với khoảng một phần ba diện tích bị ngập trắng.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, là do người dân chưa có nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi, thủy nông. Thực tế cho thấy, ở những địa phương nào mà chính quyền vào cuộc, coi việc bảo vệ các công trình thủy lợi như việc của chính mình, thì hệ thống thủy nông ở đó không những được bảo vệ chu đáo mà còn phát huy hiệu quả cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếc rằng, những điển hình đó còn rất ít, chưa được nhân rộng. UBND tỉnh Nam Ðịnh cần giao trách nhiệm cụ thể, dứt khoát cho các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở về việc giải tỏa vi phạm các công trình thủy nông. Ðồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị thủy nông để có kế hoạch giải tỏa dứt điểm những vi phạm lớn, tồn tại lâu chưa được xử lý. Chỉ có như vậy mới huy động được sức mạnh của nhân dân trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
|