1 năm, hơn 1.700 vụ án XHTD phụ nữ và trẻ em gái
Thẩm phán Đào Xuân Lan cho biết, tình trạng XHTD đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều và ở mức độ đáng báo động trong phạm vi cả nước.
Từ ngày 01/10/2015 đến 30/9/2016, số vụ án có liên quan đến tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em, tội dâm ô đối với trẻ em là 1.794 vụ, 1.957 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 1.614 vụ, 1.750 bị cáo.
Các vụ án XHTD đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ án có xu hướng ngày càng tăng lên. Nhiều vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi đạo lý nghiêm trọng, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như bố đẻ hiếp dâm con gái ruột, anh trai hiếp dâm em gái, chồng hiếp dâm con riêng của vợ, ông ngoại hiếp dâm cháu, nhiều người hiếp dâm một người, người bị hại trong vụ hiếp dâm còn quá nhỏ tuổi, XHTD làm người bị xâm hại mang thai và sinh con, hiếp dâm rồi giết người nhằm trốn tránh sự tố giác của người bị hại, trốn tránh sự phát hiện, trừng trị của pháp luật.
Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật
Theo Thẩm phán Đào Xuân Lan, trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ XHTD phụ nữ và trẻ em, có thể nói rằng các đơn vị Tòa án đã luôn bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, được quy định trong các văn bản pháp luật hình sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
![]() |
Một phiên tòa xét xử tội hiếp dâm trẻ em. Ảnh internet |
Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự nói chung và xét xử các vụ án hình sự XHTD phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, các Tòa án đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Đến nay, nhiều Tòa án địa phương đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, định kỳ trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo việc giải quyết vụ án trong hạn luật định.
Xác định những vụ XHTD đều để lại hậu quả rất nặng nề, người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh; đồng thời người bị hại, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Do vậy, để góp phần ngăn chặn tệ nạn XHTD, từ rất sớm Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản (Công văn số 73-TK ngày 2/3/1995 về đường lối xét xử loại tội phạm XHTD trẻ em) hướng dẫn trong toàn hệ thống Tòa án chủ động làm việc với các cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp nắm tình hình và có kế hoạch phối hợp ngay từ giai đoạn điều tra để nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử những người có hành vi XHTD phụ nữ và trẻ em; xử phạt thật nghiêm khắc với hình phạt cao trong khung hình phạt tại các điều luật đã áp dụng; đồng thời phải áp dụng thêm hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật Hình sự và cần tổ chức phiên tòa ngay tại địa bàn xảy ra tội phạm và đưa tin công khai trên các phương tiện đại chúng để phát huy kết quả phiên tòa nhằm ngăn chặn tội phạm xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
Nhiều vướng mắc, khó khăn trong xét xử
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thẩm phán Đào Xuân Lan, xuất phát từ đặc trưng của các vụ án XHTD là các vụ án xâm danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ nên trong quá trình giải quyết các loại vụ án này có những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, khi xảy ra hành vi XHTD đối với phụ nữ và trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo về tội danh gì thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội XHTD phụ nữ và trẻ em (từ Điều 111 đến Điều 116 Bộ luật Hình sự).
Trên thực tế có nhiều vụ XHTD đối với phụ nữ, trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị XHTD, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết.
Có trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi. Do đó, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử của Tòa án đối với các trường hợp này rất khó khăn.
Trong nhiều vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo được tư vấn của luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc vì một lý do nào đó đã không đồng ý với bản kết luận giám định pháp y đã nhận được trước đó nên đã đề nghị với Hội đồng xét xử cho giám định pháp y lại, dẫn đến kéo dài thời gian và gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án của Tòa án.
Thứ hai là khó khăn phát sinh từ phía người bị hại. Trong nhiều vụ án, mặc dù tại cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án đã thể hiện quan điểm rõ ràng và khẳng định hành vi của bị cáo đã XHTD đối với họ, nhưng do trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, thống nhất với nhau và thậm chí do sự tác động nào đó (có thể do bị đe dọa hoặc hứa hẹn) nên tại phiên tòa người bị hại lại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó và một mực bảo vệ bị cáo, cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi XHTD đối với họ như trong hồ sơ vụ án đã thể hiện,…qua đó đã gây nhiều khó khăn cho Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án đó.
Trong các vụ án, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên nhiều người chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trong quá trình giải quyết vụ án, do thời gian xảy ra đã lâu, sự hợp tác không chặt chẽ của người phạm tội, người bị hại nên việc giám định của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn, cũng ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, một số loại tội phạm liên quan đến bạo lực tình dục xảy ra trong nội bộ gia đình nên việc phát hiện, tố giác và xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do nhận thức của người bị xâm hại còn hạn chế, không tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục. Trong các trường hợp này, người bị bạo hành tình dục trong gia đình là phụ nữ, trẻ em, có thái độ cam chịu hoặc không dám tố cáo với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể để có biện pháp can thiệp kịp thời mà âm thầm chịu đựng cho đến khi không thể chịu đựng được nữa mới gửi đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục. Khi Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ thì không cung cấp được chứng cứ chứng minh là có hành vi XHTD, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết, xét xử vụ án.
Thứ ba, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những biện pháp hết sức hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm và các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, các vụ án XHTD là các vụ án nhạy cảm (đặc biệt là các vụ án mà người bị hại là trẻ em gái hoặc vụ án mang tính chất loạn luân giữa những người cùng quan hệ huyết thống hoặc họ hàng thân thiết) thì người bị hại thường có có tâm lý e ngại, không muốn vụ việc được đưa ra xét xử công khai do vấn đề tâm lý sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm. Do vậy, các vụ án XHTD phụ nữ và trẻ em ít được đưa ra xét xử lưu động công khai (trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2013, các Tòa án đưa ra xét xử lưu động 259 vụ án), trong khi đó có nhiều vụ việc cần được đưa ra xét xử lưu động công khai nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và răn đe, ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm và tội phạm tương tự xảy ra.
Thứ tư, nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật hoặc danh dự, nhân phẩm của họ đã bị xâm hại, phổ biến nhất là hành vi giao cấu với trẻ em. Thông thường giữa bị cáo và người bị hại có quan hệ tình cảm, thậm chí có trường hợp gia đình của bị cáo và người bị hại còn tổ chức đám cưới cho hai người, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành giao cấu với người bị hại. Do đó việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội chưa triệt để, một số trường hợp hai bên còn che giấu, không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ năm, trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp bị hại không có giấy khai sinh gốc, hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác hoặc giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh. Có vụ án cha, mẹ của người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, dương lịch) nên cấp phúc thẩm phải hủy án của cấp sơ thẩm. Cũng có trường hợp lời khai của bố, mẹ bị hại và giấy tờ, lý lịch trong hồ sơ về ngày, tháng, năm sinh giống nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại thu được những chứng cứ khác với tài liệu kể trên.
Có trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm các thủ tục để tiến hành giám định tuổi của họ nhưng kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án trong việc đánh giá, sử dụng tài liệu chứng cứ.
Thẩm phán Đào Xuân Lan cho biết, bên cạnh các khó khăn xuất phát từ đặc trưng của các vụ án như đã nêu trên, trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định xuất phát từ việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự cũng như các khung hình phạt.
Theo Thẩm phán Đào Xuân Lan, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về XHTD phụ nữ và trẻ em nói riêng, bảo vệ tốt hơn việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực tình dục, Tòa án các cấp tăng cường sự phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát và các cơ quan hữu quan khác để thu thập đầy đủ chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án; thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án đúng pháp luật...
▪ Bổ sung 5 thủ tục quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV (10/12/2016)
▪ Truy tố 26 đối tượng phá trại cai nghiện ma túy (10/12/2016)
▪ Việt Nam - Campuchia - Lào hợp tác phòng chống tội phạm ma túy (07/12/2016)
▪ Trinh sát 'bật mí' dùng 'nam nhân kế' săn trùm ma túy (05/12/2016)
▪ Tệ nạn nhức nhối miền Trung: Gái 'Ma Cao' ở Đồng Hới (30/11/2016)
▪ Quảng Nam: Phấn đấu giảm 20% số người nghiện ma túy ngoài xã hội (26/11/2016)
▪ Phòng, chống mua bán người tại các chợ phiên vùng cao (24/11/2016)
▪ Báo động kháng thuốc ở VN: Siết chặt quản lý kê toa, bán thuốc tùy tiện (22/11/2016)
▪ Vì sao cần Luật HIV có tính nhạy cảm giới? (21/11/2016)
▪ Web “bẩn” ung dung thu lợi khủng, thách thức pháp luật (19/11/2016)