Quảng Nam: Phấn đấu giảm 20% số người nghiện ma túy ngoài xã hội
Báo Tiếng chuông - 26/11/2016
UBND tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy về định hướng và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

 

Học viên cai nghiện ma tuý. Ảnh minh hoạ

 

Mục đích nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước của các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể; trách nhiệm, quyền lợi của Nhân dân trong công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy, qua đó kiềm chế, kiểm soát và từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy; triệt phá, xóa bỏ các đường dây, tổ chức, tụ điểm phức tạp về ma túy; ngăn chặn có hiệu quả việc đưa ma túy vào địa bàn tỉnh tiêu thụ từ các địa phương khác; giải quyết cơ bản tình hình phức tạp về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm; tăng số xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy. Gắn việc triển khai thực hiện Kết luận với việc thực hiện Chương trình phòng chống ma tuý, phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 kiểm soát, từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, không để phát sinh và từng bước chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy thành địa bàn ít phức tạp; đảm bảo 100% số người nghiện ma túy cư trú ổn định tại địa phương được phát hiện và lập hồ sơ theo dõi, quản lý; 90 % số người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và học nghề; 100% số người nghiện trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ được cai nghiện; giảm từ 10% đến 15% tỷ lệ tái nghiện sau cai, giảm 15% đến 20% số người nghiện ma túy ngoài xã hội so với hiện tại; 50% số xã, phường, thị trấn và 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy; phấn đấu giữ vững 100% số xã, phường, thị trấn không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy; không để phát sinh địa bàn trọng điểm, phức tạp loại I về tệ nạn ma túy, chuyển hóa thành công các địa bàn trọng điểm loại II thành loại III và 30% địa bàn loại III thành địa bàn có tệ nạn ma túy.

Kế hoạch cũng đã đề ra một số giải pháp trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh và điều trị nghiện ma túy có hiệu quả với phương châm hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng và tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Tăng cường bố trí lực lượng, nâng cao năng lực phòng, chống và kiểm soát ma túy cho lực lượng chuyên trách, nhất là tại các địa bàn phức tạp về ma túy, tuyến biên giới, cửa khẩu. Thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại, thống kê người nghiện nhằm đánh giá đúng thực trạng, xu hướng sử dụng trái phép các chất ma túy; phân loại đối tượng theo tình trạng nghiện ma túy để có giải pháp quản lý và tổ chức cai nghiện phù hợp với từng loại đối tượng…

Theo Sở LĐTB&XH, từ năm 2011 đến 2015, toàn tỉnh đã lập hồ sơ đăng ký tự cai nghiện tự nguyện tại gia đình cho 187 lượt người. Nhiều mô hình tự cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được triển khai như “hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình” của xã Đại Quang (Đại Lộc), mô hình 1+5 tại xã Tiên Thọ (Tiên Phước), “cai nghiện ma túy tại cộng đồng” của phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ). Các địa phương đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện tại cộng đồng cho 147 lượt người, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 20 người.

Từ đầu năm 2016 đến nay, khi những vướng mắc về mặt thủ tục đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung được tháo gỡ, số lượng đối tượng cai nghiện được đưa đến Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh (xã Sông Trà, Hiệp Đức) tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ không có một học viên nào vào cuối năm 2015, đến nay tại trung tâm này đã tiếp nhận 109 học viên.