Trả lời: Về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên, điều 30 Luật quốc tịch Việt Nam quy định như sau:
- Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi;
- Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi, thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi.
Trường hợp của bạn là công dân Việt Nam muốn xin cho con nuôi là công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch vào quốc tịch Việt Nam thì cần phải có những giấy tờ sau:
- Giấy khai sinh của người con nuôi;
- Giấy giao nhận con nuôi hay giấy tờ khác chứng minh là con nuôi;
- Thẻ căn cước (hoặc chứng nhận khác) về trạng thái không quốc tịch của người con nuôi.
Nếu người con nuôi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn phải có ý kiến đồng ý của người con nuôi đó.
--------------------------
Quốc tịch của trẻ em có bị ảnh hưởng khi quốc tịch của cha mẹ thay đổi
Hỏi: Khi cha mẹ bị tước quốc tịch hoặc bị hủy bỏ quyết định cho vào quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch trẻ em là con của họ được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Những trường hợp sau đây có thể bị tước quốc tịch hoặc bị hủy bỏ quyết định cho vào quốc tịch Việt Nam:
- Trường hợp những người đã nhập quốc tịch Việt Nam nhưng do cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, thì quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu quyết định đó được cấp chưa quá 05 năm (khoản 1 điều 26 Luật quốc tịch Việt Nam).
- Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 điều 25 Luật quốc tịch Việt Nam).
- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu có hành động nêu trên cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam.
Đối với các trường hợp nêu trên, pháp luật luôn bảo vệ lợi ích của trẻ em, quy định quốc tịch của trẻ em là không thay đổi mặc dù cha mẹ hoặc một trong hai người đó bị tước quốc tịch hoặc bị hủy bỏ quyết định cho vào quốc tịch Việt Nam.
--------------------------
Chế độ khám, chữa bệnh và trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi
Hỏi: Người cao tuổi ở Việt Nam được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và hưởng các chế độ trợ cấp xã hội trong trường hợp nào?
- Nội dung bạn hỏi được hướng dẫn tại Thông tư số 36/2005/TT - BLĐTBXH ngày 26-12-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau: Người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế với mệnh giá bằng mức của người nghèo hoặc khám, chữa bệnh miễn phí theo cơ chế thực thanh thực chi tại các cơ sở y tế quy định tại điều 1 của Quyết định số 139/2002/QĐ - TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Chế độ trợ cấp xã hội: Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng hoặc được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý; mức trợ cấp bằng các đối tượng xã hội quy định tại NĐ số 168/2004/NĐ - CP ngày 20-9-2004; người được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội còn được hưởng trợ cấp về tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, thuốc chữa bệnh thông thường và mai táng phí khi chết theo quy định tại Nghị định số 07/2000/NĐ- CP.Người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng từ ngân sách địa phương; mức trợ cấp bằng các đối tượng xã hội quy định tại Nghị định số 168/2004/NĐ - CP.
Người cao tuổi tàn tật, gia đình thuộc diện nghèo được xem xét hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng từ ngân sách địa phương; mức trợ cấp bằng các đối tượng xã hội quy định tại Nghị định số 168/2004/NĐ - CP.
Người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không còn người phụng dưỡng hoặc còn người phụng dưỡng nhưng không đủ khả năng để phụng dưỡng; không có nguồn thu nhập thì được xem xét hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng từ ngân sách địa phương; mức trợ cấp bằng các đối tượng xã hội quy định tại Nghị định số 168/2004/NĐ - CP.
--------------------------
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Hỏi: Đề nghị quý báo cho biết như thế nào là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng? Người phạm tội sẽ bị xử lý ra sao?
Trả lời: Điều 165 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
"1.Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
b) Có tổ chức.
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng phải là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh, dịch vụ hoặc là người được giao trực tiếp thực thi nhiệm vụ quản lý kinh tế người phạm tội biết rõ hành vi của mình là làm trái các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng vì vụ lợi hay động cơ cá nhân vẫn cố tình vi phạm (lỗi cố ý) dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả ở đây có thể là thiệt hại cụ thể về vật chất (gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên) nhưng cũng có thể là hậu quả về chính trị, xã hội như làm rối loạn thị trường, làm trì trệ sản xuất, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới những hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước.
Người không có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức kinh tế nhưng tham gia thực hiện hành vi phạm tội cũng có thể bị xử lý hình sự về tội này với tư cách đồng phạm.
|