Cuối năm 2001, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2000-2010. Theo đó, 1.450 ha mà Công ty Lâm nghiệp (CTLN) Bình Thuận lập dự án khả thi trồng rừng và cây công nghiệp ở tiểu khu 516 cũ thuộc đối tượng rừng sản xuất nằm trên địa phận xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, đã được đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp.
Ngày 16-1-2001, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt dự án trồng rừng và cây công nghiệp của CTLN tỉnh tại địa phận xã La Dạ. CTLN Bình Thuận đăng ký kế hoạch sử dụng đất, tiến hành lập thủ tục thiết kế trồng 319 ha rừng và đến cuối năm 2001, đã tổ chức khai hoang, trồng được 150 ha tre mạnh tông, lõi họ và cây xà cừ.
Ngày 2-5-2002, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định thu hồi 319 ha này giao lại cho UBND huyện Hàm Thuận Bắc khai hoang, bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Ngày 8-6-2004, CTLN Bình Thuận có văn bản xin chủ trương thiết kế tận dụng khai thác gỗ khu vực dự án La Dạ, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đồng ý, đã giao cho đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp lâm - nông - công nghiệp Hàm Thuận Bắc (gọi tắt là xí nghiệp) khảo sát thiết kế và tổ chức khai thác tận dụng gỗ.
Trong 1.450 ha của dự án, có 250 ha rừng được khoanh nuôi bảo vệ và khu vực giáp ranh với rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, nhưng không được chủ dự án, các cơ quan chức năng xác định mốc giới bàn giao cụ thể ngoài thực địa. Xí nghiệp đã thiết kế lấn vào tiểu khu 171 thuộc lâm phận rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, khu nghĩa địa Đan Sách và "rừng ông bà" của đồng bào dân tộc thiểu số.
Do không kiểm tra kỹ hiện trạng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận trình UBND tỉnh cấp phép cho CTLN khai thác gỗ tận dụng trên diện tích 368,98 ha có phần diện tích không đúng với thực tế.
Theo đó, xí nghiệp đã thiết kế xâm phạm vào rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi 6,3 ha, đã tiến hành khai thác 0,18 ha, đồng thời cũng đã thiết kế, khai thác vào diện tích rừng có các khu nghĩa địa và "rừng ông bà" của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Số lượng gỗ mà CTLN Bình Thuận đã khai thác và tiêu thụ từ dự án La Dạ gồm: 1.193,702 m3 gỗ tròn lớn; 253.673 m3 gỗ tận dụng; 151.349 m3 gỗ tròn nhỏ; 16 nghìn cây dùng làm cọc cừ và 1.550 ster củi. Ngoài ra, đơn vị này còn tận thu 69 gốc cây cổ thụ, đã vận chuyển ra khỏi khu vực dự án.
Như vậy, việc CTLN Bình Thuận thiết kế chồng lấn 6,3 ha vào tiểu khu 171 rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, đã khai thác 0,18 ha; tự khoanh bao không đúng giữa các loại bản đồ và trên thực địa, dẫn đến khai thác tận dụng lâm sản khoảng 23,14 ha các khu rừng III a1, II b và đã thiết kế, khai thác tận dụng lâm sản ở các khu nghĩa địa, rừng thiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở La Dạ là có thật. CTLN Bình Thuận, một doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư dự án, nhưng đã chủ quan, không sâu sát, thiếu trách nhiệm để cho đơn vị trực thuộc thực hiện việc làm sai quy định.
Xí nghiệp lâm - nông - công nghiệp Hàm Thuận Bắc thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý trong việc thiết kế, khai thác tận dụng lâm sản lấn sâu vào rừng khoanh nuôi bảo vệ, rừng phòng hộ xung yếu, mà lẽ ra không được phép tác động. Nhiều cơ quan chức năng, tham mưu; nhiều cấp chính quyền ở Bình Thuận cũng liên đới chịu trách nhiệm do không sâu sát, không kiểm tra, đối chiếu giữa bản đồ và thực địa dẫn đến hậu quả trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc những sai phạm, thiếu sót; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp, tự nhận và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh nhất. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương đánh giá hiện trạng, xác định rõ mốc giới 250 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ; tiến hành rà soát toàn bộ đất dự án, nếu phát hiện còn những cụm rừng cần khoanh nuôi bảo vệ, xem xét đề xuất đưa vào ba loại rừng để quản lý, bảo vệ theo quy định của Nhà nước.
Trước mắt, kiểm tra xác định ngay diện tích các khu nghĩa địa, khu vực rừng thiêng của đồng bào để khoanh lại giao cho chính quyền địa phương quản lý; thu hồi số diện tích này đưa ra khỏi đất dự án đã giao cho CTLN tỉnh.
Xem xét lại giấy phép khai thác tận dụng lâm sản đã cấp cho CTLN Bình Thuận, đồng thời cho phép đơn vị này tiếp tục triển khai trồng rừng và cây công nghiệp trên diện tích đất dự án đã khai hoang. Giao cho Sở Tài chính phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn CTLN Bình Thuận tiêu thụ số gỗ còn lại theo đúng quy định. Tất cả những việc trên phải thực hiện xong trước ngày 30-10-2005.
|