“Thật - giả” của Hợp đồng 02 - Chứng minh bằng cách nào?
Theo công bố của VKS, kết quả giám định cho thấy Hợp đồng 02 có chữ ký và con dấu giả Corall. Trong các bài bào chữa, các LS cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy hợp đồng này là thật. "Nếu đã là hợp đồng thật thì sẽ không có hành vi cố ý làm trái hay tham ô" - các LS nhấn mạnh.
Để bảo vệ quan điểm truy tố, đại diện VKS khẳng định: Số tiền hàng trăm triệu USD của Nhà nước đã được chia chác trong vụ này xuất phát từ hai dự án, ngoài ra không thể có ở đâu khác. "Đã là tiền của dự án mà chiếm đoạt thì chắc chắn phải là hành vi vi phạm pháp luật, không thể nói khác."
VKS cho rằng, việc xác định hợp đồng bị làm giả căn cứ vào nhiều khía cạnh. Trước hết là dựa vào kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Thứ hai là việc so sánh con dấu của Corall (được xác định là thật) còn lưu lại khi tham gia ký kết các dự án trước đây trong ngành Dầu khí khác hẳn với con dấu trong Hợp đồng 02. Thứ ba, nếu Corall có ký hợp đồng với PTSC thật thì số tiền phải được chuyển thẳng cho pháp nhân này, hà cớ gì tất cả tiền đều chuyển vào tài khoản của Công ty Leverton do Trần Quang thành lập. Thứ tư, việc PTSC ký hợp đồng với Corall, nhưng lại không biết bên Corall ai đứng ra ký, ký như thế nào, quá trình đàm phán ra sao.
Đáp lại, các LS vẫn khẳng định chưa có cơ sở vững chắc để xác định Hợp đồng 02 là giả. Các LS dẫn ra nội dung các công văn mà phía Corall đòi tiền, trong đó có thể hiện phần nhắc đến Hợp đồng 02 để chứng minh rằng Corall biết và đã thực hiện Hợp đồng 02. LS Trương Thị Hòa còn nhấn mạnh rằng việc VKS so sánh mẫu giữa các con dấu của Corall để đi đến kết luận cái này thật, cái kia giả là không thỏa đáng. LS Hòa nhấn mạnh rằng chính vì sự đánh giá này còn chưa thuyết phục nên sự có mặt của Corall tại phiên tòa, như đề nghị của các LS, là cần thiết. LS Ngô Ngọc Thủy và LS Phan Trung Hoài cũng thể hiện sự hoài nghi về việc xác định Hợp đồng 02 là giả.
Nâng hay không nâng giá thầu?
Đây cũng là phần mà giữa VKS và các LS tranh luận "nảy lửa". VKS khẳng định: "Trong vụ này, chắc là nâng giá thầu, không thể nói khác được...". Ngược lại, các LS vẫn khẳng định không có nâng giá thầu, mà đấy là lợi nhuận của các bị cáo kiếm được từ việc thực hiện dự án. LS Trương Thị Hòa cho rằng cách lập luận của VKS là không thuyết phục. Bởi lẽ, trong cáo trạng đã khẳng định việc Thường - Hà - Quang gặp nhau vào đầu tháng 11, trong bản luận tội vẫn thể hiện điều này nhưng khi tranh luận lại, VKS lại cho rằng có cuộc gặp vào sáng 13-10 - tức trước khi hồ sơ dự thầu được niêm phong vài giờ đồng hồ. Theo LS Hòa, đây là một vấn đề lớn, làm thay đổi bản chất sự việc nên cần phải có sự kiểm tra, đánh giá thỏa đáng. Còn LS Ngô Ngọc Thủy thì cho rằng đây là lợi nhuận các bị cáo kiếm được từ việc mua thiết bị vật tư giá rẻ nên không thể cứ thấy kiếm được nhiều tiền thì gọi là tham ô, chiếm đoạt. Các LS khác còn đặt thêm vấn đề vào thời điểm đó, do thiết bị vật tư ngành Dầu khí giảm giá do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên phải xem đây là "thiên thời", các bị cáo được hưởng "lộc".
Một tình tiết mới xuất hiện?
VKS đề nghị chuyển tội danh đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng Trong phần tranh luận vào cuối buổi sáng 17-10, đại diện VKS đã nhận định rằng, theo quan điểm cá nhân của ông thì việc truy tố bị cáo Nguyền Mạnh Hùng - nguyên Phó Giám đốc PTSC tội "Cố ý làm trái" là “nặng" và đề nghị HĐXX trong phạm vi quyền hạn của mình có thể chuyển tội danh cho bị cáo này cho phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Theo đó, đại diện VKS đề nghị chuyển sang tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là thỏa đáng”.
| Gần cuối buổi chiều làm việc trong phần tranh luận của mình, LS Lưu Văn Tám, bào chữa cho bị cáo Cao Duy Chính đã làm phiên tòa "nóng lên" khi tuyên bố đã phát hiện được tình tiết mới trong vụ án này. Theo LS Tám, trong phần quy kết của VKS đối với Cao Duy Chính, căn cứ quan trọng nhất là việc bị cáo này đã ký vào các biên bản nghiệm thu công trình khi có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật hệ thống treo bơm mà không được sự cho phép của chủ đầu tư. Việc ký biên bản này đã tạo điều kiện cho Trần Quang rút gần 3 tỷ đồng của dự án. LS Tám cho rằng lập luận này không đúng, bởi ông vừa có trong tay văn bản do VSP cung cấp đã chứng minh ngược lại.
Trong văn bản này, việc thay đổi thiết bị hệ thống bơm treo đã được VSP cho phép ngay từ thời điểm đó, người ký văn bản cho thay đổi là Tổng công trình sư người Nga. "Như vậy, việc thay đổi này là hoàn toàn được sự cho phép của nhà đầu tư chứ không phải là bị cáo cố ý làm trái như VKS quy kết" - LS Tám kết luận. Nếu đúng như lời LS Tám nói thì đây là vấn đề mới mà dư luận quan tâm trong phần tranh luận lại của VKS.
Ngoài ra, LS Ngô Ngọc Thủy và LS Phan Trung Hoài cũng đã đề nghị VKS tranh luận lại với LS về tính chất pháp lý của hợp đồng "chìa khóa trao tay” mà các LS đặt ra trong phần bào chữa nhưng chưa được VKS tranh luận lại. Theo các LS, việc tranh luận đến cùng tính chất pháp lý của hợp đồng "chìa khóa trao tay” sẽ giúp HĐXX rất nhiều trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
|