Sự cần thiết thành lập Tòa ma túy ở Việt Nam
Báo Tiếng chuông - 19/04/2018
Ngay sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Pháp lệnh này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/1/2014. Việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc phải tuân thủ theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ quy định tại Pháp lệnh này.

Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến hết tháng 9/2016, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 20.452 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 20.276 trường hợp, đạt 99,14% (chuyển hồ sơ 135 trường hợp; đình chỉ 742 trường hợp; không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 254 trường hợp; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 19.145 trường hợp). Bên cạnh những nỗ lực của Tòa án nhân dân và các cơ quan liên quan giải quyết có hiệu quả việc áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong quá trình phối hợp giải quyết công tác này còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cai nghiện ma túy của các Bộ, ngành liên quan còn chậm, nên các địa phương còn lúng túng trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phối hợp áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Thứ hai, thủ tục về lập hồ sơ trải qua nhiều bước, như: Công an xã, phường lập hồ sơ; chuyển Phòng Tư pháp huyện thẩm định hồ sơ; chuyển Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, sau đó chuyển Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét quyết định… dẫn tới thời gian giải quyết dài. 

Thứ ba, về thủ tục trả hồ sơ, theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh thì: khi nhận được hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, Tòa án phải vào số giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do. Quy định thời hạn 1 ngày làm việc để Tòa án kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ là quá ngắn. Do đó, có cần sự phối hợp giữa Tòa án và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc trả hồ sơ để tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Thứ tư, các đối tượng nghiện ma túy là các đối tượng phức tạp, thường có biểu hiện chống đối nhưng hiện nay chưa có quy định về cơ chế bảo vệ để bảo đảm an toàn cho các phiên họp. Hơn nữa, cần phải có chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Thư ký tham gia giải quyết đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vì công việc này phải tiếp xúc với các đối tượng có liên quan đến tệ nạn xã hội, bệnh truyền nhiễm…

Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc của Tòa án chưa thực sự tạo ra những thay đổi căn bản về chất. Điểm khác biệt chính ở đây là việc chuyển chủ thể ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Trước đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được ban hành và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được áp dụng từ đầu năm 2014 thì việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án quyết định. Ngoài ra, hình thức và cách tổ chức các chương trình cai nghiện bắt buộc không có những cải cách đáng kể so với trước. 

Trong khi đó, nếu Tòa ma túy được thành lập thì khi đó Tòa án không chỉ có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện đối với người nghiện mà Tòa ma túy còn có các nhiệm vụ chuyên môn khác, ví dụ như: tiếp nhận, đánh giá tình trạng nghiện ma túy; lập kế hoạch điều trị, giáo dục về tác hại của ma túy; giáo dục đạo đức và tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; dạy nghề, tạo việc làm và giới thiệu, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ khác; tư vấn dự phòng tái nghiện; kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội trong cộng đồng và xây dựng kế hoạch phục hồi của cá nhân cho những người tham gia chương trình Tòa ma túy. Cùng với việc phục hồi từ nghiện ma túy, người tham gia chương trình Tòa ma túy còn có được những lợi ích về kinh tế - xã hội rõ ràng như: giáo dục, việc làm, cải thiện mối quan hệ gia đình, cũng như tăng sự tự trọng về giá trị của bản thân 

Với những chức năng, nhiệm vụ như nêu ở trên, Tòa ma túy hy vọng là một giải pháp làm giảm tình trạng tái nghiện và phạm tội hình sự sau cai nghiện. Như vậy, xuất phát từ cơ sở pháp lý hiện nay là thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thuộc về Tòa án, việc thành lập Tòa ma túy cần thiết là bước đi tiếp theo nhằm tạo ra những đột phá, thay đổi nhằm mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác cai nghiện.

Thành lập Tòa ma túy để khắc phục những vướng mắc trong xử lý hành chính

Với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Tòa án có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, việc thành lập Tòa ma túy trong hệ thống Tòa án nhân dân là nhu cầu cấp thiết và cấp bách.

Thứ nhất, việc thành lập Tòa ma túy là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của nhà nước về chính sách đối với người nghiện ma túy. Trong những năm gần đây, chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy đã có bước chuyển biến rõ rệt. Nếu trước kia nghiện ma túy bị xem là một loại tệ nạn xã hội và người nghiện ma túy bị xem là đối tượng phạm tội hình sự, thì nay họ được xem là những bệnh nhân cần được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cắt cơn và điều trị nghiện. Vì vậy, Tòa ma túy không đơn thuần là một cơ quan tài phán với nhiệm vụ chính là xét xử mà là một cơ quan được thành lập nhằm mục tiêu xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra. Để thực hiện được mục tiêu đó, Toà ma túy cần thiết phải là một cơ quan mang những đặc điểm đặc thù riêng về mặt tổ chức bộ máy cũng như nhân sự. 

Thứ hai, việc thành lập Tòa ma túy xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và công tác cai nghiện ma túy. Kể từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013, thẩm quyền đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý hành chính đối với người nghiện ma tuý còn gặp nhiều vướng mắc và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, việc triển khai Toà ma tuý sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc đó, tạo điều kiện cho người sử dụng ma tuý, bao gồm cả những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự vì các tội danh khác có cơ hội được lựa chọn một phương pháp điều trị, cai nghiện phù hợp. 

Thứ ba, việc thành lập Tòa ma túy là biểu hiện của sự chuyên nghiệp hóa trong việc giải quyết các vụ án có liên quan đến người nghiện ma túy. Thực tế là số lượng người mắc nghiện và phạm tội do nghiện ma tuý chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian này, vì vậy số lượng các vụ án hình sự trong đó người thực hiện hành vi phạm tội là người nghiện ma tuý cũng không ngừng tăng lên. Đối tượng nghiện ma tuý cũng là những đối tượng có những đặc điểm tâm lý đặc thù. Vì những lý do trên, để việc giải quyết những loại vụ án này đạt được hiệu quả tối ưu, cần thiết phải có một đội ngũ nhân sự, Thẩm phán chuyên trách đảm nhiệm giải quyết các vụ án có liên quan đến người nghiện ma tuý.

Nguyễn Cửu Đức