“Đẩy” hàng siêu thị, dùng thẻ điện thoại giả
Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, vấn đề lo ngại hiện nay không chỉ là tình trạng lao động bỏ trốn gia tăng, mà còn lạ hiện tượng rất... tế nhị: “đẩy hàng”. Đây là lối nói trại đi hiện tượng một số lao động vào trong các cửa hàng, siêu thị của nước sở tại tuồn hàng ra ngoài để bán lại. Có nhiều trường hợp bị xử lý do vào cửa hàng mua quần áo, tranh thủ... nhét túi chiếc khăn choàng cổ; hoặc có trường hợp vào siêu thị lấy vài lọ mỹ phẩm, đồng hồ đeo tay, chiếc máy cassette... Đồng won của Hàn Quốc giống về kích cỡ với đồng yen của Nhật Bản, thế là khi mua hàng, một số lao động ở Nhật Bản sử dụng đồng won để mua hàng tự động thay cho đồng yen.
Trường hợp khác là hiện tượng lao động sử dụng thẻ điện thoại giả, thậm chí mở luôn dịch vụ cho lao động khác gọi về nước để kiếm thêm thu nhập. Để đối phó, Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco và một vài DN XKLĐ khác đều ghi rõ vào hợp đồng, nếu vi phạm trộm cắp, xài thẻ điện thoại giả... sẽ bị xem như tội bỏ trốn. Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Suleco, cho rằng nếu lao động bỏ trốn thì họ có thể ra ngoài làm việc kiếm thêm thu nhập, thiệt hại dù gì cũng ít hơn. Còn nếu rơi vào tội “đẩy hàng”, NLĐ sẽ bị trục xuất về nước, phải bồi thường hợp đồng, thậm chí theo luật của nước sở tại, có thể bị phạt tiền và tạm giam.
Hiểu biết pháp luật mơ hồ
Luật pháp của Malaysia nghiêm cấm hành vi nấu rượu lậu, nếu bị kết tội có thể bị phạt tù từ 4 - 10 năm. Nhưng mới đây, 13 lao động do Tracodi và Coopimex đưa sang Malaysia bị cảnh sát nước sở tại bắt tạm giam về tội nấu rượu lậu. Họ nghĩ ra cách kiếm thêm thu nhập bằng cách nấu rượu để bán lại cho công nhân làm cùng nhà máy. Vụ việc đang được cơ quan thẩm quyền của Malaysia điều tra.
Trở lại với vụ 10 lao động của Chi nhánh Công ty Enlexco tại TP Hồ Chí Minh về nước cuối tháng 11-2005. Theo hợp đồng, người lao động được bố trí làm 8 giờ/ngày, chưa kể làm thêm. Khi mới sang, chủ DN bố trí cho họ số giờ làm hành chính là 7 giờ 30 phút, hưởng nguyên lương của 8 giờ. Nhưng sau thời gian thử việc, chủ tăng thời giờ làm việc lên 8 giờ theo quy định. Thế là tất cả phản ứng, nghỉ việc, đình công đòi làm 7 giờ 30 phút hoặc nếu làm 8 giờ phải trả thêm tiền phụ trội. Hậu quả là chủ DN cắt visa và trả số lao động này về nước.
Tại Enlexco TP Hồ Chí Minh, họ nói rõ mình không vi phạm, chỉ nghỉ việc để đòi quyền lợi chứ không đình công. Theo họ, mang gậy gọc, cuốc xẻng xuống đường phản đối mới gọi là đình công (?!). Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia, những trường hợp tương tự như trên xảy ra khá nhiều ở Malaysia, mà phần lớn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc nhận thức kém của NLĐ. Hậu quả là trong phần lớn vụ việc, thua thiệt, mất mát quyền lợi NLĐ phải tự gánh chịu.
Cần giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động
Trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn thấp, chưa quen với môi trường sản xuất công nghiệp; chưa thích nghi phong tục tập quán ở nước sở tại; ý thức chấp hành kỷ luật kém... là những hạn chế của một bộ phận không nhỏ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đó là nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước và của hầu hết các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ. Từ đó đặt ra trách nhiệm các DN XKLĐ trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc.
Việc Chính phủ mới ban hành Nghị định 141/CP về quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết nhằm giảm thiểu các vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia XKLĐ, trong đó có NLĐ. Nhưng vẫn chưa đủ nếu ở trong nước, từ doanh nghiệp đến các cấp chính quyền địa phương, ban - ngành, đoàn thể đến gia đình và NLĐ không coi trọng khâu giáo dục định hướng, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho con em lao động của mình. Một thực tế là hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, chính quyền địa phương chú trọng thành tích, chỉ tiêu hoặc lợi ích trước mắt, hơn là làm tốt công tác đào tạo nâng cao tay nghề, giáo dục định hướng, tăng cường nhận thức và hiểu biết cho NLĐ.
|