Những năm trước, tình trạng buôn bán, tiêm chích ma túy ở TP Hạ Long diễn ra công khai, nhiều người lảng tránh, chỉ trông chờ công an và lực lượng bảo vệ dân phố đến làm nhiệm vụ. Khi ở tổ dân phố xuất hiện đối tượng nghiện hút, có người sợ quá đến mách cụ Min, liền được cụ trả lời: "Các ông, các bà phải có trách nhiệm khuyên can các cháu nó dại, hà cớ gì mà người ngay sợ kẻ gian. Chống ma túy phải là trách nhiệm của toàn dân".
Nếu không được thông báo trước tuổi, chúng tôi không thể tin cụ Min đã ngoài 80. Cụ Min vóc dáng săn chắc, mái tóc đen mới chỉ điểm bạc. Với giọng nói sang sảng, cụ mời khách vào nhà. Cảnh sát khu vực Dương Văn Xuân cho biết: "Là người học võ, sinh hoạt điều độ cho nên sức khỏe cụ Min còn khá tốt. Cụ vẫn đi tuần tra đêm cùng lực lượng công an và bảo vệ dân phố. Bản thân cụ là điển hình của thành phố, được báo cáo về thành tích truy bắt tội phạm. Có cụ Min khu phố bình yên hơn". Nhiều người vẫn sợ các đối tượng nghiện ma túy chọc bơm kim vào người, tại sao cụ không sợ? Nghe câu hỏi của chúng tôi, cụ Min cười bảo: Chưa có "thuốc" thì chúng hung hăng, còn khi đã "chích" ma túy xong, chúng lờ đờ chỉ cần xô nhẹ cũng ngã.
Theo cụ Min, phải quan sát mắt của các đối tượng, nếu chúng có hành vi chống đối phải quật ngã chúng ngay. Ðó cũng là kinh nghiệm giúp cụ Min bắt năm, sáu vụ đối tượng trộm cắp, và buôn bán ma túy ở tổ dân phố. Trò chuyện với chúng tôi, cụ cho rằng: Toàn dân phải làm công tác phòng, chống ma túy. Ðây không phải là việc của riêng công an, chính quyền hay đoàn thể nào cả. Thực tế, ở TP Hạ Long các đoàn thể đã vào cuộc.
Trưởng Ban Gia đình đời sống của Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thảo cho biết, hội đã chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở thành lập 41 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ đồng cảm. Mục đích, để tuyên truyền về tác hại, cách phòng, chống ma túy, và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS; chia sẻ nỗi đau với các gia đình và người nghiện; thăm hỏi, động viên, và hỗ trợ thêm nguồn vốn giúp các gia đình và con nghiện sau cai có việc làm, tăng thu nhập. Bác Tống Bích Thuận, ở khu 2A, Chủ nhiệm CLB đồng cảm của phường Cao Xanh, đã kể về nỗi đau xót của những gia đình có con nghiện ma túy với chúng tôi. Bản thân bác tự nguyện tham gia gánh vác công việc của CLB với mong muốn, làm dịu đi nỗi đau của những người mắc nghiện, nhiễm HIV, đồng thời hướng dẫn người nghiện, nhiễm HIV biết cách phòng, chống lây lan cho cộng đồng.
Theo giới thiệu của bác Thuận, chúng tôi đến nhà bà B, ở tổ 15, có hai con chết vì nghiện ma túy. Tôi lặng người đi khi chính giữa gian nhà là bàn thờ chồng, bên cạnh là bàn thờ các con của bà B. Cả hai khuôn mặt trong ảnh còn khá thơ ngây, ngơ ngác. Rớm nước mắt, bà B kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh các con bà mắc nghiện khá trớ trêu. Trước, gia đình bà ở bến tàu khách Quảng Ninh. Bà làm công nhân ngành than. Chồng bà làm lãnh đạo ở một ngành cũng khá quan trọng. Thế nhưng, do bận công việc cả hai chểnh mảng không giám sát được các con. Chúng mới lớn, nhỏ dại hám tiền, mở quán bán nước bị kẻ xấu xúi giục bán heroin.
Từ chỗ sợ mua phải hàng giả, hằng ngày các cháu phải "nếm" thứ bột trắng chết người này, cho nên mắc nghiện ma túy mà không hay biết. Ðến khi bà B cùng chồng phát hiện thì đã quá muộn. Chồng bà buồn và xấu hổ với cơ quan, mọi người chung quanh, sinh bệnh, ốm mà chết. Hai con bà cũng lần lượt nhiễm AIDS từ giã cuộc đời. Nỗi đau của bà B quá lớn, giờ đây, CLB phụ nữ đồng cảm là chỗ dựa của bà B, xoa dịu phần nào những mất mát mà bà B đang gánh chịu.
Theo thống kê của ngành chức năng, TP Hạ Long hiện có khoảng trên dưới 400 người nghiện. Thế nhưng, mỗi năm Trung tâm cai nghiện ma túy Vạn Cảnh, chỉ có thể tiếp nhận cai cho khoảng 30 người nghiện. Ðó cũng là khó khăn cho các gia đình có người nghiện ma túy và việc phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích, nguy cơ gia tăng cao. Vậy, làm thế nào để có thể giảm người nghiện ma túy? Câu hỏi này có thể hiểu: Ðó là công tác phòng ngừa, và đấu tranh triệt phá đầu nậu cung cấp ma túy. Qua công tác nắm tình hình của lực lượng công an thành phố cho thấy, trước đây thành phố có thể bắt những đầu nậu buôn bán ma túy thu từng bánh heroin, thì nay việc bắt giữ chỉ thu được tép nhỏ.
Trung tá Phạm Hồng Sinh, Phó trưởng Công an TP cho biết: "Do lực lượng công an đánh mạnh, cho nên các đối tượng buôn bán ma túy không còn hoạt động trắng trợn tại một số tụ điểm trong thành phố trước đây như: Loong Toòng, dốc ngân hàng... Vậy, các đối tượng nghiện nhiều khi phải đi xe ôm về các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội... mua ma túy về bán lấy tiền và có "thuốc" để sử dụng". Nắm được quy luật đó, năm 2005, Ðội Cảnh sát Ðiều tra phòng, chống ma túy của công an thành phố, cùng công an các phường đã phục kích bắt 280 vụ, 361 đối tượng buôn bán ma túy, thu 102 gam heroin, tám xe máy, mười điện thoại di động, 15,5 triệu đồng do các đối tượng buôn ma túy mà có.
Cuộc chiến phòng, chống ma túy ở TP Hạ Long và toàn tỉnh Quảng Ninh còn nan giải, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Bởi, thảm họa do ma túy gây ra là quá lớn. Không thể tính hết thiệt hại về kinh tế, những nỗi đau tinh thần, sự suy đồi về đạo đức... trong đó, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy quả là không nhỏ.
Ðược biết, riêng ở Ðội Cảnh sát Ðiều tra chống tội phạm ma túy của Công an TP Hạ Long, có hai người bị phơi nhiễm HIV khi đi bắt tội phạm ma túy. Ðó là Ðội trưởng Nguyễn Văn Dinh và Ðại úy Nguyễn Văn Hồng. Cũng may là có sự quan tâm của Công an tỉnh, thành phố, đồng đội và gia đình, các anh đã kịp thời về Hà Nội tiêm thuốc phòng, chống HIV, mới qua được tử thần.
|