Trả lời: Trước hết cần hiểu theo quy định của pháp luật (Điều 10 Luật Dược), kinh doanh thuốc bao gồm các hình thức sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu bán buôn, bán lẻ, dịch vụ bảo quản và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc. Khác với nhiều ngành nghề kinh doanh khác trong xã hội, tại Điều 11 Luật Dược (có hiệu lực từ ngày 1-10-2005) quy định kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc (gọi chung là cơ sở kinh doanh thuốc) bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Cơ sở kinh doanh thuốc được cấp Giấy chứng nhận phải có đủ các điều kiện sau: Cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự có trình độ chuyên môn cần thiết cho từng hình thức kinh doanh thuốc. Người quản lý chuyên môn về dược đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với hình thức kinh doanh.
Đối với cơ sở sản xuất thuốc, làm dịch vụ bảo quản thuốc, làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc sẽ do Bộ Y tế cấp. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các hình thức còn lại.
-------------------------------------
Hỏi: Chứng chỉ hành nghề dược là gì? Ai sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề dược? Ai có quyền cấp chứng chỉ?
Trả lời: Theo Điều 2 Luật Dược, hành nghề dược là việc cá nhân sử dụng trình độ chuyên môn dược của mình để kinh doanh thuốc. Một cá nhân muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược, phải đáp ứng đủ các điều kiện như quy định tại Điều 13 Luật Dược: Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của từng hình thức kinh doanh thuốc. Đã qua thực hành ít nhất từ 2 năm đền 5 năm tại cơ sở dược hợp pháp đối với từng hình thức kinh doanh. Có đạo đức nghề nghiệp và đủ sức khỏe để hành nghề dược.
Bộ trưởng Y tế sẽ cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho cá nhân đăng ký hành nghề dược có vốn đầu tư nước ngoài; Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề dược cho những trường hợp còn lại. Cũng như cơ sở kinh doanh thuốc đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
-------------------------------------
Hỏi: Tại các cơ sở bán lẻ thuốc, người bán lẻ thuốc và chủ cơ sở bán lẻ thuốc được hưởng các quyền gì và phải thực hiện nghĩa vụ gì?
Trả lời: Luật Dược (Điều 24) quy định cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý bán thuốc của doanh nghiệp; tủ thuốc của trạm y tế. Tại các cơ sở bán lẻ thuốc, người bán lẻ thuốc và chủ cơ sở bán lẻ thuốc có chung các quyền như được bán lẻ thuốc cho người sử dụng; từ chối bán thuốc khi đơn thuốc kê không đúng quy định hoặc người mua thuốc không có khả năng tiếp nhận những chỉ dẫn cần thiết. Ngoài ra, người bán lẻ thuốc là dược sỹ có trình độ có quyền thay thế thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, dạng bào chế, cùng liều lượng khi có sự đồng ý của người mua. Đối với chủ cơ sở bán lẻ thuốc, ngoài những quyền chung nói trên, chủ cơ sở bán lẻ thuốc có quyền mua thuốc từ cơ sở bán buôn để bán lẻ, mua nguyên liệu để pha chế thuốc theo đơn và có thể ủy quyền cho nhân viên có trình độ chuyên môn tương đương trở lên điều hành công việc khi vắng mặt (Điều 27).
Theo quy định tại Điều 28 Luật Dược, thì: người bán lẻ thuốc có các nghĩa vụ như: kiểm tra đơn thuốc trước khi bán; ghi rõ tên thuốc, hàm lượng trên bao bì đựng thuốc khi thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì ngoài của thuốc, bán đúng thuốc ghi trong đơn thuốc, nếu trường hợp cần thay thế thuốc phải ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, nồng độ, số lượng thuốc, cách thức sử dụng thuốc đã thay thế vào đơn và chịu trách nhiệm về việc thay thế đó. Người bán lẻ thuốc phải chịu trách nhiệm trước chủ cơ sở bán lẻ thuốc về hành vi của mình trong phạm vi được ủy quyền.
Chủ cơ sở bán lẻ thuốc có các nghĩa vụ: trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ sở; niêm yết thời gian bán thuốc, niêm yết giá bán lẻ trên sản phẩm, trừ trường hợp giá bán đã được in trên sản phẩm, không được bán giá cao hơn giá niêm yết, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ sở, kể cả trong trường hợp ủy quyền.
Người bán lẻ thuốc và chủ cơ sở bán lẻ thuốc đều phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc trong trường hợp có thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
|