Vay, trả nhập nhèm
Qua điều tra từ thực tế cơ sở và qua sáu bản kết luận thanh tra, chúng tôi nhận thấy vấn đề vi phạm các nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính, vi phạm Luật Ðất đai ở Phúc Thành là nghiêm trọng. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn 1992 - 2000, UBND xã Phúc Thành, đứng đầu là ông Bùi Văn Năng, Chủ tịch UBND xã thời gian đó đã cấp bán đất trái thẩm quyền và hợp pháp hóa đất ở sai quy định cho 101 hộ dân với tổng diện tích 25.376 m2. Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Phúc Thành tại cuộc họp tổng kết dồn điền đổi thửa vừa qua, thì 57.424 m2 trên tổng số 89.424 m2 đất công điền của xã đã "biến mất". Nhưng điều đáng nói hơn là phần lớn những thửa đất màu mỡ ấy nằm trong tay nhiều cán bộ xã và những người bà con của họ.
Các kết luận thanh tra cũng chỉ ra, trong thời gian từ năm 1996 đến 1999, Ðảng ủy Phúc Thành đứng đầu là ông Trần Văn Bằng, Bí thư Ðảng ủy "chủ trương" giao cho UBND xã đi vay tổng cộng 1 tỷ 248 triệu đồng từ các nguồn ngân hàng, tín dụng, vốn nhàn rỗi để sử dụng vào mục đích trả nợ công trình đường giao thông nông thôn, trong khi số tiền mà xã phải chi trả là 363 triệu đồng. Bóc tách số liệu từ hai bản kết luận số 02 ngày 25-1-2002 và số 18 ngày 15-11-2002 của Thanh tra huyện Kinh Môn cho thấy: Trên thực tế, UBND xã Phúc Thành mới trả đơn vị thi công 252 triệu đồng, còn lại 996 triệu đồng (trong khoản vay 1 tỷ 248 triệu đồng) đều sử dụng vào việc trả gốc và lãi suất tiền vay. Chưa hết, xã còn dùng 100 triệu đồng từ ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ làm đường, 83 triệu đồng từ tiền bàn giao lưới điện trung áp, 16 triệu đồng trích từ ngân sách xã, 13 triệu đồng tiền công chăm sóc đồi rừng của nhân dân để tiếp tục trả gốc và lãi suất tiền vay. Nhưng cố gắng "giật gấu vá vai" cỡ nào thì đến ngày 31-3-2002, xã vẫn còn nợ đơn vị thi công hơn 110 triệu đồng và nợ tiền vay 152 triệu đồng.
Tuy nhiên, những thất thoát nêu trên mới chỉ là một phần trong các khoản thu - chi sai nguyên tắc của ngân sách xã Phúc Thành. Ðể lấp liếm sự nhập nhèm trong thu - chi, xã chặn đầu chặn đuôi hơn 100 triệu đồng vốn vay xóa đói, giảm nghèo của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, vốn Dự án 327; thu - chi tiền đền bù và bán đất không qua kho bạc hơn 38 triệu đồng; chi "không rõ mục đích" tiền đóng góp xây dựng trường học của dân hơn 95 triệu đồng... Ngoài ra, ngân sách xã còn cho các cán bộ văn phòng, địa chính, kế toán... "ứng rồi không hoàn ứng" (?) suốt nhiều năm lên đến hàng chục triệu đồng.
Cần làm rõ trách nhiệm
Trong các lần làm việc với ông Dương Quang Ðỗng, Chánh Thanh tra huyện Kinh Môn và ông Trần Ðức An, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chúng tôi đặt vấn đề: Nguyên nhân của tình hình khiếu kiện phức tạp ở Phúc Thành là gì, thì được giải thích: "Do nội bộ mất đoàn kết". Nhưng khi chúng tôi nêu câu hỏi này với nhiều người dân và đảng viên trong Ðảng bộ xã Phúc Thành, thì lại nhận được câu trả lời không giống như vậy. Phần lớn những người được hỏi cho rằng: Do Quy chế dân chủ ở cơ sở không được thực hiện nghiêm túc, do đội ngũ cán bộ có nhiều sai phạm, làm mất lòng tin của dân.
Những sai phạm của một số cán bộ xã Phúc Thành đã khiến nhân dân và các đảng viên trong Ðảng bộ, thậm chí chính những người trước đây từng đặt niềm tin ở họ, bất bình không thể kiên nhẫn hơn được.
Chủ tịch UBND xã lên kế nhiệm Bùi Văn Học (là cháu của chủ tịch vừa bị cách chức Bùi Văn Năng) tiếp tục "bán" đất. 5,6 ha đất bãi trồng dâu nuôi tằm đang sử dụng có hiệu quả bị UBND xã ép chuyển mục đích sử dụng để cho các chủ lò gạch thuê trong 5 năm, thu về 181 triệu đồng (trong khi người dân phải phá bỏ đồ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống, ước thiệt hại 200 triệu đồng). Khoản tiền này được HÐND xã ra nghị quyết sử dụng vào làm đường giao thông nông thôn. Nhưng khi các đại biểu HÐND chất vấn, thì ông Chủ tịch trả lời: "Trả lương cho cán bộ xã hết rồi". Trong buổi làm việc, chúng tôi hỏi: "Lương cán bộ đã có ngân sách lo, chi như vậy có đúng mục đích?". Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thực tế đã dùng chi cho hoạt động của địa phương". Nhưng cụ thể là chi cho hoạt động gì, thì ông Chủ tịch không giải thích rõ ràng.
Do những sai phạm không được xử lý dứt điểm đã khiến nhiều người dân dám đấu tranh ở Phúc Thành lo ngại vì sống không yên trước sự đe dọa trả thù của các đối tượng tiêu cực. Chuyện đã từng xảy ra với gia đình ông Phạm Văn Mỵ ở thôn Lâu Mộng. Sau vài lần đứng tên làm nguyên đơn, gia đình ông Mỵ bị phá nát ruộng trồng hành và một con bê bị đâm trọng thương. Mới đây là trường hợp ông Trần Văn Kim, vì viết đơn kiến nghị, phát biểu phê phán một số cán bộ xã trong cuộc họp, cho nên, ngày 1-8 vừa qua, ông nhận được ba chiếc phong bì có dán tem. Lá thư đề gửi cho ông, hai con trai và người cháu họ của ông, được viết với thái độ hằn học và lời lẽ đe dọa hung hãn.
Dư luận đang hết sức quan tâm và đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương giải quyết dứt điểm những sai phạm ở xã Phúc Thành.
ĐẠI HOÀNG
|