Cần tăng mức đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS
Các Website khác - 15/12/2008
 Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm hàng chục ngàn người có HIV và hàng ngàn đối tượng đã chết vì căn bệnh này. Mức độ ảnh hưởng của nó đối với xã hội quá rõ ràng nên đã nhận được sự quan tâm của các ban ngành và cộng đồng; thậm chí, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ đại dịch AIDS. Xung quanh vấn đề này, ông Chu Quốc Ân (ảnh), Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết:

Thời gian qua, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống HIV/AIDS như ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; can thiệp phòng, chống AIDS vào nhóm di biến động... Kết quả cho thấy, hầu như các bệnh nhân cũ không còn sử dụng heroin. Vì thế, chúng tôi có thể khẳng định, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, tốc độ lây lan của đại dịch đang có xu hướng chững lại. Cụ thể, nếu 10 tháng năm 2007 cả nước có 20.378 trường hợp có HIV thì cùng kỳ năm nay có 17.126 trường hợp, giảm 15,96%. Tính đến tháng 10/2008, cả nước có 6.858 bệnh nhân AIDS, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2007; 3.414 bệnh nhân tử vong, giảm 15,37%.

Mặc dù dịch HIV /AIDS có xu hướng chững lại nhưng theo một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là tỷ lệ người có HIV/AIDS giảm so với các năm trước, song nếu chúng ta không triển khai ngay các biện pháp can thiệp, dịch vẫn có thể bùng phát. Hai hành vi làm lây lan HIV chủ yếu là dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không dùng bao cao su.

Để hạn chế những nguy cơ này, chúng tôi tham mưu với Bộ Y tế đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp thông tin cho cộng đồng một cách đầy đủ và hiệu quả. Hiện có 2 phương pháp quan trọng là giáo dục truyền thông và giảm hại. Chúng tôi đã triển khai phương pháp can thiệp giảm tác hại trên 341 quận, huyện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiếp cận được hết các đối tượng.

Trước mắt, chúng tôi chưa thể triển khai biện pháp truyền thông đại chúng mà chỉ tập trung vào những nhóm ưu tiên, tiếp cận với họ nhằm ngăn chặn HIV không để lây lan ra cộng đồng. Đây chính là chiến dịch bao vây mà các nước đã triển khai rất hiệu quả.

Thời gian tới, ngoài việc thành lập các câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, tăng cường can thiệp giảm tác hại, Cục sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho đối tượng thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Với những giải pháp đó, chúng tôi tin tỷ lệ người có HIV/AIDS sẽ tiếp tục giảm.

Hoạt động phòng, chống HIV /AIDS hiện đang gặp khó khăn gì, thưa ông?

So với một số quốc gia, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của nước ta còn chậm, hiệu quả thấp và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ thiếu và hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là ở cơ sở; nguồn kinh phí quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Theo Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, mục tiêu đến năm 2010, 100% dân số thành thị và 80% dân số nông thôn biết cách phòng tránh HIV; giảm tỷ lệ hiện nhiễm trên nhóm dân cư chung là 3% vào năm 2010 và không tăng thêm sau năm 2020; giảm các tác động bất lợi của HIV đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngành y tế cần mức đầu tư hàng năm cao hơn ít nhất 5 - 10 lần so với hiện nay. Năm 2008, ngân sách chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của cả nước chỉ có 110 tỷ đồng. Năm 2003, chi ngân sách cho bình quân ở nước ta là 0,14 USD/người/năm, giai đoạn 2004 - 2005 là 0,24 USD/người/năm, trong khi theo khuyến cáo của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS), mức đầu tư tối thiểu phải đạt 1 USD/người/năm. Theo Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010, chúng ta còn thiếu khoảng 400 triệu USD so với yêu cầu.

Vì vậy, hoạt động phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều gian nan và thách thức. Bản thân HIV/AIDS là một bệnh dịch, nhưng việc phòng, chống có hiệu quả hay không không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của ngành y tế mà còn của cả xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Huệ (thực hiện)

                                                                                                                           Theo Kinh tế nông thôn