Cuộc chiến còn dài
Các Website khác - 25/08/2004

Cuộc chiến còn dài

Cảnh sát TQ giới thiệu biểu tượng chống buôn người
TT - Trong khuôn khổ chương trình hợp tác chống buôn người qua biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) 2001-2005, mới đây Tạp chí Bắc Kinh (Beijing Review) đã có bài viết tổng kết về thực trạng, xu hướng của việc buôn bán phụ nữ VN qua biên giới với TQ, cùng với các nỗ lực chặn đứng tình trạng này của chính quyền hai nước.

Một ngày tháng 10-1999, Hoàng Hồng Thắm, 18 tuổi, hân hoan rời khỏi ngôi nhà của cô ở VN, cách biên giới với TQ chỉ 20 phút đi xe. Cô sang TQ để nghỉ với người bạn của mẹ mà không hình dung rằng một cơn ác mộng đang bắt đầu. Thắm bị bắt cóc và bán cho một nông dân TQ để làm vợ. Cô không biết nói tiếng Hoa và cũng không biết làm cách nào để liên lạc với gia đình.

May mắn là sau đó một tháng, cha mẹ cô đã tìm thấy cô và phải đến đặt điều với "chàng rể từ trên trời rơi xuống" về một người thân bệnh nặng đang muốn gặp mặt Thắm. Kèm theo đó, họ đã để lại cho chàng rể... một khoản tiền "ký thác". Thắm là một trong hàng vạn cô gái VN đã bị bán sang TQ, song không phải ai cũng có cơ may về được đến nhà như cô.

Một hiện tượng xã hội

TQ và VN có hơn 1.000km đường biên giới chung. Khoảng cách ngắn nhất giữa thị trấn Đông Hưng, Quảng Tây với tỉnh Móng Cái chỉ là một dòng sông rộng 20m. Người dân sống hai bên biên giới có truyền thống buôn bán và kết hôn với nhau từ lâu. Sau khi TQ và VN bình thường hóa quan hệ ngoại giao, buôn bán hai chiều lại càng tăng lên. Cư dân mỗi bên giờ đây có thể tự do băng qua biên giới miễn sao vào cuối ngày họ phải trở về nơi cũ. Buôn người VN sang TQ được tiến hành bởi các băng nhóm buôn người từ cả hai bên.

"Mồi nhử" thường là một cuộc hôn nhân hoặc một công việc lương hậu. Nhưng cũng có không ít phụ nữ VN sa chân đến đất khách quê người chỉ vì bị bắt cóc. Thông thường, chính những phụ nữ VN ở biên giới là tòng phạm hoặc tham gia các đường dây vận chuyển nạn nhân nữ, tuổi từ 13-40, sang TQ. Qua bên kia biên giới, các băng nhóm TQ chịu trách nhiệm việc bán các nạn nhân.

Trước đây, thị trường buôn bán phụ nữ VN ở TQ là các tỉnh miền nam như Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Nhưng gần đây, địa bàn đã mở rộng ra ít nhất 15 tỉnh khác ở trung, tây và bắc TQ, chẳng hạn các khu tự trị Ninh Hạ và Nội Mông và tỉnh Hà Nam, Hà Bắc. Wang Daming, nhân viên phụ trách "Chương trình vì trẻ em có khó khăn đặc biệt" do UNICEF tài trợ ở TQ, khẳng định: "Một số phụ nữ VN đã bị bán cho đàn ông nông thôn TQ để làm vợ, số còn lại bị đưa vào nhà thổ".

Một cuộc điều tra đã phác họa bức chân dung tiêu biểu của những ông chồng TQ của các nạn nhân VN: nghèo, ít học thức, bị thiểu năng tâm thần hoặc dị tật, độ tuổi 30 - 50. Theo thống kê của TQ năm 2000, tỉ lệ trẻ sơ sinh là 118 bé trai /100 bé gái, một tỉ lệ mất cân đối trầm trọng do chế độ mỗi gia đình một con và truyền thống trọng nam khinh nữ. Ở khu vực nông thôn, tình hình này lại càng nghiêm trọng.

Nam giới TQ vì vậy rất khó tìm vợ tại địa phương. Họ ưa thích các cô dâu VN vì chẳng những được vợ mà "phí cưới xin" cũng rất rẻ. Ví dụ tại Đông Hưng: theo truyền thống, gia đình chú rể phải trả cho gia đình cô dâu 8.000-10.000 tệ (970 USD-1.220 USD) tiền dạm hỏi, trong khi họ chỉ cần trả cho bọn buôn người khoảng 1.000-3.000 tệ "tiền mai mối" là có ngay một người vợ VN.

Một nông dân TQ 50 tuổi tên Deng Wendong cho biết: "Người ta dễ bị khinh nếu không có tiền lẫn vợ. Vợ VN chăm chỉ và dễ vâng lời chồng hơn phụ nữ TQ nên cưới vợ VN rất lợi". Deng vừa "mua" một người vợ VN 27 tuổi với giá 300 tệ (36 USD) vài năm trước.

Về phía cung ứng, những kẻ buôn người thu nhanh chóng một khoản tiền mà không tốn một khoản phí hành chính nào. Theo UNICEF, chỉ riêng trong năm 2003 đã có khoảng 10.000 - 12.000 phụ nữ VN bị bọn buôn người bán sang TQ.

Tương lai mờ mịt

Buôn người qua biên giới còn góp phần vào tình trạng di cư, lao động và hôn nhân bất hợp pháp. Liên Hiệp Quốc đã khẳng định việc cưỡng ép phụ nữ chấp nhận một lối sống khác cũng là vi phạm quyền con người.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong số 8.002 phụ nữ VN đang sống ở khu tự trị Choang - Quảng Tây, 7.919 người là vợ của dân địa phương, nhưng chẳng ai trong số họ có hôn thú hợp lệ. Tổng cộng đã có 9.745 trẻ em ra đời từ những cuộc hôn nhân này, nhưng chỉ 0,3% được đăng ký khai sinh chính thức (cho dù Nhà nước TQ vẫn cho phép tất cả đều được đến trường).

"Trong thực tế, tôi thấy có nhiều cặp hạnh phúc khi người vợ Việt cảm thấy có thể trông cậy vào chồng mình. Vài người thậm chí còn tình nguyện ở lại TQ vì được chồng đối xử như một người vợ hợp pháp. Tuy nhiên về lâu về dài, những phụ nữ VN này phải làm gì? Họ không có quốc tịch, vị trí xã hội hoặc giấy phép cư trú ở TQ. Tương lai những đứa trẻ được sinh ra bất hợp pháp sẽ về đâu?" - ông Wang đặt vấn đề.

Cũng theo ông, vài phụ nữ VN đã bị ngược đãi và giam cầm bởi "các ông chủ". Họ bị bán lại cho những người đàn ông khác hoặc bị ép vào nhà thổ và phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV/Aids và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Tệ hại nhất là trong số các nạn nhân có nhiều cô gái chưa đến 18 tuổi. Trong những năm gần đây, các cô gái bị bán đi ngày càng trẻ hơn, và ngày càng có nhiều người bị buộc làm gái điếm chứ không phải được đưa sang để làm vợ.

Cuộc chiến không của riêng nước nào

Ngày 3-6-2004, 200 quan chức TQ và VN cùng các đại diện của UNICEF đã đưa ra thông cáo chung lên án nạn buôn người tại một buổi lễ tổ chức trên cầu Bắc Luân bắc ngang Móng Cái và Đông Hưng. Tham gia sự kiện này còn có Liên hiệp phụ nữ toàn TQ và cảnh sát hai hước.

Một chiến dịch mới đã được phát động nhằm nâng cao nhận thức trong các cộng đồng về tính nghiêm trọng của nạn buôn người, hướng dẫn phụ nữ, trẻ em và cha mẹ cảnh giác và tự bảo vệ trước các nhóm buôn người, tăng cường chăm sóc các nạn nhân của nạn buôn người... Các quan chức hai nước cũng nhấn mạnh nhu cầu liên kết cảnh sát hai nước để bài trừ tận gốc tội ác buôn người.

Mehr Khan, giám đốc khu vực của UNICEF, đã gọi hợp tác Trung - Việt chống buôn người là "mối hợp tác tích cực nhất ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương". Ông nói: "Phụ nữ và trẻ em phải được coi trọng như những con người với những quyền của họ, chứ không phải là bị coi như hàng hóa".

Việc hợp tác đã có những kết quả đầu tiên. Nếu trong năm 2001 có 15 cô gái VN được giải cứu và hồi hương từ Đông Hưng, thì sang đến năm 2003 con số này đã tăng lên đến 141 người.

TH.TÙNG lược dịch