Hà Nội phòng, chống HIV/AIDS: Người nghiện nhiễm HIV/AIDS đã giảm
Đây là thành công lớn nhất trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội trong nhiều năm qua. BS Phạm Thị Hoàng Nga - Chánh Văn phòng Uỷ ban Phòng, chống AIDS Hà Nội - nói: - Nếu tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở những năm 1997-1998 chiếm 86% thì đến nay đã giảm xuống 72%. Tỉ lệ người nhiễm HIV trong nhóm ma tuý tăng liên tục từ năm 1993 đến nay. | Cổ động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội | Có thể chia làm các giai đoạn sau: Từ năm 1993 đến 1997 có khoảng 9% người nghiện nhiễm HIV. Từ năm 1997 - 2000 tăng từ 4-7%/năm số người nghiện nhiễm HIV. Từ 2000-2003, tỉ lệ tăng từ 3-5%/năm. Từ 2003-2005, tỉ lệ này chỉ dưới 1%/năm. Tốc độ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý đã giảm đáng kể. Đây là một cố gắng rất lớn của Hà Nội. Để giảm số người nhiễm HIV trong nhóm ma tuý, đã có rất nhiều hoạt động can thiệp vào nhóm nguy cơ này. Việc cấp phát bơm kim tiêm, bao caosu miễn phí đã được thực hiện rộng rãi. Đa số người dân đã chấp nhận việc cấp phát bao caosu, bơm kim tiêm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng không còn cho rằng đó là "tang vật" khi xử lý các tệ nạn xã hội. Nhóm giáo dục đồng đẳng ở 14 quận, huyện được tuyển chọn từ những đối tượng đã từng sử dụng ma tuý, nay tình nguyện tham gia phát bơm kim tiêm, bao caosu và tài liệu cho các đối tượng có nguy cơ cao. Gần 2 triệu bơm kim tiêm, 100.000 bao caosu... đã được phát đến nhóm đối tượng nghiện chích trong 5 năm qua. Từ những hoạt động đó, tỉ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm nghiện chích ma tuý đã tăng và làm giảm số người nhiễm HIV trong đối tượng này.
Thưa bà, vậy đây có phải là tín hiệu mừng về tình hình nhiễm HIV/AIDS chung của Hà Nội?
- Đúng là rất mừng khi tỉ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý giảm. Nhưng lại đang có một mối lo khác lớn hơn là sự lây nhiễm HIV sang các đối tượng khác trong cộng đồng như: Bệnh nhân hoa liễu, thanh niên nhập ngũ, phụ nữ có thai... Việc phòng, chống sẽ rất khó khăn khi tỉ lệ nhiễm trong cộng đồng tăng, mức độ can thiệp phải rộng hơn, truyền thông sâu hơn. Chẳng hạn ở nhóm thanh niên đường phố, rất khó có thể tập trung truyền thông. Nhóm lao động tự do ngoại tỉnh (khoảng 1,5 triệu người) tiếp cận cũng rất khó khăn, mà họ đang là nhóm có nguy cơ cao... Điều này sẽ cảnh báo một nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất lớn và khó kiểm soát. Khi đó hậu quả cho mỗi gia đình và xã hội sẽ rất lớn. Nhiều gia đình sẽ mất đi người trụ cột, gia đình tan vỡ, những đứa trẻ mồ côi...
Hà Nội đã có chương trình điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân HIV, cho đến nay kết quả thế nào, thưa bà?
- Đã có 100 bệnh nhân HIV ở Hà Nội được điều trị bằng thuốc kháng virus nhưng chưa có hiệu quả vì chưa có đủ toa (3 loại thuốc kết hợp). Hơn nữa việc bệnh nhân dùng thuốc cần phải giám sát chặt chẽ, nếu không bệnh nhân bị kháng thuốc. Nhiều người bệnh mong muốn có thuốc để duy trì cuộc sống, nhưng vẫn bất khả kháng, vì nhà nước chưa đủ tiền để lo cho người HIV/AIDS, hiện mới chỉ có 0,16USD/người dân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Việc kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS ở Hà Nội vẫn còn rất lớn, liệu có cách nào để chống kỳ thị?
- Người nhiễm HIV đến nay vẫn bị coi là tệ nạn xã hội, xã hội nên nhìn nhận họ như là người bệnh bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Qua nhiều lần tiếp xúc với người nhiễm HIV, chúng tôi được biết họ bị sức ép dư luận rất lớn, nhiều người ghẻ lạnh không dám ngồi ăn chung, uống chung. Có nhà có người bị nhiễm HIV được cán bộ y tế đến thăm, hàng xóm xung quanh xì xào đến mức bà mẹ phải xin cán bộ đừng đến thăm nữa, để con bà được sống yên ổn. Sự kỳ thị không chỉ ở người dân mà cán bộ y tế khi khám bệnh cho người HIV đeo găng, đeo khẩu trang rất kỹ càng mà không nghĩ rằng đó chính là sự kỳ thị với họ. Để chống kỳ thị rất khó, vì đó là một quan niệm. Theo tôi, cần đưa nội dung phòng, chống AIDS vào chương trình giáo dục tiểu học để sớm có những thay đổi nhận thức, hành vi về vấn đề này. Có như vậy, công cuộc phòng chống mới thành công.
Theo bà, hiện nay Hà Nội còn những việc gì chưa làm được trong phòng, chống HIV/AIDS?
- Hệ thống phòng, chống AIDS tại xã, phường đã có nhưng mạng lưới này đến tận thôn xóm, tổ dân phố chưa có nên người dân chưa nhận được nhiều thông tin về phòng, chống AIDS. Thiếu kinh phí tuyên truyền đang làm hạn chế nhiều hoạt động...
Xin cảm ơn bà. Ngọc Phương thực hiện |