Tham vấn quốc tế cho báo cáo MDG của Việt Nam
Các Website khác - 09/08/2005

Hà Nội (TTXVN) - Ngày 9/8, đại diện của nhiều nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan của chính phủ Việt Nam, đã nhóm họp tại Hà Nội để thảo luận dự thảo lần thứ 5 báo cáo quốc gia đầu tiên của Việt Nam về quá trình thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Các tổ chức quốc tế có sự cộng tác chặt chẽ và hiểu biết sâu sắc về tình hình Việt Nam như UNDP, UNICEF, ILO, ACTION AIDS đã có những bình luận và gợi ý chi tiết để hoàn chỉnh bản báo cáo về thành tựu và thách thức của Việt Nam trên đường thực hiện MDG. Báo cáo này sẽ được hoàn tất trong tuần tới để Chủ tịch nước Trần Đức Lương giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào tháng 9, ở Niu Yoóc.

Theo đánh giá của dự thảo báo cáo, 5 năm qua, kể từ khi cùng với 189 quốc gia khác ký cam kết thực hiện MDG, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động thiết thực và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận ở cả 8 mục tiêu đã cam kết trên các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phòng chống HIV/AIDS, hợp tác phát triển và bảo vệ bền vững môi trường.

Việt Nam đã sáng tạo lồng ghép MDG vào các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn của quốc gia, cụ thể hóa MDG sát với điều kiện phát triển của đất nước để nâng cao tính khả thi, xây dựng hệ thống các mục tiêu phát triển quốc gia và huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Mục tiêu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là đạt kết quả xuất sắc.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đồng tình với nhận xét của các tổ chức quốc tế về những thách thức còn khá lớn trên đường phát triển của Việt Nam. Cụ thể là GDP bình quân đầu người mới ở mức 600 USD/người/năm; quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, chuyển dịch kinh tế chậm, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, chất lượng giáo dục y tế cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Đình Khiển khẳng định rằng, để có được những thành công bước đầu trong việc thực hiện MDG, bên cạnh nỗ lực huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể về vốn, về kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Ông cũng nói rằng, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này để đối phó với những thách thức trong thời gian tới./.