4 đường lây truyền bệnh giang mai cần tránh
VNExpress - 13/07/2016
Giang mai chủ yếu lây qua quan hệ tình dục, mẹ sang con và máu, chưa có bằng chứng cho thấy khả năng lây lan khi dùng chung quần áo, khăn tắm và thiết bị y tế với người bệnh.
nhung-dieu-can-biet-ve-benh-giang-mai

Ảnh minh họa: Menhealth.

Theo Health Sina, bệnh giang mai thực sự không quá đáng sợ như mọi người thường nghĩ. Ông Ye Xing Dong, Phó giảm đốc Sở Phòng chống bệnh da liễu Quảng Châu, cho biết nguyên nhân gây bệnh giang mai rất rõ ràng, đó là xoắn khuẩn Treponema pallidum. Treponema pallidum không chịu được nhiệt độ cao, ở nhiệt độ phòng từ 20 đến 30 độ C, vi khuẩn này sẽ chết.

Đường lây của bệnh giang mai cũng được xác định rõ, chủ yếu qua quan hệ tình dục. Do vậy trong cuộc sống hằng ngày chỉ cần chú ý phòng ngừa thì sẽ tránh được. Các nghiên cứu khẳng định giang mai lây qua các đường sau:

- Quan hệ tình dục chiếm 95%. Chủ yếu thông qua quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh giang mai, lây lan khi niêm mạc da bị trầy xước. Tính truyền nhiễm của bệnh thời kỳ đầu khá mạnh nhưng sẽ giảm đi nếu bệnh nhân đã mắc quá 4 năm.

- Nhiễm trùng nhau thai: Giang mai có thể truyền nhiễm cho thai nhi thông qua nhau thai trong 4 tháng đầu thai kỳ, gây nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

- Nhiễm trùng đường sinh: Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ mẹ khi chui qua đường sinh nở tự nhiên.

- Lây truyền qua đường máu: Truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm.

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc tiếp xúc hằng ngày với các đồ dùng của bệnh nhân như quần áo, khăn tắm, trang thiết bị y tế… có thể lây truyền bệnh giang mai. 

Các chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn ngừa giang mai là ủng hộ quan hệ tình dục an toàn. Đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên đến bệnh viện để tầm soát giang mai, hoa liễu. Nhóm này bao gồm người từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nam giới nhiều bạn tình, phụ nữ mang thai, phụ nữ bán dâm, người làm trong lĩnh vực giải trí, đồng tính nam và đối tượng sử dụng ma túy. Phần lớn bệnh giang mai tiềm ẩn không có triệu chứng nhưng có thể xét nghiệm máu để tìm ra vi khuẩn.

Nếu bị loét sinh dục nhưng không cảm thấy đau đớn, cần phải cảnh giác và xét nghiệm giang mai càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời. Đặc biệt khi phát hiện loét, khó chịu ở bộ phận sinh dục, u không đau sau khi quan hệ tình dục không an toàn, cần kiểm tra trong thời gian sớm nhất.

Nếu nghi ngờ nhiễm giang mai, bạn cần đến bệnh viện đa khoa uy tín hoặc trung tâm da liễu, trung tâm khám bệnh lây truyền qua đường tình dục để kiểm tra và điều trị triệt để. Bác sĩ Yang Xing Dong cho biết giang mai có thể chữa trị bằng thuốc kháng sinh song bệnh có thể tái phát hoặc kháng thuốc. Sau khi ngưng điều trị nên theo dõi thường xuyên, thường là trong 3 năm. Người bệnh cần ngưng quan hệ tình dục trong bệnh kỳ, cho đến khi chữa khỏi. Người bệnh giang mai nên kịp thời thông báo cho các đối tác tình dục để làm kiểm tra và điều trị nếu đã bị lây nhiễm.