Lột mặt và ghép mặt - liệu điều này có thể thành hiện thực và dẫn người ta đến biên giới đạo đức nào? |
Một câu chuyện cổ tích
Nửa thế kỷ qua, bàn tay kỳ diệu của y học đã có thể ghép gần như bất kỳ cơ quan nội tạng nào cho cơ thể người. Ít nhất 21 cơ quan nội tạng, từ thận, tim, gan đến mô (giác mạc hoặc tủy) đã được cấy ghép thành công (riêng tại Mỹ, mỗi năm có hơn 20.000 nội tạng được ghép); và sắp tới đây, người ta cũng có thể ghép nguyên bộ mặt người.
Tiến bộ trong phẫu thuật, dược phẩm và phương pháp gây mê đã hỗ trợ kỹ thuật cấy ghép. Người ta cũng nghĩ ra nhiều phương pháp mới giữ gìn nội tạng người chết và tìm được thuốc chống thải loại cũng như kháng sinh hoạt động hiệu quả hơn. “Sự tiến bộ trong cấy ghép nội tạng từ số không đến như ngày nay là một câu chuyện cổ tích - phát biểu của Thomas E. Starzl, phẫu thuật gia tiên phong và là bác sĩ trưởng nhóm thực hiện ca ghép thận cho Robert Phillips - Có một sự thật rằng không ai trong chúng tôi ở thập niên 1950 có thể hình dung việc cấy ghép nội tạng phát triển như thế nào cũng như mường tượng sự thay đổi ngoạn mục ảnh hưởng đến diện mạo y học như ngày nay”.
Trước ca phẫu thuật Herrick là một câu chuyện dài luôn làm trăn trở những người khoác áo blouse. Từ thử nghiệm ghép thận đầu tiên tại Pháp năm 1906, các bác sĩ đã thực hiện khoảng 40 ca ghép thận nhưng tất cả bệnh nhân đều tử vong. Trong vài ca đầu tiên, quả thận hiến không được đặt ở xương chậu như tiêu chuẩn an toàn hiện nay mà nằm ở... tay hoặc đùi! Tháng 6-1950, một phẫu thuật gia Chicago đã cắt một quả thận hỏng của một bệnh nhân nữ và ghép quả thận mới vào với hi vọng có thể kéo dài thêm mạng sống được vài chục ngày. Bệnh nhân sống được năm năm. Tuy nhiên, trường hợp Richard Herrick vẫn được xem là ca ghép đầu tiên bởi nhóm bác sĩ đã khẳng định từ đầu rằng họ có thể giúp Herrick sống thêm ít nhất một năm. Cần nhấn mạnh, thập niên 1960, vấn đề đạo đức quanh việc cấy ghép nội tạng từng bùng nổ, đụng đầu nảy lửa với những ý kiến tôn giáo và thậm chí pháp lý.
Một ca ghép ngón tay |
Từ ghép thận đến ghép mặt
Ca ghép thành công Richard Herrick đã dẫn đến loạt nghiên cứu ở các bộ phận khác. Ngày 3-12-1967, bác sĩ Christiaan Barnard tại Cape Town (Nam Phi) tiến hành ca ghép tim đầu tiên cho Louis Washkansky. Bệnh nhân sống được 18 ngày. Tổng cộng hơn 100 ca ghép tim đã được thực hiện từ năm 1968-1969 nhưng hầu hết bệnh nhân đều tử vong trong 60 ngày (bệnh nhân thứ hai của Christiaan Barnard - Philip Blaiberg - sống được 19 tháng).
Năm 1968, Denton Cooley đã làm chấn động giới y học với 17 ca ghép nội tạng, trong đó có ca ghép tim-phổi đầu tiên (14 bệnh nhân chết trong vòng sáu tháng). Đến trước năm 1984, 2/3 trường hợp ghép tim bắt đầu có thể sống được năm năm hoặc hơn. Từ ghép nội tạng người cho người, y học bắt đầu dùng máy móc thay thế nội tạng hỏng.
Năm 1982, bác sĩ Mỹ William DeVries đã cấy tim máy vào ngực Barney Clark và bệnh nhân sống được 112 ngày (đến nay tim máy nhỏ gọn, hoạt động hiệu quả và tất nhiên duy trì mạng sống dài hơn). Không chỉ ghép máy, người ta bắt đầu ghép nội tạng động vật (do nội tạng người luôn là nguồn cung cấp hiếm).
Năm 1963, giới nghiên cứu đã thành công trong ghép thận tinh tinh cho người (bệnh nhân sống được chín tháng). Các thử nghiệm ghép tim tinh tinh và khỉ đầu chó cho người cũng liên tiếp tiến hành trong thập niên 1960-1970 nhưng đều thất bại - không phải bởi phản ứng thải loại mà do cơ quan ghép quá nhỏ so với cơ thể người.
Theo từ điển bách khoa CD-ROM Encarta 2005, ca ghép tim khỉ đầu chó được xem thành công đầu tiên là năm 1984, khi người ta đưa tim khỉ đầu chó vào một bé sơ sinh hai tuần tuổi. Em bé chỉ sống được 20 ngày. Một trong những động vật được nghiên cứu nhiều nhất gần đây là lợn - do nhiều nội tạng lợn có kích thước tương đương nội tạng người. Cơ thể người không thải loại một số mô lợn - chẳng hạn van tim (hiện có khoảng 60.000 ca ghép van tim lợn cho người tại Mỹ mỗi năm).
Vấn đề cấy ghép đang được tranh luận ồn ào nhất hiện nay là ghép nguyên bộ mặt. New York Times (21-12-2004) cho biết, tháng 10-2004, Cleveland Clinic đã trở thành nơi đầu tiên được chuẩn y nghiên cứu ghép mặt (lột nguyên phần mặt người này đắp lên bộ mặt người khác). Trưởng nhóm Maria Siemionow cho biết họ đã bỏ nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật ghép mặt ở chuột và thực hành trên năm người chết.
Trong khi đó, nhóm bác sĩ Đại học Louisville và Đại học Utrecht cũng hi vọng thực hiện ca ghép mặt đầu tiên vào một ngày không xa trong dự án hợp tác tại Hà Lan. Theo chuyên san American Journal of Bioethics, kỹ thuật ghép mặt sẽ tương tự như ghép tay. Từ năm 1998 đến nay, người ta đã ghép 24 bàn tay-cánh tay ở 18 bệnh nhân nam và trong đó có sáu bệnh nhân được ghép cả hai tay mới.
Tuy nhiên, có hai trường hợp (một ở New Zealand và một ở Trung Quốc) đã phải tái phẫu thuật để được cắt bỏ phần ghép do họ không dùng thuốc thải loại đúng yêu cầu, khiến phần ghép bị hỏng. Nếu kỹ thuật ghép mặt thành công, những người bị tai nạn làm hỏng toàn bộ khuôn mặt từ nay có thể hy vọng tái nhập cuộc sống bình thường bằng bộ mặt mới lành lặn và thậm chí (xinh) đẹp. Tuy nhiên, chỉ riêng ở góc độ tâm lý công chúng, liệu xã hội có thể chấp nhận nhìn thấy một bộ mặt quen thuộc (đã chết) bây giờ được ghép cho một người sống và sự nhận dạng nhầm lẫn này sẽ dẫn đến bao tình huống dở khóc dở cười? Đó là chưa kể nguy cơ kỹ thuật trên được bọn xấu (tội phạm hoặc khủng bố) áp dụng...
Tạm gạt những tranh luận thời sự quanh vấn đề ghép mặt, kỹ thuật cấy ghép nói chung trong 50 năm đúng là đã ảnh hưởng rất nhiều, không chỉ gói gọn trong y học với mong muốn đem lại sự sống dài hơn cho con người mà còn đem lại nhiều thay đổi về quan niệm cũng như các vấn đề liên quan đạo đức xã hội. Và dù gì thì gì, cho đến nay, mặt tích cực mà y học (nói chung) hoặc kỹ thuật cấy ghép nội tạng (nói riêng) đem lại vẫn chiếm tỉ lệ tuyệt đối so với vài trường hợp xấu cá biệt. Người ta phải cảm ơn những bàn tay kỳ diệu đã đem lại những điều kỳ diệu trong 50 năm qua!
KIM NGUYÊN
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chǎm sóc đôi chân mùa giá lạnh (25/12/2004)
▪ TP.HCM nghiêm cấm dịch vụ tắm trắng (25/12/2004)
▪ WHO cảnh báo nguy cơ thiếu thuốc phòng chống sốt rét (25/12/2004)
▪ 3 bí quyết trường thọ (25/12/2004)
▪ TP HCM cấm các thẩm mỹ viện tắm trắng (25/12/2004)
▪ Giãn tĩnh mạch có chữa được không? (25/12/2004)
▪ Bệnh đại tràng chức năng (25/12/2004)